Ngày 24/5, Nguyễn Thị Ngọc Trâm đến trường, quay trở lại công việc dạy học quen thuộc. Cô vừa trở về từ SEA Games 31 với tấm huy chương đồng bộ môn Vovinam nội dung quyền cá nhân.
Nguyễn Thị Ngọc Trâm là chủ nhân của tấm huy chương đồng bộ môn Vovinam nội dung quyền cá nhân tại Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 31. Ảnh: NVCC. |
Hành trình giành huy chương SEA Games 31
Ngọc Trâm (30 tuổi, quê ở Vĩnh Long) hiện là giáo viên môn Giáo dục thể chất tại trường Tiểu học Hồng Hà, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Cầm trên tay tấm huy chương đồng bộ môn Vovinam nội dung quyền cá nhân tại Đại hội thể thao Đông Nam Á SEA Games 31, cô gái gốc Vĩnh Long không khỏi xúc động bởi thành tích mà mình đã đạt được.
“Tôi cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được góp mặt và tham gia thi đấu cho đội tuyển Vovinam quốc gia”, Ngọc Trâm chia sẻ với Zing.
Nói về cơ duyên khi đến với bộ môn này, Trâm cho biết năm 14 tuổi, cô bắt đầu luyện tập Vovinam. Sau đó, cô được lên đội tuyển, cống hiến cho Vovinam Vĩnh Long khoảng 12 năm. Khi lập gia đình tại TP.HCM, cô ngừng tập luyện tại đây.
Đầu năm 2020, Trâm quay lại làm huấn luyện và luyện tập cho đội tuyển Vovinam TP.HCM. Sau 2 năm, cô được triệu tập lên đội tuyển quốc gia và thi đấu tại SEA Games 31.
Trải qua nhiều năm tập luyện ở câu lạc bộ, ở tuổi 30, Ngọc Trâm không khỏi bất ngờ và xúc động khi nghe tin mình có cơ hội tham gia thi đấu tại SEA Games. Vì vậy, cô luôn cố gắng luyện tập để đạt được thành tích tốt nhất.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình tập luyện, cô Trâm cho biết nghề giáo viên giờ giấc vốn chặt chẽ. Trong khi đó, cô phải thường xuyên tập luyện. Vậy nên, chu toàn cả 2 việc là điều không dễ dàng. Ngọc Trâm luôn cảm thấy may mắn khi nhận được sự ủng hộ của các thầy cô, học trò và gia đình.
“Con tôi còn nhỏ. Thỉnh thoảng, bé bị ốm, ảnh hưởng ít nhiều vào thời gian tập luyện. May mắn, những lúc như vậy, tôi được ông bà và người nhà hỗ trợ nên cũng cố gắng sắp xếp thời gian để quá trình tham gia tập luyện không bị gián đoạn”, Ngọc Trâm tâm sự.
Trước khi tập trung lên đội tuyển Vovinam Quốc gia, Ngọc Trâm thường dành khoảng 2 tiếng mỗi sáng để ôn luyện bài tập cơ bản. Buổi chiều, cô vẫn lên lớp. Tan việc ở trường, 17-19h, cô tranh thủ luyện những bài tập nâng cao. Thời gian còn lại, cô tập trung cho gia đình, làm việc nhà và dạy con học.
Các ngày trong tuần, Ngọc Trâm thường luyện bài tập về chuyên môn chung. Với chuyên môn riêng, huấn luyện viên sẽ đưa ra những bài tập thể lực và bài tập để tự rèn luyện.
“Sau mỗi bài tập, tôi phải trình diễn trước huấn luyện viên. Nếu tôi chưa tốt, thầy đưa ra góp ý, căn chỉnh lại động tác”, Ngọc Trâm kể.
Nữ giáo viên cho biết áp lực lớn nhất khi tham gia tập luyện là gặp chấn thương. Tuy không quá nặng, nó gây khó khăn trong quá trình di chuyển. Những lần sau đó, cô luyện tập với cường độ vừa phải, tránh gặp chấn thương không đáng có.
May mắn, trong thời gian cô đi thi đấu, sức khỏe ổn định. Nhờ vậy, tinh thần tham gia giải đấu cao hơn bao giờ hết.
Ngọc Trâm phát biểu xúc động tại buổi chào mừng và vinh danh khi cô quay trở lại trường. Ảnh: NVCC. |
Trở lại công việc dạy học
Trở về từ SEA Games 31 với tấm huy chương đồng, Ngọc Trâm cho biết dù không đạt được thành tích như mong đợi, cô luôn tự hào và hạnh phúc vì đã đóng góp sức nhỏ của mình vào bảng thành tích huy chương cho SEA Games nước nhà.
Sáng 24/5, sau khi về đến TP.HCM, Ngọc Trâm được Ban giám hiệu, thầy cô và học sinh trường Tiểu học Hồng Hà tổ chức chào mừng, vinh danh thành công, nỗ lực của cô trong suốt quá trình tham gia giải đấu.
“Tôi bất ngờ, xúc động vì thầy cô, học sinh, nhà trường đã dành thời gian, tình cảm, tụ họp trên sân trường để chúc mừng thành tích của mình tại giải đấu SEA Games này. Đây có lẽ là khoảnh khắc khó quên trong cuộc đời”, Ngọc Trâm xúc động.
Chia sẻ về thành tích của cô giáo Ngọc Trâm, cô Bùi Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hồng Hà, cho biết: “Cô Trâm là giáo viên trẻ, năng động, nhiệt tình, luôn cố gắng để đạt được thành tích cao. Nhà trường rất vui, tự hào, vinh dự khi có giáo viên tham dự kỳ Đại hội SEA Games 31 và mang về vinh quang cho đất nước, thành phố cũng như phía nhà trường”.
Nói về dự định trong tương lai, Ngọc Trâm mong muốn bộ môn Vovinam được phát triển trong nhà trường, các câu lạc bộ, cao hơn là tổ chức học ngoại khóa.
“Hiện tại, trường tôi đang phát triển các bộ môn khác như nhịp điệu, cờ vua, taekwondo. Tôi mong trong tương lai, bộ môn Vovinam này cũng được phát triển, mở rộng”, Trâm chia sẻ.