Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Du học sinh Mỹ mách cách đạt điểm A, GPA cao

Đào Thiên An giành được học bổng hơn 222.440 USD (tương đương 5,1 tỷ đồng) của trường Dickinson College (Carlisle, bang Pennsylvania). Cô bạn chỉ ra cách đạt điểm GPA cao.

Đào Thiên An theo học tại ĐH Dickinson (Carlisle, bang Pennsylvania) với học bổng 222.440 USD. Sự hỗ trợ tài chính này giúp cô giảm bớt gánh nặng tiền bạc khi học tại Mỹ.

Trước khi du học, Thiên An cũng tìm hiểu rất kỹ về cuộc sống ở đất nước mới. Dù vậy, thời gian đầu, cô vẫn gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn, từ chuyện ăn uống, văn hóa, lối sống, chi tiêu đến phương pháp học tập, kết bạn.

Du hoc sinh My “mach nuoc” dat diem A anh 1

Chuyện ăn, ở tại Mỹ

Khó khăn nhất Thiên An gặp phải là đồ ăn. Cô nhận xét đồ ăn ở Carlisle dầu mỡ, ngọt và ngậy. Đồ ăn không hợp khẩu vị lại không nhiều lựa chọn, không ít lần, nữ sinh không thể chọn được món nào trong bếp ăn của trường.

“Người Mỹ quen ăn rau sống, trộn với nước sốt giống salad. Tôi lại không thích nước sốt vì quá ngậy. Có hôm, tôi phải luộc rau trong nhà ăn bằng cách lấy rau vào đĩa, đổ nước và quay lò vi sóng 3 phút. Đồ ăn không ngon bằng luộc trực tiếp nhưng tôi thấy dễ ăn hơn salad”, Thiên An kể.

Ở Việt Nam, cô chưa bao giờ phải vào bếp. Nhưng sang Mỹ, cô phải tự nấu nướng khi thèm đồ ăn Việt. Vào kỳ nghỉ đông, bếp ăn trường nghỉ, cô cùng mấy người bạn rủ nhau đi siêu thị mua rau, thịt, tự tra cứu công thức trên mạng để nấu vài món đơn giản như sườn xào chua ngọt, thịt kho tàu, nem rán.

Cô nhận thấy với người mới sang, mỳ tôm, phở, cháo ăn liền chính là “phao cứu sinh” cho khoảng thời gian đầu làm quen với đồ ăn Mỹ. Cô thấy hối hận khi không mang nhiều mì gói Việt lúc mới sang Mỹ bởi mỳ tôm ở đây không đậm đà và nhiều dầu mỡ. Nếu muốn mua mì Hàn, mì Việt, cô phải đi chợ châu Á, cách ký túc xá khá xa.

Tuy nhiên, ở chợ, du học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm nguyên liệu nấu ăn như thịt lợn, thịt gà, bò hay nem, bánh chưng, cà, bắp cải. Song Thiên An lưu ý giá rau đắt đỏ, một bó rau muống có giá quy đổi sang tiền Việt đến 100.000 đồng.

Về chuyện ở, trường quy định sinh viên năm nhất bắt buộc ở ký túc xá. Tuy chi phí có đắt đỏ hơn nhưng Thiên An thấy an toàn khi “chân ướt chân ráo” sang Mỹ.

Đây cũng là cơ hội để cô kết thêm bạn ở nhiều nước khác nhau. Lúc cô mới đến, hai người bạn trong đội thể thao đã hướng dẫn tận tình cách sinh hoạt trong ký túc xá.

Ngoài ra, việc ở ký túc xá giúp cô đi học thuận tiện, chỉ mất 10-15 phút đi bộ. Ban đầu không quen, cô bị bong gân do ở Việt Nam ít vận động. Nhưng sau một thời gian, cô đã quen với việc đi bộ.

Tìm được bạn cùng phòng hợp cũng không phải việc dễ dàng. Trước khi nhập học, bạn sẽ điền vào tờ khảo sát gồm các câu hỏi liên quan đến lối sống như: đi ngủ lúc mấy giờ, bạn cùng phòng về muộn được không, tự chấm điểm độ sạch sẽ bản thân…

Dựa vào bảng khảo sát này, trường sẽ tìm cho bạn người có cùng lối sống đó. Ban đầu, Thiên An tích ô nhà trường tìm, nhưng ngày cuối cùng đóng đơn, một người bạn Việt trong nhóm “chat” hỏi có muốn làm bạn cùng phòng không và cô đồng ý. Theo quy định, nhà trường sẽ đổi phòng trong trường hợp hai người chung phòng xảy ra mâu thuẫn lớn.

Du hoc sinh My “mach nuoc” dat diem A anh 2

Làm thế nào hòa nhập nhanh cuộc sống ở Mỹ?

Một trong những vấn đề khiến nhiều du học sinh lo lắng trước khi sang Mỹ là việc hòa nhập với cuộc sống ở đây. Thiên An ban đầu hơi lo vì là người châu Á, nói tiếng Anh họ có hiểu hay không. Nhưng khi sang thực tế, cô nhận thấy, người Mỹ rất thân thiện và cởi mở. Các bạn chủ động chào, hỏi thăm, đưa thông tin liên lạc qua Facebook và Instagram hay rủ đi ăn trưa để làm quen.

“Mọi người hay gọi các bạn Mỹ là “hoa hậu thân thiện”. Bạn mới sang thì cứ thả lỏng tâm lý. Các bạn ấy rất vui vẻ, cởi mở, thoải mái khi trò chuyện", cô chia sẻ.

Trước khi sang Mỹ du học, du học sinh đều đạt trình độ ngôn ngữ nhất định. Vì thế, đừng quá lo lắng mà thu mình. Theo An, rào cản ngôn ngữ không phải vấn đề bằng sự khác biệt về văn hóa. Vì văn hóa của mỗi nước ảnh hưởng đến cách nói chuyện, nội dung câu chuyện.

"Để hòa nhập nhanh với văn hóa Mỹ, bạn nên xem nhiều phim Mỹ. Ví dụ, đi vào lớp trước, bạn sẽ đứng lại giữ cửa cho người sau. Hay họ có văn hóa không đưa ra nhận xét tiêu cực đến người khác. Trên lớp, sinh viên luôn được nhắc là khen trước, sau đó mới góp ý, nhận xét theo hướng tích cực chứ không tấn công người khác”, Thiên An nói.

Du hoc sinh My “mach nuoc” dat diem A anh 3

Bên cạnh đó, việc học ở Mỹ đòi hỏi bạn tự đọc, tự tìm hiểu nhiều hơn. Năm thứ nhất đại học, Thiên An phải tham gia vào lớp bắt buộc “first - year seminar” với khoảng 15-20 bạn để làm quen với cách viết học thuật cho đúng với văn hóa Mỹ. Giáo sư sẽ đồng hành với bạn. Họ đưa tài liệu và yêu cầu sinh viên đọc, tìm hiểu. Mặc dù cô có sở trường viết, cũng gặp không ít khó khăn ở 1-2 bài đầu.

Thiên An kể rằng, điều thuận lợi ở trường ĐH tại Mỹ là có “office hours” - khoảng thời gian giáo sư sẽ trò chuyện, hỏi đáp, sửa bài cho sinh viên. Thiên An thường mang đến nhờ giáo sư nhận xét trước khi đến hạn nộp 2-3 ngày. Sau đó, cô về sửa theo hướng đó để đạt điểm tốt hơn. Giáo sư cũng chấm điểm cố gắng của sinh viên, dựa vào sự tiến bộ trong từng bài viết. Đối với cô, giáo sư Mỹ giống như người bạn, khiến cô rất thoải mái.

Thiên An nằm trong danh sách 1/3 sinh viên có điểm GPA cao nhất trường. Để đạt thành tích đó, cô áp dụng cách học hiệu quả, đó là nên bắt đầu làm bài luận sớm hơn mọi người.

“Mới sang, sẽ mất thời gian dịch tài liệu, luyện viết theo đúng văn hóa Mỹ, tìm hiểu các nguồn tài liệu để củng cố lập luận. Vì thế, tôi thường bắt đầu sớm trước 3 tuần để có thời gian chỉnh sửa", An nói. "Giáo sư thường yêu cầu nộp hai bản: nháp đầu tiên để thầy sửa, góp ý và bản cuối cùng. Nhiều bạn đợi gần đến hạn mới viết, nên bị vội, điểm không cao".

Theo cô thường bài luận có 3 mức sửa: tự viết – đây là phần khó nhất vì phải lên kế hoạch, tìm tư liệu để lập luận chặt chẽ. Sau khi tự sửa thì du học sinh sẽ mang đến nhờ giáo sư góp ý và sửa. Bước cuối cùng là mang đến “writing center” để nhờ các anh chị khóa trên, học rất giỏi và được đào tạo để sửa. Họ sẽ sửa hoàn toàn miễn phí. "Sau khi hoàn thành 3 bước, tôi nộp bản cuối cho giáo sư”, cô nói.

Vì thái độ học tích cực, chủ động mà bài luận của Thiên An đều đạt điểm A. Cô còn lọt vào danh sách sinh viên xuất sắc “Dean’s list” (1/3 điểm GPA trung bình các môn cao nhất trường). Cô khuyên rằng, bạn hãy bắt đầu sớm, đừng đợi lúc “nước đến chân mới nhảy”, sẽ khó đạt điểm cao.

Nữ sinh Mỹ trúng tuyển 3 học viện quân sự

Trong 4 năm qua, mọi việc Claire Pelletier-Hoblock (học sinh trường Trung học Schuylerville, bang New York) làm đều nhắm tới mục tiêu trúng tuyển Học viện Hải quân Mỹ.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm