Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tôi học tiếng Anh cả chục năm vẫn không thể nói một câu hoàn chỉnh

Trong khi Anh Đức học cả chục năm vẫn không thành thạo tiếng Anh, Phương Uyên lại tiếp thu với tiếng Anh nhanh chóng khi còn học tiểu học và sử dụng ngôn ngữ này thành thạo khi lên cấp 3.

Dù tiếp xúc với tiếng Anh trong chục năm, nhiều người vẫn không thể sử dụng ngôn ngữ này một cách thành thạo. Ảnh: Phương Lâm.

Tại sao có người chỉ mất chưa đầy một năm để thành thạo tiếng Anh, trong khi có người mất đến chục năm vẫn không xong? Tri Thức - Znews trò chuyện cùng 4 bạn trẻ để tìm hiểu về cách họ học tiếng Anh và thời gian họ đầu tư cho ngoại ngữ này.

Từng khủng hoảng vì học tiếng Anh
Phạm Quân (23 tuổi, cựu du học sinh Đại học Drexel, Mỹ)

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang), nhưng cũng phải tới năm lớp 3, tôi mới bắt đầu được tiếp cận với tiếng Anh.

Ban đầu, ngôn ngữ này với tôi đơn giản là một môn học tự chọn ở trường. Tôi học hành không có gì nổi bật hay quá yêu thích. Sau một thời gian, tôi tham gia cuộc thi tiếng Anh qua mạng, lại được tiếp xúc với phim hoạt hình, âm nhạc nước ngoài, nên tôi yêu thích và bắt đầu có động lực hơn khi học ngoại ngữ này.

hoc tieng anh thanh thao anh 1

Đối với Phạm Quân, học tiếng Anh là cả một hành trình dài. Ảnh: NVCC.

Thế nhưng, thời điểm đó, chủ yếu tôi được học ngữ pháp, kể cả đi học thêm bên ngoài. Kỹ năng nghe, nói gần như bị bỏ qua. Tôi phải tự học qua việc xem phim, nghe nhạc và hát.

Tới năm lớp 8 và 9, khi chuẩn bị cho việc thi vào trường chuyên, tôi thực sự khủng hoảng với việc học ngoại ngữ. May mắn, tôi được bố mẹ tạo điều kiện học các khóa online. Thêm nữa, việc có cơ hội tiếp xúc với khách du lịch nước ngoài cũng giúp tôi trau dồi nhiều hơn.

Nhìn chung, việc học tiếng Anh với tôi là hành trình dài, tới 7-8 năm và nhiều giai đoạn phải dành đa phần thời gian cho nó (có ngày học 6-7 giờ liên tục). Để đọc - viết giỏi, tôi mất 5 năm, tức là năm lớp 8, khi tôi thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh.

Tới năm lớp 9-10, tôi mới tạm đánh giá là giao tiếp hoàn chỉnh. Và đến hè năm lớp 11, khi thi đạt chứng chỉ IELTS 7.5, tôi mới thấy mình thành thạo 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, có thể áp dụng vào học tập, đời sống và đi du học.

Chi phí bỏ ra để thành thạo ngoại ngữ này cũng không hề ít, bởi không chỉ chi cho việc học, sách vở, tài liệu, bạn có thể phải đầu tư cả vào việc thi lấy các chứng chỉ chuẩn hóa.

Tôi nghĩ bỏ qua năng khiếu, để thành thạo tiếng Anh, yếu tố tiên quyết là động lực tự thân, cần cù, chăm chỉ. Sau đó là phương pháp học đúng và thời gian bạn dành cho nó đủ nhiều.

Bạn nên tiếp xúc tiếng Anh cả chủ động và thụ động. Nghĩa là không chỉ làm bài tập, học ngữ pháp, bạn phải tương tác với nó bằng cách xem phim, nghe nhạc, giao tiếp…

Nếu được tiếp xúc sớm (từ nhỏ), có năng khiếu ngôn ngữ, có định hướng và có phương pháp phù hợp, tôi nghĩ việc thành thạo tiếng Anh sẽ được rút ngắn, khoảng 3-4 năm.

Học mãi vẫn không nói được
Anh Đức (24 tuổi, nhân viên thiết kế tại Hà Nội)

Đối với tôi, tiếng Anh là một trong những "ác mộng" lớn nhất cuộc đời vì học mãi tôi vẫn không thể nói nổi một câu trọn vẹn.

Hồi tiểu học, khi bạn bè hứng thú với việc học tiếng Anh, tôi lại xa lánh môn học này vì không thể thuộc từ vựng. Đến khi lên THCS và THPT, phải học sâu hơn về ngữ pháp, tôi gần như không còn đụng đến môn học này, ngoại trừ những lúc thi cử để qua môn.

hoc tieng anh thanh thao anh 2

Anh Đức trầy trật với tiếng Anh dù tiếp xúc với môn học này cả chục năm. Ảnh minh họa: Pexels.

Kết quả, tôi trầy trật suốt chục năm học phổ thông, tới lúc lên đại học cũng không thể cải thiện khả năng nghe, nói, đọc, viết.

Tôi thừa nhận bản thân tôi lười và ngại học tiếng Anh, nhưng một phần khác có thể do xuất phát điểm và năng khiếu học ngoại ngữ của tôi không bằng những người khác. Tôi cứ loay hoay mãi với câu chuyện học ngoại ngữ, nhưng rồi quyết tâm của tôi vẫn chỉ dừng lại ở câu nói "Từ mai sẽ bắt đầu học".

Do không biết tiếng Anh, tôi chỉ có thể tìm những công việc không yêu cầu ngoại ngữ, mức lương khiêm tốn và khó thăng tiến. Ở tuổi đi làm, nhiều khi tôi cũng hối hận, ước gì bản thân giỏi tiếng Anh hơn thì có lẽ sẽ tìm được những công việc tốt hơn.

Có lẽ thời gian tới, khi thực sự đạt được quyết tâm cao, tôi sẽ nghiêm túc học tiếng Anh để cải thiện bản thân. Tôi hy vọng các bạn trẻ nên học tiếng Anh từ sớm, đừng để đến lúc đi làm rồi mới hối hận vì đã không học ngôn ngữ này sớm hơn.

Thành thạo vì được tiếp xúc tiếng Anh từ sớm
Phương Uyên (24 tuổi, sinh viên tại Hà Nội)

Từ khi lên lớp 2, tôi đã được bố mẹ cho học tiếng Anh với gia sư. Năm đó, trường chưa dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 2 nhưng bố mẹ quyết định cho tôi học sớm vì họ hiểu rất rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ này.

Đối với tôi, học tiếng Anh là một niềm vui vì tôi tiếp thu kiến thức khá tốt. Từ tiểu học, tôi cũng thích xem các bộ phim trên kênh Disney nên tiếng Anh dần “ngấm” vào đầu. Dù hồi bé chưa thể nghe hiểu những điều diễn viên nói, tôi vẫn có thói quen bắt chước ngữ điệu và cố “bắt” những từ mà tôi đã được học.

hoc tieng anh thanh thao anh 3

Phương Uyên tiếp xúc với tiếng Anh từ sớm, đam mê học nên rất nhanh đã thành thạo ngôn ngữ này. Ảnh: NVCC.

Lên THCS, tôi học tiếng Anh nhiều hơn vì học chuyên và tham gia đội tuyển học sinh giỏi. Cá nhân tôi nhận thấy chương trình tiếng Anh bậc phổ thông có thế mạnh ở việc dạy ngữ pháp, nhưng lại hạn chế về mặt nghe, nói. Do đó, tôi cũng bị hạn chế đôi chút về việc nói tiếng Anh.

Hiểu rõ những hạn chế và thế mạnh của bản thân, tôi đầu tư học tiếng Anh nhiều hơn thông qua kiến thức sách vở và xem phim. Lên cấp 3, tôi gần như thành thạo tiếng Anh và có thể giao tiếp tốt. Thời gian này, tôi cũng tham gia một câu lạc bộ phải giao tiếp tiếng Anh hoàn toàn nên cũng được trau dồi nhiều hơn.

Nhờ tiếp xúc với tiếng Anh sớm và chịu khó học, tôi thuận lợi đi du học mà không gặp rào cản ngôn ngữ nào. Điều duy nhất khiến tôi thấy hơi bỡ ngỡ khi học ở Canada chính là đất nước này nhiều người nhập cư nên cách phát âm của mỗi người khác nhau. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn, tôi dần quen với cách nói chuyện với mọi người.

Nhìn chung, tôi nghĩ rằng người Việt Nam có năng khiếu học ngôn ngữ, chỉ là mọi người đang thiếu môi trường và ít dành thời gian để luyện tập. Nhiều bạn học ngữ pháp rất giỏi, nhưng nếu thiếu cơ hội để thực hành, các bạn vẫn sẽ bị yếu khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh. Không riêng tiếng Anh mà bất cứ ngôn ngữ nào cũng vậy, nếu không trau dồi và thực hành thường xuyên, khả năng sử dụng của bạn sẽ bị mai một dần.

Chỉ nghiêm túc học tiếng Anh khi có mục đích rõ ràng
Thanh Hà (25 tuổi, mới tốt nghiệp thạc sĩ tại Australia)

Tôi cũng bắt đầu học tiếng Anh khi mới học lớp 2. Lúc đó, tiếng Anh chưa phổ biến như bây giờ nhưng bố mẹ đốc thúc tôi đi học vì bố mẹ nhiều lần đi công tác ở nước ngoài và họ hiểu tiếng Anh có ích như thế nào.

Ở thời của tôi, các trung tâm tiếng Anh đã bắt đầu xuất hiện nên bố mẹ cho tôi theo học ở rất nhiều trung tâm. Tuy nhiên, bản thân tôi khi đó không hề thích tiếng Anh nên liên tục phản kháng bằng cách không chịu học.

hoc tieng anh thanh thao anh 4

Thanh Hà từng không thích tiếng Anh nên khả năng sử dụng ngôn ngữ này bị hạn chế, đến lúc du học mới nghiêm túc trau dồi. Ảnh: NVCC.

Nói một cách khách quan, tôi không hề kém tiếng Anh vì học vẫn vào. Chỉ là tôi không thích học nên không chủ động rèn luyện hoặc tìm xem các chương trình tiếng Anh để trau dồi thêm kiến thức.

Hơn nữa, trong chục năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông, tôi thấy tôi chỉ học ổn ở kỹ năng đọc, viết. Còn với kỹ năng nghe nói, tôi gần như ít khi được rèn luyện vì chương trình học ở trường còn nhiều hạn chế. Một tiết học tiếng Anh chỉ 45 phút, giáo viên cũng không thể kèm sát để dạy từng người học nghe, học nói.

Sau khi học xong đại học, tôi thấy tiếng Anh của tôi vẫn chỉ ở mức vừa phải, chưa hoàn toàn gọi là thành thạo. Đến khi có mục tiêu du học, tôi bắt đầu học IELTS và trau dồi 4 kỹ năng nhiều hơn. Đến tận lúc chuẩn bị du học, tôi vẫn không hề thích ngôn ngữ này nhưng vẫn buộc phải học để du học bậc thạc sĩ.

Đến Australia, tôi vẫn ổn ở phần giao tiếp hàng ngày vì đã luyện tập nhiều. Nhưng khi lên lớp, tôi lại gặp khó khăn với việc trao đổi ý kiến cùng bạn học vì mỗi người có cách phát âm khác nhau, môi trường học và văn hóa của các bạn cũng khác.

Khi đó, tôi nhận ra rằng ngoài việc học tiếng Anh trong sách vở, chúng ta cần phải học thêm nhiều về kiến thức, văn hóa thế giới mới có thể đủ tự tin bước vào môi trường học tập quốc tế. Khi đó, tiếng Anh sẽ không còn là rào cản, ngược lại sẽ trở thành “bàn đạp” để chúng ta tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Hành trình IELTS 8.0 của hai cô gái Việt

Là một trong những chứng chỉ tiếng Anh phổ biến hàng đầu thế giới, IELTS như bước đệm quan trọng mở ra vô vàn cơ hội để người học nâng bước sự nghiệp, khám phá thế giới.

Thái An - Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm