Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô giáo trong vụ xin tiền mua laptop: 'Tôi nghĩ xin là bình thường'

Nữ giáo viên xin tiền phụ huynh mua laptop khẳng định mình bị phụ huynh thưa kiện vì không nhận laptop. Nếu cô đồng ý nhận máy tính, mọi việc đã không ồn ào.

Cô Trương Phương Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TP.HCM). Ảnh: Tiền Phong.

Sáng 30/9, cô giáo Trương Phương Hạnh (giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TP.HCM) - người bị phản ánh xin phụ huynh ủng hộ tiền mua máy tính - đã trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về các vấn đề liên quan.

Em Xin tiền mua máy tính vì nghĩ xã hội hóa giáo dục

Cô Hạnh nói mình bị mất máy tính ngay tại trường trong năm học 2022-2023. Thời điểm này, một số giáo viên khác cũng bị mất tài sản ngay trong trường. Tới năm học này, lớp 4/3 được trang bị tivi nên cô muốn có máy tính mới để soạn bài và kết nối với tivi để giảng dạy.

“Tôi không xin ý kiến hiệu trưởng từ đầu về việc này vì nghĩ xin mua laptop là việc bình thường, đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều người cũng làm như vậy. Tôi không cào bằng mà dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Nếu không có máy tính, tivi để không sẽ rất lãng phí", cô Hạnh nói.

Nữ giáo viên cho biết thêm hiệu trưởng khi biết được sự việc đã chỉ đạo cô không được nhận tiền hỗ trợ của phụ huynh. Đến ngày 16/9, cô Hạnh đã tạo một bình chọn trên nhóm lớp (đồng ý và không đồng ý hỗ trợ tiền mua máy tính cho giáo viên).

Trả lời câu hỏi đã có chỉ đạo từ ban giám hiệu, vì sao cô không từ chối ngay mà phải tạo bình chọn, cô Hạnh giải thích: "Tất cả phụ huynh đều đồng ý hỗ trợ tiền mua laptop trong cuộc họp phụ huynh trước đó nên tôi không có cớ để không nhận. Tôi tạo bình chọn là có cớ để từ chối vì đã có người phản ánh lên nhà trường thì sẽ có người không đồng ý”.

Nữ giáo viên cho rằng mình bị phụ huynh thưa kiện vì không nhận máy tính. "Nếu tôi đồng ý nhận, mọi việc đã không ồn ào", cô Hạnh nói.

Sau khi có 3 phụ huynh bày tỏ ý kiến không đồng ý, cô giáo đã hỏi: “Phụ huynh của bé nào?”. Giải thích vấn đề trên, cô Hạnh nói trong lớp có 38 phụ huynh nhưng nhóm lên đến 47 người nên cô giáo "không biết ai là ai".

“Tôi muốn hỏi phụ huynh này là ai để biết thôi. Nhiều người nghĩ là tôi dỗi nhưng tôi không giận dỗi gì phụ huynh. Tôi vẫn yêu thương, giảng dạy các con bình thường”, cô Hạnh nói.

Về nội dung không soạn đề cương, cô giáo Hạnh cho rằng đây không phải là nhiệm vụ của giáo viên chứ cô không giận dỗi gì phụ huynh sau sự việc không ủng hộ tiền mua máy tính.

co giao xin mua laptop anh 1

Trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong.

Bán đồ ăn trong lớp

Phụ huynh lớp 4/3 còn phản ánh cô Hạnh bán mì tôm, xúc xích, bánh tráng trộn cho học sinh. Những em không mua đồ ăn của cô sẽ bị ăn ở ngoài cửa lớp.

Cô Hạnh phủ nhận thông tin cho học sinh đứng bên ngoài và nói thêm: "Tôi ở xa trường nên đem đồ ăn lên lớp. Học sinh kêu đói nên tôi có bán cho các cháu. Những học sinh mua đồ ăn nơi khác vẫn được ngồi trong lớp ăn bình thường".

Nữ giáo viên cũng cho biết có dạy thêm học sinh từ ngày 9/9 nhưng đã dừng từ tuần trước.

“Tôi đã sai khi không hiểu thông tư về xã hội hóa và cũng mong sự việc sớm được giải quyết”, cô Hạnh chia sẻ.

Cô Hạnh đã có 30 năm làm việc trong ngành giáo dục và 18 năm dạy học tại trường Tiểu học Chương Dương.

Sáng 30/9, ông Lê Công Minh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chương Dương (quận 1, TP.HCM) xác nhận buổi sáng cùng ngày, có 24 trên tổng số 38 học sinh lớp 4/3 không đến lớp.
“Trước mắt, chúng tôi tạm đình chỉ công tác chủ nhiệm, giảng dạy của cô H. và sẽ mời giáo viên có chuyên môn giảng dạy học sinh lớp 4/3. Nhà trường đang xử lý rốt ráo sự việc. Chúng tôi không bao che. Xin phụ huynh cho chúng tôi thời gian để giải quyết”, ông Minh nói.

Sách về nghề giáo

Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:

Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.

Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.

Sở GD&ĐT TP.HCM lên tiếng vụ cô giáo xin tiền mua laptop

Sở đã yêu cầu Phòng GD&ĐT quận 1 báo cáo vụ việc xảy ra ở trường Tiểu học Chương Dương và sẽ xử lý nghiêm đối với những hành vi sai trái của giáo viên.

https://tienphong.vn/co-giao-trong-vu-xin-tien-phu-huynh-mua-laptop-toi-nghi-xin-la-binh-thuong-post1677768.tpo

Nhàn Lê / Tiền Phong

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm