Tôi để ý thấy cô giáo lớp 3B, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) giảng bài một lúc, lại lặng lẽ đi về phía cậu bé, quan sát từng nét chữ mà mấy đầu ngón chân em đã nắn nót viết nên. Cậu bé chợt ngước nhìn cô giáo. Cô và trò cùng nở nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc đến vô cùng.
Ba năm qua, bằng tấm lòng, tình yêu thương chân tình, sâu sắc của mình, cô giáo Sành đã chăm chút cậu học trò khuyết tật này…
Lúc biết nói, những từ đầu tiên cậu bé bập bẹ cất lên không phải là ba hay mẹ, mà mệ, tức bà ngoại của Tài - bà Hà Thị Bướm (57 tuổi, ở xã Cam An, huyện Cam Lộ). Bà Bướm có 2 con gái, mẹ của Tài – chị Hà Thị Hương, con đầu, sinh năm 1989.
Cô giáo Sành đang giúp em Tài viết chữ. Ảnh: Công An Nhân Dân. |
Cách đây 10 năm, chị đem lòng yêu thương người con trai xứ Huế, song khi biết chị có thai, gã này đã cao chạy bay xa. Song đó chưa phải là nỗi đớn đau tận cùng nhất. Lúc sinh, chị đã ngất đi vì đứa con không có hai tay. Đó là bé Tài.
Ba năm sau, mẹ đi lấy chồng, căn nhà côi cút ấy chỉ còn lại đứa trẻ tật nguyền sống dựa nhờ bà ngoại. Bà Bướm tuổi xế chiều, đau ốm liên miên, song vẫn gắng sức với từng nhát cuốc trồng cây lúa cây rau, cốt mong sao cho đặng ngày 2 bữa cơm đạm bạc nuôi đứa cháu ngoại tội nghiệp của mình…
Năm lên 6 tuổi, nhìn chúng bạn cùng trang lứa tung tăng trên đường đi học ngang trước nhà, Tài thỏ thẻ hỏi bà ngoại: “Bà ơi, sao cháu không được đi học?”.
Câu hỏi của Tài như nhát dao cứa vào lòng bà Bướm. Sau nhiều đêm thao thức, bà Bướm quyết định dẫn cháu tới trường học chữ.
Cô giáo Hoàng Thị Sành đã tiếp 2 bà cháu bằng ánh mắt đầy yêu thương và ngưỡng mộ. Tài được nhận vào học lớp 1B do cô Sành làm giáo viên chủ nhiệm.
Để thuận lợi cho việc học của em, cô Sành chọn một chiếc bàn cứng cáp nhất và đặt nó ở trung tâm lớp. Thay vì ngồi ở ghế, Tài được đặc cách ngồi lên chiếc bàn này để dùng 2 bàn chân để tập viết.
Hỏi về những ngày đầu đi học, Tài rưng rưng khóe mắt nói rằng, nhiều lần em tập viết, bỗng chân bị chuột rút, ngã lăn ra trên bàn. Những lúc như vậy, nếu không có cô giáo Sành ở bên dỗ dành, an ủi vỗ về, động viên cố gắng, thì em đã bỏ học rồi…
Thấu hiểu được hoàn cảnh, nỗi đau mất mát, thiệt thòi của Tài, cô Sành đã ngày ngày để mắt tới em, chăm nom, giúp đỡ những lúc em cần, như giữ cho thẳng lại cây viết giữa hai ngón chân, xoa các ngón chân do giữ viết lâu bị tê, hay thay đổi thế ngồi cho đỡ mỏi…
Với sự kiên trì của cô và trò, chẳng bao lâu sau đó, Tài đã viết được tròn trịa những chữ cái, rồi chữ ghép; đọc thông thạo tiếng Việt, làm các phép toán nhanh như bao bạn học sinh giỏi khác trong lớp.
Không chỉ chăm nom, giúp đỡ em ở lớp, những hôm thứ bảy, Chủ nhật rảnh rỗi, cô Sành đều đến nhà thăm hai bà cháu, có gì ngon ở ngoài chợ cô đều mua về cho Tài. Tình yêu thương của cô giáo Sành như tiếp sức hai bà cháu Tài không ngừng vươn lên, vượt qua bao khó khăn, mặc cảm.
Qua 2 năm học và học kỳ I của năm lớp 3, Tài đều có kết quả học tập rất tốt. Từ chỗ ít bạn bè, nay các em học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám đều biết đến và yêu mến, nể phục Tài. Có được sự chia sẻ, tình yêu thương ấy cũng nhờ cả vào cô giáo Sành, bởi cô đã không ít lần tổ chức họp các lớp, nói cho các em hiểu rõ về hoàn cảnh của Tài, về tình yêu thương giữa con người với con người…
Nói về cô giáo Sành, thầy giáo Trần Văn Vĩnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Văn Tám tự hào: “Cô Sành là một trong những giáo viên lâu năm của trường. Trong công tác giảng dạy, cô Sành luôn nỗ lực không ngừng trau dồi chuyên môn của mình. Cô từng đoạt rất nhiều giải thưởng về dạy học, là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tỉnh trong nhiều năm liền. Đặc biệt 3 năm qua, cô đã dạy dỗ và giúp đỡ em Tài từ một học sinh khuyết tật chỉ biết thụ động vào người khác trở thành học sinh giỏi của trường”.
Với những cống hiến của mình, vừa qua, cô giáo Sành đã nhận được bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị trong Đại hội Thi đua yêu nước và là một trong những gương mặt đại diện cho tỉnh Quảng Trị đi tham dự Đại hội Thi đua yêu nước trong thời gian tới.