Cô Trương Phương Hạnh. Ảnh: VietNamNet. |
Theo phản ánh, phóng viên nhận được đoạn ghi âm ghi lại cuộc họp ở trường Tiểu học Chương Dương, quận 1, TP.HCM.
Trong đoạn ghi âm, có một người phụ nữ liên tục la hét, quát nạt. Người phụ nữ này lớn tiếng cho rằng bản thân không sai, đồng thời thách thức những người còn lại.
“Dậu đổ bìm leo hả, tôi sợ mấy người sao. Đạo đức của mấy người ở đâu mà dám phê phán tôi. Tôi nhịn bữa giờ chẳng qua là nghe lời thầy, tôi không làm gì để phải thưa (phản ánh của phụ huynh). Năm nào, phụ huynh cũng thưa nhưng thưa tôi xong lại phải xin lỗi tôi thôi. Mình biết sự việc thì mình nói”, người phụ nữ hét lớn.
Đặc biệt người này cũng nói rằng: “Làm giáo viên chủ nhiệm là làm dâu trăm họ, khi họ thương thì nói khác, không thương thì nói khác, ai cũng bị như vậy mà. Tính tôi thẳng thắn nên người ta không thích tôi. Chỉ những phụ huynh hiểu chuyện, có ăn học mới thích tôi thôi. Tôi chỉ giao du với những phụ huynh đó...”.
Không dừng lại, người phụ nữ tiếp tục lớn tiếng: “Trên mặt bằng phường Cầu Kho này toàn dân gì đâu không, dân học thức ít, ăn đằng sóng nói đằng gió, sáng điện thoại nói thế này, chiều nói thế khác, trở mặt còn hơn bánh tráng...”.
Trong cuộc gặp báo chí mới đây, cô giáo Trương Phương Hạnh (chủ nhiệm lớp 4/3 đang gây xôn xao dư luận với việc xin phụ huynh mua laptop) thừa nhận đoạn ghi âm trên là cô nói trong một buổi họp cùng ban giám hiệu, liên tịch trong trường.
“Khi có nhiều giáo viên đứng lên chỉ trích tôi, tôi quá bức xúc bởi những ngày qua tôi quá nhiều việc”, cô Hạnh nói.
Trả lời câu hỏi vì sao là một giáo viên lại dùng những lời như "đầu đường xó chợ", “ăn đằng sóng nói đằng gió”,... để nói về phụ huynh, cô Hạnh cho biết nguyên nhân do hội trưởng phụ huynh lớp 4/3 trước đó điện thoại hứa sẽ ủng hộ cô trong cuộc họp nhưng trong buổi họp phụ huynh lại phát biểu ngược lại khiến cô bức xúc.
“Chị này còn vận động, kích động phụ huynh kiện thưa tôi. Họ đã 'trở mặt' một cách tôi không tưởng tượng nổi”, cô Hạnh giải thích.
Với quan điểm của một thầy giáo, ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1, cho rằng một nhà giáo nếu phát biểu như vậy không phù hợp, nhưng cần phải xem xét nhiều chiều, nhiều vấn đề.
Cô Trương Phương Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 4/3, khối trưởng khối 4, trường Tiểu học Chương Dương, bị hơn 20 phụ huynh lớp 4/3 đứng chung đơn phản ánh lên hiệu trưởng xin đổi chủ nhiệm. Lý do là cô đề nghị phụ huynh ủng hộ mua laptop, khi có ý kiến không đồng ý thì cô 'dỗi' nói không soạn đề cương ôn tập cho học sinh. Đơn tố của phụ huynh cũng nêu cô Hạnh còn bán đồ ăn trong lớp cho học sinh...
Chia sẻ với VietNamNet chiều 30/9, nữ giáo viên nói xin tiền phụ huynh mua laptop vì nghĩ "đấy là xã hội hoá giáo dục". Còn cô bị phụ huynh phản ánh lên hiệu trưởng vì không nhận tiền mua laptop, nếu nhận mọi chuyện đã không xảy ra.
Đối với việc bán xúc xích, mì gói cho học sinh, theo lý giải của cô Hạnh, nhà cô ở xa nên có những lúc đến trường chưa ăn sáng. Vì vậy, cô luôn “thủ” sẵn mấy gói mì để vào trường nấu ăn. Học sinh thấy vậy cũng "đòi" cô nấu cho ăn. Một hộp mì và một cây xúc xích là 20.000 đồng. Học sinh có tiền thì trả còn không có thì thôi.
Hiện cô giáo này đã bị trường Tiểu học Chương Dương đình chỉ công tác 15 ngày. Thời gian đình chỉ tính từ ngày 30/9.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.