Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo chui túi nilon qua suối: Thật kỳ dị

“Để xảy ra sự việc này, xét về trách nhiệm quản lý thì do ngành giáo dục phải chịu", bà Nguyễn Thị Khá nói.

Liên quan đến việc các cô giáo ở điểm trường của bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên phải ngồi trong túi ni lông để nhờ người đưa qua suối đi dạy học vào mùa lũ, chiều 17/3, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Tôi không hiểu sao ngành giáo dục đến bây giờ có có cảnh kỳ dị như vậy”.

 

Bà Khá cho biết: "Tôi có đọc bài này trên báo chí, không hiểu sao đến bây giờ còn có kiểu như thế. Các cô giáo ngồi trong túi nilon để qua suối như vậy là rất nguy hiểm đến tính mạng và rủi ro rất cao. 

Bởi khi các cô giáo ngồi trong túi nilon, liệu không khí trong đó có đủ để thở hay không? Và khi nhờ người đưa qua suối nếu túi bị thủng, cô giáo không biết bơi thì tính mạng sẽ thế nào?

Còn một vấn đề nữa là hình ảnh cô giáo ngồi trong túi để qua suối như vậy rất nhếch nhác. Đáng ra, hình ảnh của người thầy giáo, cô giáo là rất tôn nghiêm để học sinh noi theo. Việc các cô giáo ở điểm trường này bất chấp tính mạng để làm như vậy, điều đó thể hiện họ rất có trách nhiệm với học sinh".

Bà Nguyễn Thị Khá.

Theo bà Khá, tỉnh Điện Biên, bộ Giao thông vận tải, ngành giáo dục cần phải nghiên cứu xem việc làm cầu có chi phí cao quá không, làm được không? Xét về mặt xã hội, về tính mạng còn người là cao nhất, rất cần thiết phải có cầu.

“Tôi cho rằng vì tính mạng con người thì không thể đo được bằng tiền. Việc làm cầu sẽ giúp bà con trong khu vực đó đi lại. Không thể để khu vực điểm trường của bản này thành ốc đảo được. Còn nhu cầu qua lại của người dân. Ví dụ như khi dân bị bệnh cấp cứu hay người phụ nữ đi đẻ nếu không có cầu thì sẽ đi qua suối như thế nào?

Theo tôi, tỉnh Điện Biên cần xem xét để có giải pháp phù hợp. Không những cô giáo mà còn trẻ em, người dân sẽ đi bằng cách gì nếu không có cầu. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng như tỉnh điện Biên cần có giải pháp nào để ít tốn kém mà việc đi lại của người dân cũng như cô giáo dạy ở đây được thuận tiện. Nếu làm cầu chỉ xét về mặt hiệu quả kinh tế thôi là không thể được, cần phải xét về mặt xã hội”, bà Khá nhấn mạnh.

“Vấn đề nữa là việc này đã diễn ra bao lâu rồi, ngành giáo dục có biết không và địa phương có phản ánh lên cấp trên? Kiến nghị bao nhiêu lần rồi, phòng giáo dục, sở giáo dục và tỉnh Điện Biên có biết việc này không, có giải pháp gì chưa?”.

Bà Khá ví dụ, nếu các cô giáo đi qua suối như vậy xảy ra rủi ro thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Một điều nữa nếu ở tình huống xấu, các cô giáo bị thiệt mạng khi qua suối để đi dạy thì liệu họ có được vinh danh là liệt sĩ? 

“Để xảy ra sự việc này, xét về trách nhiệm quản lý thì do ngành giáo dục phải chịu. Tôi không nói Bộ Giáo dục mà tôi nói ngành giáo dục mới đúng vì Bộ Giáo dục ông ấy ở trên trời nên không biết chuyện này. 

Trước hết là phòng giáo dục của huyện đã phản ánh việc này và đưa ra kiến nghị chưa? Nếu đã nhiều lần kiến nghị mà không được giải quyết thì khi xảy ra vấn đề gì đối với các cô giáo này thì chắc chắn phải tôn vinh họ. Nhưng đó là cái cuối cùng, không ai muốn hy sinh tính mạng của mình để đợi vinh danh”, bà Khá nhấn mạnh.

http://infonet.vn/co-giao-chui-tui-nilon-qua-suoi-that-la-ky-di-post123226.info

Theo Infonet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm