Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nam sinh làm phiên dịch viên tình nguyện tại SEA Games 31

Thành Trung đã có những trải nghiệm thú vị khi làm tình nguyện viên tại SEA Games năm nay.

Nguyễn Thành Trung (21 tuổi, quê Hải Phòng) hiện là sinh viên năm 3 chuyên ngành Quản trị điều hành thông minh giảng dạy bằng tiếng Anh của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Nam sinh đang đảm nhiệm công tác phiên dịch tiếng Anh thuộc quản lý riêng của đoàn thể thao Singapore. Việc được trực tiếp tham gia, hỗ trợ cho đoàn cũng như các vận động viên là một trải nghiệm đặc biệt đối với anh.

Thời gian làm việc không cố định

Công việc chính của Trung là phối hợp, hỗ trợ cho đội hậu cần của đoàn thể thao Singapore, bao gồm đội ngũ các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng hay những thành viên ban quản lý, phụ trách đưa đón vận động viên để đảm bảo công tác thi đấu diễn ra thuận lợi nhất.

Tuy không làm việc trực tiếp với các vận động viên, với Trung, đây cũng là một trải nghiệm thú vị.

Nói về thời gian làm việc, anh cho biết, SEA Games 31 là một sự kiện lớn, do vậy, rất nhiều công việc cũng như kế hoạch có thể thay đổi bất kỳ lúc nào. Vì thế, Thành Trung không có một lịch trình làm việc cụ thể.

“Công việc của mình có thể bắt đầu từ 8-9h, có khi là 13h và kết thúc muộn nhất là 22h. Mình sẽ đi cùng đoàn hậu cần, phối hợp với các bác tài xế, hỗ trợ đưa đón, phiên dịch và hỗ trợ các anh chị hậu cần trong những trường hợp cần thiết”, Thành Trung cho hay.

Mức hỗ trợ và ưu đãi của đoàn Singapore sẽ là 200.000 đồng/buổi, ngoài ra có thêm tiền phụ cấp ăn uống, đi lại. Nhưng với Trung và tình nguyện viên khác, đó không phải là mục đích chính mà mọi người hướng đến.

Yêu cầu khắt khe nhưng đáng

Để trở thành phiên dịch viên của đoàn thể thao Singapore tại SEA games 31, Thành Trung phải có nền tảng tiếng Anh và thành tích học tập tốt. Anh đạt chứng chỉ TOEIC 925/990, có nhiều năm kinh nghiệm làm gia sư và trợ giảng cho các trung tâm tiếng Anh.

Anh cho biết bên cạnh yêu cầu về ngoại ngữ, quá trình tuyển chọn và phỏng vấn cũng tương đối khó khăn. Để đánh giá khả năng giao tiếp, mỗi phiên dịch viên phải tham gia quá trình phỏng vấn trực tiếp với người quản lý.

Việc thể hiện được tinh thần sẵn sàng tham gia, tận tâm với công việc cũng là yếu tố quan trọng để ban tổ chức quyết định lựa chọn ứng viên phù hợp.

“Trong quá trình phỏng vấn, mình rất lo lắng và hồi hộp, không biết bản thân đủ điều kiện trở thành một phần của sự kiện lớn này không. May mắn, mình đã có cơ hội và được tham gia trải nghiệm này”, Trung hào hứng.

Nam sinh 21 tuổi cho biết để đảm bảo công tác hỗ trợ diễn ra tốt nhất, một phiên dịch viên không chỉ đòi hỏi kiến thức về ngoại ngữ, sức khỏe mà còn là khả năng ứng biến tình huống cũng như sự kiên nhẫn.

“Chúng mình phải cam kết vào thời điểm đó, bản thân không có các triệu chứng liên quan đến Covid-19 hoặc cảm cúm, đau đầu. Về mặt ngoại ngữ, đoàn Singapore sẽ yêu cầu tình nguyện viên biết một trong hai thứ tiếng là tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Tuy có chút khó khăn, chúng mình luôn cảm thấy tự hào và may mắn khi được tuyển chọn và trở thành phiên dịch viên chính thức cho đoàn Singapore”, Trung nói.

Kỷ niệm khó quên

Thành Trung hào hứng kể về trải nghiệm đầu tiên khi tham gia hỗ trợ và đưa đón một trong 4 bác sĩ của đoàn thể thao tham dự trận đấu bóng đá giữa U23 Singapore với U23 Lào ở Nam Định.

“Lần đầu tiên, mình được đến sân vận động, xem trực tiếp một trận bóng đá, trải nghiệm không khí thể thao hừng hực của các vận động viên và cổ động viên. Đây cũng là lần đầu, mình thử sức với vai trò người phiên dịch, hỗ trợ, đưa đón đoàn vào trong sân vận động để các anh có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, Trung chia sẻ với Zing.

Bên cạnh đó, anh cũng được tham gia hỗ trợ trực tiếp về các môn thể thao như bơi lội, nhảy cầu. Ngoài ra, Trung còn được học hỏi, hỗ trợ cho đoàn thể thao Singapore trong công tác đặt phòng khách sạn, quản lý chỗ ăn, ở cho các vận động viên cùng rất nhiều trải nghiệm thú vị khác.

“Mình cảm nhận con người Singapore rất thân thiện, hòa đồng, tác phong làm việc chuyên nghiệp cùng với công tác chuẩn bị cho việc thi đấu các môn thể thao vô cùng kỹ lưỡng. Có lẽ không chỉ riêng mình mà với mỗi bạn phiên dịch viên khác, trải nghiệm lần này sẽ vô cùng đặc biệt và khó quên”, Thành Trung tâm sự.

Thầy giáo chạy bàn, làm thợ hồ để khởi nghiệp

"Đến Lâm Đồng, du khách sẽ nhớ về sản phẩm làm từ vỏ cà phê. Nó tạo thu nhập và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở đây", thầy Phú Cường nói về ý tưởng khởi nghiệp.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm