Giáo viên hy vọng việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học sẽ giúp học sinh tự tin và tiếp cận kiến thức tốt hơn. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Vừa qua, Bộ Chính trị mới ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Nội dung đáng chú ý trong kết luận này là Bộ Chính trị đề xuất tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Tín hiệu đáng mừng
Khi đọc tin về đề xuất này của Bộ Chính trị, cô Nguyễn Giang, giáo viên môn Tiếng Anh tại một trường THPT ở Hưng Yên, bày tỏ sự vui mừng và rất ủng hộ Bộ Chính trị. Cô giáo nói rằng đây là một tín hiệu đáng mừng cho ngành giáo dục, cũng thể hiện rằng Bộ Chính trị đang nỗ lực để giúp mặt bằng chung dân trí được nâng cao.
Là giáo viên dạy Tiếng Anh ở bậc phổ thông, cô Giang rất hoan nghênh đề xuất này vì trong thời đại toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển của các phương tiện tiếp cận tri thức, việc sở hữu ngoại ngữ là điều cần thiết cho mọi người. Cô giáo tin rằng việc sử dụng tốt tiếng Anh sẽ giúp học sinh tiếp cận nhiều kiến thức mới, từ đó mở rộng cơ hội việc làm khi ra trường và xa hơn nữa là cống hiến nhiều hơn cho nền kinh tế - xã hội.
Học sinh sử dụng tiếng Anh tốt sẽ tự tin và mở rộng nhiều cơ hội sau này. Ảnh: Khương Nguyễn. |
Nói thêm về những lợi ích khi đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, cô Giang tin rằng học sinh sẽ nhận được nhiều điều tốt vì các em không chỉ tiếp cận một ngôn ngữ mà cả một nền văn hóa. Khi đó, tư duy của trẻ được mở rộng, đồng thời thôi thúc các em có mong muốn tiếp cận với tri thức trên thế giới.
Ngoài ra, khi có thêm ngoại ngữ là tiếng Anh, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn.
Có nhiều năm kinh nghiệm dạy tiếng Anh ở bậc THPT, cô Giang nhận thấy những học sinh sử dụng tốt tiếng Anh có xu hướng tự tin, năng động hơn. Khả năng sử dụng ngoại ngữ cũng giúp trẻ phát huy những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, lãnh đạo và thế giới quan của các em được mở rộng, phát triển rất nhiều.
Người có chung quan điểm với cô Nguyễn Giang là thầy Trình Đạt, giáo viên môn Tiếng Anh tại Hà Nội. Thầy giáo cũng rất ủng hộ đề xuất của Bộ Chính trị vì việc đưa tiếng Anh vào trường học theo hướng mở rộng, toàn diện sẽ giúp trẻ nâng cao trình độ ngoại ngữ, từ đó nâng cao cơ hội việc làm cho các em khi trưởng thành.
“Nếu nói rộng hơn nữa, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường chính là một bước tiến quan trọng và tích cực cho nền giáo dục Việt Nam vì đây là cách để từng bước chuẩn bị cho một tương lai hội nhập toàn cầu”, thầy Đạt nêu quan điểm.
Có thách thức nhưng không phải bất khả thi
Trao đổi thêm với Tri Thức - Znews về đề xuất của Bộ Chính trị, thầy Trình Đạt nói đây là một sáng kiến đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy thách thức. Thầy giáo tin rằng đề xuất này không đến mức “bất khả thi” hay “khó thực hiện” như nhiều người đồn đoán, nhưng cần phải cẩn trọng và có những bước đi khôn ngoan.
Thầy giáo lấy ví dụ nếu tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, các giáo viên sẽ cần nâng cao khả năng ngoại ngữ song song với chuyên môn dạy học. Điều này sẽ là cơ hội, cũng là thách thức vì giáo viên sẽ phải bỏ nhiều thời gian, công sức để trau dồi bản thân.
Không riêng học sinh, giáo viên cũng cần trau dồi bản thân nếu kế hoạch của Bộ Chính trị được triển khai. Ảnh: Thế Bằng. |
Còn riêng với giáo viên Tiếng Anh, nếu kế hoạch được triển khai, vai trò của những giáo viên này sẽ có sự thay đổi, ví dụ như giáo viên Tiếng Anh cần đảm nhiệm những vai trò mới, hay thậm chí là phải trau dồi thêm kỹ năng chuyên môn khác để đảm bảo công tác tại trường học.
Hơn nữa, để triển khai trên phạm vi cả nước, ngành giáo dục sẽ cần nỗ lực rất nhiều vì việc phổ cập ngoại ngữ ở nước ta còn sự chênh lệch giữa các địa phương và trường học. Chưa nói đến các tỉnh, thành vùng sâu vùng xa, riêng trong thành phố lớn cũng có thể có sự chênh lệch về trình độ ngoại ngữ giữa học sinh trường điểm và trường thường.
Cô Nguyễn Giang cũng chia sẻ về những thử thách mà ngành giáo dục có thể gặp phải khi triển khai kế hoạch này.
Thứ nhất sự thiếu hụt giáo viên ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa. Cô Giang tin rằng các thành phố lớn có thể làm tốt việc đưa tiếng Anh vào trường học, nhưng khu vực khác sẽ gặp khó khăn hơn do thiếu giáo viên và nguồn lực cần thiết.
Thách thức thứ hai lại nằm ở sự tự tin và suy nghĩ của học sinh. Cô Giang cho rằng học sinh Việt Nam đôi khi chưa tự tin về việc sử dụng ngoại ngữ, các em cũng chưa hiểu rõ tiếng Anh có tác động thế nào đến việc học và công việc sau này. Do đó, nếu muốn kế hoạch của Bộ Chính trị thành công, cô giáo đề xuất trước tiên phải trau dồi và thay đổi suy nghĩ cho học sinh các cấp.
“Cá nhân tôi đánh giá học sinh Việt Nam học ngoại ngữ rất nhanh nếu các em thực sự tập trung và vượt qua sự tự ti của bản thân. Tôi tin rằng khi kế hoạch của Bộ Chính trị triển khai, phần đông học sinh sẽ làm được. Tôi cũng có niềm tin ở giáo viên Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn cần nhìn nhận về những thách thức hiện có để rút kinh nghiệm khi thực hiện”, cô giáo nhấn mạnh.
Kỳ vọng ở ngành giáo dục
Hiện tại, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học mới chỉ là đề xuất. Nếu điều này thành hiện thực, cô Nguyễn Giang hy vọng các lãnh đạo giáo dục cần có sư phân bố chương trình tiếng Việt - tiếng Anh một cách đồng đều. Như vậy, học sinh mới có thể sử dụng tốt đồng thời 2 ngôn ngữ.
Cô giáo cũng đề cập đến một việc là chúng ta không nên yêu cầu học sinh phải sử dụng tiếng Anh thành thạo hay nói chuẩn như người bản xứ, chỉ cần các em biết ứng dụng ngôn ngữ này một cách tự tin trong việc học, như vậy thì kế hoạch đã có sự thành công.
Ngoài ra, các cấp học cũng cần có barem đánh giá đầu ra cho học sinh. Barem này không cần quá cao, nhưng cô Giang hy vọng mức đánh giá cần rõ ràng, có sự thống nhất để ứng dụng rộng rãi ở các trường học trên cả nước.
Trong khi đó, thầy Trình Đạt lại đưa ra đề xuất thay đổi phương pháp giảng dạy để cân bằng chương trình tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời đưa ra các bài kiểm tra, đánh giá để theo dõi khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh, từ đó có căn cứ để điều chỉnh khi cần thiết.
Thầy giáo lấy ví dụ các trường có thể dạy môn khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học… bằng tiếng Anh và dạy môn khoa học xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… bằng tiếng Việt. Thầy Đạt tin rằng cách này có thể giúp học sinh nâng cao ngoại ngữ mà vẫn duy trì được khả năng sử dụng tiếng Việt trong học tập và cuộc sống.
Về phần kỳ vọng, cả thầy Trình Đạt và cô Nguyễn Giang đều mong rằng nếu kế hoạch này được triển khai tốt, học sinh sẽ được khơi dậy niềm yêu thích học tiếng Anh nói riêng và học ngoại ngữ nói chung. Ngành giáo dục chỉ nên giúp trẻ xây dựng niềm yêu thích, không nên đặt quá nhiều áp lực để tránh gây phản tác dụng.
“Tôi cũng có thêm một kỳ vọng cho các giáo viên, các nhà giáo dục là hãy tiếp tục truyền lửa để xây dựng niềm yêu thích cho học sinh. Ngoài ra, các nhà giáo cũng cần trau dồi thêm trình độ tiếng Anh và khả năng giảng dạy bằng tiếng Anh vì khi giáo viên có trình độ tốt, học sinh mới có thể nâng cao khả năng học tập”, cô Giang chia sẻ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.