Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo hơn 30 năm tìm mộ người yêu

Chưa nên nghĩa vợ chồng nhưng khi nghe tin Định hi sinh trong chiến tranh, cô giáo Quang quyết định ở vậy chăm sóc cho bố mẹ người yêu. Câu chuyện hơn 30 năm đi tìm mộ người yêu khiến nhiều người rơi nước mắt.

Trong lễ tổng kết và trao giải cho các tác giả, tập thể xuất sắc nhất cuộc thi sáng 12/11, cô giáo Chu Thị Linh Quang (cựu giáo viên trường THPT Tùng Thiện, nay là THPT Sơn Tây, Hà Nội), nhân vật xuất hiện trong bài dự thi Gieo chữ, giữ trọn chữ tình của Trần Minh Tuấn (Hà Nội, giải Ba) cũng có mặt để giao lưu cùng các bạn sinh viên. Câu chuyện tình của cô đã khiến nhiều người rơi lệ.

Cô giáo Chu Thị Linh Quang trong buổi giao lưu sáng 12/11.

Quen nhau khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Linh Quang và Đào Đức Định đã nguyện cùng nhau chung sống đến trọn đời. Thế rối, chiến tranh đã khiến cho người con trai phải lên đường. Và cũng chính sự khốc liệt của cuộc chiến ấy đã khiến cho lời hứa hẹn năm nào mãi trở thành kí ức khi người con trai đã không thể trở về.

Dù người yêu đã hy sinh, nhưng với tình cảm sâu sắc, cô gái trẻ Linh Quang khi ấy mới tròn đôi mươi, vẫn quyết định ở vậy chăm sóc cho bố mẹ người yêu, làm tròn bổn phận như người con dâu trong gia đình.

Bên cạnh đó, trong suốt cuộc đời mình, người con gái ấy còn dành tình yêu thương đặc biệt đối với những học trò của mình.

Gần 40 năm gắn bó với nghề giáo, đối với cô niềm hạnh phúc là khi được những người học trò cũ nhớ đến mình. Và những kỷ niệm với học trò cô luôn coi đó là niềm hạnh phúc thiêng liêng.

Nhưng 43 năm đã trôi qua kể từ ngày nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Đào Đức Định, nỗi đau mất đi người thân yêu nhất dường như vẫn luôn canh cánh trong lòng cô và gia đình bởi di hài của liệt sĩ Định vẫn còn nằm lại đâu đó.

Kể từ ngày nghe tin dữ người yêu qua đời đến năm 1980, cô Linh Quang mới có cơ hội đi tìm mộ liệt sĩ Định.

Thời gian đầu, cô và gia đình đinh ninh liệt sĩ Định hy sinh ở Lào với manh mối là bức thư cuối cùng gửi từ Lào, nhưng mọi cố gắng tìm kiếm vẫn vô vọng.

Trải qua hơn 30 năm với rất nhiều khó khăn, vất vả, cô giáo Linh Quang và gia đình vừa nhận được tin liệt sĩ Định hy sinh trong chiến dịch Chen La I, Chen La II (Campuchia). Thông tin quý giá này đã giúp cô và gia đình có thêm hy vọng tìm được di hài người thân.

Xúc động khi nghe cô Linh Quang đọc những vần thơ viết về mối tình của mình.

Không chỉ là một nhà giáo, cô Linh Quang còn là một nhà thơ. Mọi nỗi niềm sâu kín dường như được cô giãi bày trong những vẫn thơ chan chứa nỗi lòng. Đối với cô niềm vui lên lớp và làm thơ chính là bờ vai tin cậy nhất.

Trong buổi giao lưu, khi được MC Thảo Vân mời đọc một bài thơ về tình cảm mà cô dành cho liệt sĩ Đào Đức Định, trên khuôn mặt nhà giáo nhà vẫn không kìm nén được cảm xúc khi nhớ đến người yêu năm xưa.

"Tháng sáu mà mưa nhiều,
Cả đất trời sũng nước.
Không phải trận mưa rào ùa về từ ngày trước
Giăng màn mưa lộng lẫy không gian
Tiếng anh cười cùng tiếng sấm nổ ran
Em nép vào anh bé nhỏ...

Mưa! Mưa nhiều vào mưa thật lâu, mưa nữa,
Đất trời nào sa mạc chẳng chờ mưa!
Tạm biệt nhé, những bong bóng phồng lên rồi vỡ tan ,
rực rỡ muôn mầu...
Cho hạt mưa đầu mùa long lanh mãi ...

Mưa, mưa đầy trời, em đi trong mưa, không nghe mưa rơi,
Không thấy gì hết cả !
Mưa trắng xóa che mờ vạn vật ,
Mưa hú dài, lạnh buốt dọc triền sông,
Mưa gào trên mái ngói, vật vã trên không trung,
Mưa quật nát tán lá bàng đẫm nước,
Mưa sôi sục những âm thanh kỳ lạ.

Sấm!
Sấm đã nổ!
Sấm nổ rồi !
Trời tạnh, mây quang!
Còn mình em đi giữa thế gian,
Em bỗng thấy mình lớn lên, lạ thế!
... Mưa bao hạt, là bao lời thủ thỉ,
Nói cùng em, nói với riêng em...
Hạt mưa đầu mùa lóng lánh trong tim,
Là dấu tích em soi vào muôn thuở ...
Hạnh phúc hiện hình trong đau khổ
Sắc cầu vồng tan rồi!
Em được cả cơn mưa!".

Bài thơ được cô viết vào khoảng đầu tháng 6/1971. "Đó là vào một buổi trưa tôi nằm mơ một cơn ác mộng. Một chiếc xe com măng ca đỗ trước cửa. Một người mặc quân phục, đeo xà cột chạy vào nhà tôi. Anh đưa cho tôi một tờ giấy đánh máy có ba chữ - giấy báo tử. Bên cạnh là dòng chữ tên người bạn trai thân thiết nhất của tôi.

Tôi òa lên khóc và chạy ra ngoài trời. Trời mưa to lắm. Tôi cứ chạy, chạy mãi. Mưa quất vào mặt. Cây cối tơi tả dưới mưa…Tôi vừa chạy vừa khóc. Nước mắt hòa lẫn mưa. Khi tôi tỉnh dậy thấy người ướt đẫm nước mưa.

Giấc mơ có thật. Mưa to, gió lớn, sấm chớp đùng đùng là có thật. Tôi nằm mơ, tỉnh dậy và chạy dưới mưa. Vào nhà đem ảnh anh ấy ra xem, tôi lại khóc và đã viết liền một mạch bài thơ này. Sau đó, cuối tháng 9/1971 gia đình nhận được giấy báo tử". Đó là những dòng chia sẻ xúc động của Chu Linh Quang về hoàn cảnh sáng tác bài thơ này.

Chính những câu thơ chan chứa tình cảm và nước mắt ấy đã khiến những người có mặt trong buổi lễ đều nghẹ ngào xúc động và cố gắng kìm nén để không bật thành tiếng khóc.

Dù lần đầu tổ chức, nhưng cuộc thi viết Cô giáo của tôi do Báo Giáo dục thời đại tổ chức đã nhận được hơn 71.000 bài dự thi với nhiều cung bậc tình cảm, lòng biết ơn của đàn con học sinh với những người mẹ hiền - cô giáo.

Điểm nổi bật của cuộc thi đó là đa phần các tác phẩm đều viết về những kỷ niệm không thể nào phai mờ trong ký ức của chính bản thân tác giả đối với cô giáo của mình.

Trong hàng ngàn bài dự thi, tác phẩm Người gieo chữ ở làng phong của tác giả Thu Lương, Đài Tiếng nói Việt Nam, viết về cô giáo Hà Thị Thu Oanh (quê Điện Bàn, Quảng Ninh, hiện là giáo viên trường Tiểu học Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng), người gắn bó hơn 22 năm với những trẻ em làng phong, đã xuất sắc giành được giải nhất cuộc thi.

An Hoàng

Bạn có thể quan tâm