Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo đưa bảo tàng 3D vào lớp học sử

Ấn tượng với không gian rộng lớn mà 3D mang lại, cô giáo sinh năm 1983 đã ứng dụng công nghệ để tạo ra những bảo tàng ảo, phục vụ cho các em học môn Lịch sử.

Tuần nào cũng vậy, cứ đến giờ học sử của cô Nguyễn Thu Quyên, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) lại được thăm những bảo tàng 3D. Qua những bức ảnh, các em hiểu rõ hơn những giai thoại lịch sử.

Cô giáo sinh năm 1983 cho biết khi cô đưa ứng dụng 3D vào dạy học, học sinh tỏ ra rất thích thú. Chỉ bằng cú nhấp chuột, các em có thể tới thăm mọi ngóc ngách trong bảo tàng cũng như chiêm ngưỡng những bức tranh.

Thông qua sự hướng dẫn của giáo viên, các em thậm chí có thể tạo ra những bảo tàng ảo của riêng mình. Trên lớp, thay vì học một cách thụ động như trước kia, học sinh trở thành "hướng dẫn viên du lịch", đưa các bạn tới từng ngóc ngách trong bảo tàng.

"Đúng như người ta nói nghe thì mau quên, nhìn dễ nhớ, nghịch thì thấu hiểu. Học sinh dễ nhớ các dữ kiện lịch sử, từ đó các em cũng đam mê học tập hơn, muốn đến bảo tàng thật để tìm hiểu về lịch sử của thế giới và lịch sử dân tộc", cô Quyên nói.

bao tang 3D anh 1
Cô quyên cho biết kỳ thi tốt nghiệp năm 2015, trong khi trường Lương Thế Vinh không có học sinh đăng ký thi môn sử, trường cô lại có rất nhiều em đăng ký.

Đi trong bảo tàng ảo giống như tham gia đường đua

Chia sẻ về ý tưởng, cô giáo cho biết câu chuyện bắt đầu từ năm 2013 khi nữ giáo viên lần đầu được xem bảo tàng 3D do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xây dựng theo 2 chuyên khảo: "Giá trị di sản văn hóa Việt Nam" và "Đèn cổ Việt Nam". Ấn tượng với không gian rộng lớn mà công nghệ mang lại, cô Quyên bắt đầu tìm hiểu.

Theo nữ giáo viên, công nghệ 3D đã được rất nhiều bảo tàng trên thế giới áp dụng, như Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Vatican (Italy). Ý định của cô biến thành hành động khi nhận được sự giúp đỡ của em trai. Người này đã giới thiệu Photo 3D album - một chương trình miễn phí, dung lượng thấp và rất dễ sử dụng.

"Trên thực tế, rất ít nhà trường (đặc biệt là các trường ở vùng xa thủ đô, thành phố) có điều kiện cho học sinh tham quan bảo tàng để phục vụ cho việc dạy và học", cô Quyên thông tin. Nữ giáo viên 34 tuổi cho biết nguyên nhân có thể đến từ những điều kiện như thời gian, kinh phí hoặc con người. 

Sau 2 năm nghiên cứu, cô bắt đầu đưa bảo tàng 3D vào lớp học lịch sử của mình tại trường THPT chuyên Nguyễn Trãi từ năm 2015. Chương trình dễ sử dụng, cô đã hướng dẫn học sinh tự tạo những bảo tàng của riêng mình, theo các đề tài về nghề truyền thống và danh lam thắng cảnh lịch sử của Hải Dương, như bánh đậu xanh và Côn Sơn - Kiếp Bạc.

"Tôi nhớ lần đầu tiên sử dụng phần mềm công nghệ này trên lớp, học sinh rất ngạc nhiên với không gian rộng lớn mà bảo tàng mang lại. Vẫn là bức tranh ấy nhưng kết hợp cùng không gian 3D khiến chúng trở nên rộng lớn hơn", cô Quyên kể.

Giáo viên này chia sẻ hôm đó, học sinh của cô rất thích thú kích chuột. Lúc đi lên nóc của bảo tàng, khi xuống dưới, sang bên trái, bên phải. Mọi thứ giống như họ đang tham gia đường đua rộng lớn.

"Sau buổi học, chúng tôi còn đùa với nhau rằng sau khi sử dụng bảo tàng ảo này, cô trò mình sẽ lái xe rất tốt bởi phải lạng lách vào hết góc này đến góc kia để tìm hiểu những bức ảnh hoặc tư liệu", cô Quyên nhớ lại.

Học sinh không ghét Lịch sử

Ngoài bảo tàng ảo, cô còn lên ý định tạo ra những bộ phim lịch sử 3D để phụ trợ các em trong việc học sử. Cụ thể, cô sẽ sử dụng phần mềm để chuyển đổi phim 2D thành phim 3D. Tuy nhiên, để lớp học thành công, cô cần nhà trường hỗ trợ kính VR Box. Với chiếc kính này, học sinh có thể sống trong không gian lịch sử đó.

Người phụ nữ này cho biết: "Thực ra, không phải học sinh không thích sử. Lịch sử với những câu chuyện từ quá khứ là những thứ các em rất thích. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố, việc dạy sử cho học sinh không được như mong muốn và môn sử chưa ở đúng giá trị của chính bộ môn".

Cô Quyên cho hay điều quan trọng nhất là phương pháp giảng dạy của giáo viên - người chịu tác động từ rất nhiều yếu tố. Để cải thiện những hạn chế, cô cho rằng bản thân mình và các đồng nghiệp phải tích cực đổi mới và sáng tạo. Giáo viên có tâm huyết mới giúp được học sinh.

"Học sinh trường tôi đạt điểm môn sử rất cao. Năm 2015, trong khi các bên đưa tin trường Lương Thế Vinh không có em nào đăng ký thi tốt nghiệp môn sử, trường tôi lại đăng ký rất nhiều, kể cả những em học những khối không có môn này", cô nói.

Chia sẻ về dự định sắp tới, cô Quyên cho hay sẽ làm một hệ thống bảo tàng theo hình xoáy trôn ốc theo chương trình từ lớp 10 đến lớp 12, tương đương chương trình lịch sử lớp 6, 7, 8, 9. Nội dung chương trình gồm lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc.

"Đến bài nào sẽ có bảo tàng của bài đấy, giúp giáo viên có thể thuận tiện hơn trong việc sử dụng", cô nhấn mạnh. Ngoài ra, cô Quyên cũng sẽ tiến tới chia sẻ công trình này cho giáo viên toàn quốc.

Bảo tàng lịch sử 3D của cô Quyên là một trong 10 công trình, sáng kiến xuất sắc nhất trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017. Chương trình này do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Sau hơn 5 tháng triển khai, chương trình đã tiếp nhận 329 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ trong cả nước.

Cụ thể, 171 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả (51,89%); 84 công trình, sáng kiến sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập (25,53%); 74 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục (22,49%).

45 nhóm và 284 cá nhân đã tham gia cuộc thi với phần lớn đối tượng là giáo viên và giảng viên trẻ. Ngoài ra, cuộc thi còn có sự góp mặt của một số sinh viên Việt Nam đang học tập tại nước ngoài.

Giáo viên mầm non là một trong 10 nghề đáng sợ ở Mỹ

Giáo viên mầm non ở Washington (Mỹ) được trả lương cao nhất, với 46.108 USD/năm. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn thu nhập bình quân của người Mỹ khoảng 13.000 USD/năm.

Thầy giáo quân hàm xanh dạy chữ tại 'Trường Sa cạn'

Từ bỏ cơ hội làm việc ở chốn phồn hoa, Giàng A Trú chọn về làm việc tại vùng khó khăn nhất với hy vọng giúp nâng cao hiểu biết của đồng bào vùng biên cương.



Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm