Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thầy giáo chạy bàn, làm thợ hồ để khởi nghiệp

"Đến Lâm Đồng, du khách sẽ nhớ về sản phẩm làm từ vỏ cà phê. Nó tạo thu nhập và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở đây", thầy Phú Cường nói về ý tưởng khởi nghiệp.

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, Phú Cường (26 tuổi) trở thành giáo viên Tin học tại trường Tiểu học Nam Thành, thành phố Đà Lạt.

Bên cạnh công việc dạy học, Phú Cường còn xây dựng thành công mô hình các sản phẩm làm từ vỏ cà phê bị bỏ đi. Anh mong muốn giúp bà con nông dân tận dụng nguyên liệu sẵn có, tăng gia sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương mình.

Thay giao chay ban anh 1

Phú Cường tận dụng vỏ cà phê làm thành các hạt chocolate kết hợp với những nguyên liệu sẵn có.

Làm chocolate từ vỏ cà phê

Phú Cường sống tại xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, người dân thưa thớt, chủ yếu là đồng bào thiểu số, học vấn thấp. Việc canh tác cà phê không đạt sản lượng cao.

Phú Cường chia sẻ có thời điểm, giá cà phê xuống thấp, từ 40.000 xuống còn 33.000 đồng/kg, trong khi giá phân bón cộng với chi phí thuê nhân công lại cao. Bà con nông dân chặt bỏ rất nhiều diện tích bởi họ nhận thấy việc trồng loại cây này không đem lại nhiều thu nhập.

Thay vào đó, làn sóng bất động sản đổ mạnh về nơi đây khiến giá đất tăng. Diện tích trồng cà phê vì thế sụt giảm nghiêm trọng.

Do vậy, anh cho rằng việc nghiên cứu, làm ra các sản phẩm mới để nâng cao giá trị cho cà phê là rất cần thiết.

Tận dụng vỏ cà phê bỏ đi, sau khi nghiên cứu được công dụng, kết hợp với những nguyên liệu sẵn có tại địa phương như hạt macca, cỏ ngọt, anh tạo sản phẩm chocolate dạng viên.

Tháng 8/2021, Cường xây dựng mô hình Bảo Lộc coffee House - Socola Cascara, chocolate làm từ vỏ cà phê hữu cơ organic sau nhiều lần mày mò, nghiên cứu.

Thay giao chay ban anh 2

Phú Cường giới thiệu sản phẩm chocolate làm từ vỏ cà phê bị bỏ đi.

Khó khăn khi khởi nghiệp từ nông nghiệp

“Khó khăn nhiều hơn thuận lợi” là những gì mà Phú Cường cảm nhận khi bước đầu tìm hiểu sâu hơn về cây cà phê bởi ý tưởng về sản phẩm của anh hoàn toàn mới, chưa có trên thị trường.

Không có ai hướng dẫn, Cường tự học mọi thứ, từ việc tìm hiểu trên mạng về kiến thức chuyên ngành đến biến ý tưởng riêng thành mô hình mới. Vì còn công việc dạy học, anh chỉ có thể nghiên cứu vào buổi tối.

Với Phú Cường, khởi nghiệp từ nông nghiệp cần phải có tư duy mới và khác. Sản phẩm của thị trường này rất rộng. Việc làm theo mô hình sạch, hữu cơ lại rất khó, đòi hỏi cần có thời gian dài để chứng minh nguồn nông nghiệp sạch, hữu cơ.

Bước đầu, việc tìm nguyên liệu mất trong vòng từ 3-4 tháng, sau đó, anh làm sản phẩm mẫu nhỏ. Khi có thuận lợi nhất định, anh mới quyết định đi tìm hiểu về máy móc, tìm về nghệ nhân làm chocolate, hay nơi bán hàng.

Thầy giáo Tin học cho biết lợi nhuận từ việc làm nông nghiệp không đến từ trước mắt nhưng nó sẽ lâu dài và bền vững nếu mình vượt qua những giai đoạn khó khăn.

“Ban đầu làm không có vốn, có thời điểm, mình phải đi chạy bàn, làm lễ tân hay thậm chí thợ hồ để có đủ tài chính phát triển nên mô hình này ”, Phú Cường chia sẻ.

May mắn, Phú Cường được gia đình ủng hộ. Bạn bè người thân rồi cả người tin tưởng anh đều phụ giúp, tạo thêm động lực để anh tiếp tục theo đuổi đam mê.

Thành công bước đầu

Phú Cường cho biết việc tận dụng các lợi ích từ vỏ cà phê giúp bà con nông dân tạo thêm thu nhập, vừa đem lại nguồn lợi cho xã hội và giải quyết được bài toán kinh tế cho người dân nơi đây. Qua đó, việc này tạo hướng đi mới ngành nông nghiệp ở địa phương.

Năm 2021, anh đoạt giải ba khi tham dự cuộc thi cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp Đổi mới sáng tạo năm 2021. Sau đó, anh bước đầu có thuận lợi nhất định.

“Với mình, thành công đầu tiên là tạo ra được sản phẩm. Sau đó, mình có cơ hội đi trưng bày, nhiều khách hàng biết tới sản phẩm. Nhiều người muốn hợp tác, đầu tư, mua thiết bị, công nghệ để làm số lượng lớn. Số lượng chocolate bán ra nhỏ nhưng là động lực để mình cố gắng hơn”, Phú Cường chia sẻ.

Không chỉ làm giàu bằng nông nghiệp sạch, giấc mơ của Phú Cường còn là đưa sản phẩm chocolate từ vỏ cà phê được nhân rộng tới các tỉnh thành lân cận khác như Đắk Nông, Buôn Ma Thuột và trên thế giới.

10 tấm bằng đại học dễ bị bỏ phí nhất

Career Addict cho rằng người học không cần lãng phí thời gian, tiền bạc để theo đuổi những tấm bằng ít mang lại giá trị như Thiết kế thời trang, Lịch sử nghệ thuật.

Lan Anh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm