Kỹ năng nghe và nói của giáo viên Tiếng Anh tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Ảnh minh họa: Schoolizer. |
“Trong quá trình công tác, tôi đã từng gặp những giáo viên dạy môn Tiếng Anh tại Việt Nam khá lúng túng khi phải giao tiếp với người nói tiếng Anh bản ngữ. Những trường hợp như vậy không hiếm”.
Đó là chia sẻ của TS Vũ Thị Phương Anh (Viện trưởng Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế, Đại học quốc tế Hồng Bàng) khi nói về trình độ, chất lượng giáo viên Tiếng Anh ở trường phổ thông tại Việt Nam hiện nay.
Ngành giáo dục nước ta đang đặt mục tiêu nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học để nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới.
Đây là hướng đi đúng, tuy nhiên, việc thực hiện sẽ gặp những khó khăn, trở ngại, trong đó có vấn đề liên quan đến trình độ giáo viên.
Nhiều giáo viên Tiếng Anh chưa từng được “tắm ngôn ngữ”
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Vũ Thị Phương Anh nhận định hiện tại, nhiều trẻ em (ít nhất là tại các thành phố lớn như TP.HCM) có trình độ tiếng Anh rất tốt, mặt bằng chung tốt hơn nhiều so với cách đây 10 năm. Nhiều em cuối cấp 2, cấp 3 đã đạt 7.0-8.0 IELTS.
Tuy nhiên, tiến sĩ cho rằng trong đa số trường hợp, thành quả này không xuất phát nhiều từ trường phổ thông, hay từ việc giảng dạy của giáo viên trong trường. Những em có trình độ tiếng Anh tốt thường do gia đình có sự đầu tư riêng, như đi học thêm bên ngoài.
Nói như vậy có nghĩa là chất lượng giảng dạy chương trình tiếng Anh trong các trường phổ thông (công lập) hiện nay chưa thực sự đảm bảo, trình độ giáo viên chưa theo kịp tốc độ học của học sinh. Vấn đề nan giải nhất là kỹ năng nghe - nói, trong đó có phát âm.
TS Phương Anh nhận định không ít giáo viên Tiếng Anh, nhất là giáo viên vùng nông thôn, vùng ven còn phát âm sai một cách cơ bản, “nói không giống tiếng Anh”. Một số giáo viên cho biết họ vẫn nghĩ trình độ của mình tốt, cho đến khi có dịp ra nước ngoài mới thấy “nhiều điều họ nói mình hoàn toàn không hiểu và mình nói họ cũng không nghe ra".
Hiện tại, giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học và THCS cần có trình độ tiếng Anh bậc 4, giáo viên Tiếng Anh bậc THPT cần có trình độ tiếng Anh bậc 5. Song, nhiều giáo viên vẫn còn gặp khó khăn với kỹ năng nghe - nói.
“Nhìn chung, giáo viên Tiếng Anh ở trường phổ thông của Việt Nam nắm vững ngữ pháp, vốn từ vựng cũng ổn, kỹ năng đọc - viết tiếng Anh tương đối tốt, nhưng tương tác trực tiếp bằng ngôn ngữ nói thì khá yếu”, TS Phương Anh nhận xét.
Theo bà, tình trạng giáo viên nghe - nói kém xuất phát từ một số lý do. Thứ nhất, tại Việt Nam, tiếng Anh chỉ là một ngoại ngữ, và thường được dạy như một môn học kiến thức (học để biết), ít chú trọng đến việc rèn luyện các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ (học để tương tác với người khác bằng tiếng Anh) như ở những nước tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Vì vậy, cả người dạy và người học đều bỏ qua quá trình thực hành, tập luyện.
“Nhìn chung, việc dạy và học ngoại ngữ ở nhà trường tại Việt Nam vẫn tập trung vào thi cử mà ít quan tâm đến việc sử dụng để giao tiếp, làm việc. Mục tiêu và phương pháp chưa đúng, giáo viên cũng ‘chưa giỏi' nên dạy học sinh ra cũng ‘chưa chuẩn'. Đó là kết quả của cả hệ thống", TS Phương Anh nói.
Thứ hai, để nghe - nói tốt, phát âm đúng, người học phải được tiếp cận tiếng Anh từ sớm để phát triển ngôn ngữ nói, mà muốn vậy phải có môi trường giao tiếp, có cộng đồng nói tiếng Anh, được “tắm trong ngôn ngữ".
Điều này ở Việt Nam không có, ngoại trừ những người được đi tu nghiệp ở nước ngoài, nhiều giáo viên Việt Nam chưa từng được “tắm trong tiếng Anh" - sống chung và giao tiếp thường xuyên với cộng đồng nói tiếng Anh.
“Giáo viên dạy Tiếng Anh mà cả đời chưa bao giờ được sống vài tháng ở đất nước nói tiếng Anh thì làm sao mà dạy học sinh giao tiếp tốt bằng tiếng Anh được”, tiến sĩ nói.
Hiện tại, xét theo mặt bằng chung, Việt Nam chưa có nhiều điều kiện cho giáo viên Tiếng Anh ở phổ thông tu nghiệp nước ngoài. Số lượng giáo viên Tiếng Anh đã từng học ở các nước bản ngữ hiện nay cũng không ít nhưng đa số không dạy phổ thông mà dạy ở bậc đại học
Tuy nhiên, bà Phương Anh cho rằng ở bậc đại học, vì người học đã trưởng thành, không có thời gian và cũng không còn phù hợp về tâm lý để “chơi" với ngôn ngữ (xem phim hoạt hình, trò chuyện, hát hò, chơi trò chơi bằng tiếng Anh), phải dạy ở trình độ cao hơn, nên cuối cùng vẫn quay lại chú trọng đọc - viết, học để thi.
TS Vũ Thị Phương Anh đang là Viện trưởng Viện Đào tạo và hợp tác quốc tế, Đại học quốc tế Hồng Bàng. Bà từng là tư vấn chiến lược cấp quốc gia của Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 từ năm 2014. Ảnh: NVCC. |
Gỡ nút thắt giáo viên
Theo TS Phương Anh, muốn nâng cao trình độ cho giáo viên Tiếng Anh, chúng ta phải có kế hoạch đưa giáo viên đi tu nghiệp (ít nhất một năm hoặc vài lần, mỗi lần 3-6 tháng). Tuy nhiên, kế hoạch này khó thực hiện trên phạm vi toàn quốc vì sẽ cần một nguồn ngân sách khá lớn.
Tiến sĩ cũng cho rằng cần đầu tư vào giáo viên phổ thông thì mới hy vọng tạo được sự thay đổi trên phạm vi rộng. Phải đầu tư cho những giáo viên Tiếng Anh dạy ở cấp học nhỏ (tiểu học, THCS), chứ không chỉ chú trọng đến giáo viên dạy Tiếng Anh ở đại học.
TS Phương Anh nhắc lại kế hoạch thuê giáo viên Philippines dạy ngoại ngữ cách đây nhiều năm của TP.HCM. Bà cho rằng đây là sáng kiến thông minh, bởi mặc dù không phải là người bản ngữ, giáo viên Tiếng Anh Philippines được đào tạo khá bài bản và sử dụng tiếng Anh rất tự nhiên, lưu loát do đây là đất nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai.
Chi phí thuê giáo viên cũng thấp hơn nhiều so với giáo viên là người Anh hoặc người Mỹ.
“Nếu không thể đưa giáo viên đi tu nghiệp, chúng ta phải tạo ra một cộng đồng nói tiếng Anh ở nước mình. Thuê giáo viên Tiếng Anh của Philippines là lựa chọn hay. Nếu mỗi trường có 3-4 giáo viên người Philippines, cả giáo viên Tiếng Anh lẫn học sinh đều có môi trường và động lực để giao tiếp trực tiếp bằng tiếng Anh”, tiến sĩ nhận định.
Bên cạnh đó, TS Phương Anh nhìn nhận chương trình giảng dạy môn Tiếng Anh cũng cần phải thay đổi, nhất là bậc tiểu học và THCS, theo hướng giảm tải, tăng nghe - nói, nhẹ đọc - viết. Hết cấp 2, các em cần giao tiếp thành thạo rồi mới tiến đến học chuyên sâu.
Việc học Tiếng Anh ở giai đoạn trước khi kết thúc THCS (trước 15 tuổi) cần phải được quan niệm lại cho đúng. Ở tuổi này, học ngôn ngữ cần chú trọng phát triển “kỹ năng giao tiếp xã hội căn bản” (thuật ngữ chuyên môn gọi là BICS, tức viết tắt của cụm từ basic interpersonal communication skills).
Tức là học sinh cần được "chơi", được xem phim, được đóng kịch, ca hát, được gặp gỡ và tương tác với người khác bằng tiếng Anh, chứ không phải học hết ngữ pháp này đến ngữ pháp kia, từ bài này sang bài khác để thi lấy kết quả.
“Đó là học trên giấy. Giống như việc học bơi, nếu chỉ dạy các em lý thuyết, động tác trên cạn, làm sao các em biết bơi được", tiến sĩ nhận xét.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.