“Vầng trăng khuyết”
Con đường đất đỏ dẫn tới nhà Hiền mùa này bụi bay mù mịt. Đi từ đầu thôn Hà Nha (xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), hỏi cô học trò "không xương", giàu nghị lực Nguyễn Thái Hiền, ai cũng biết.
Tiếp chúng tôi là chị Hồ Thị Lòng, mẹ Hiền. Trên tay người mẹ vẫn là chiếc nón cời, lưng vẫn còn lằn trắng những vệt mồ hôi muối. Vừa thu dọn cho tươm tất nhà cửa, chị vừa ngậm ngùi kể lại câu chuyện cuộc đời "kém may mắn" của con mình.
Nguyễn Thái Hiền sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo thượng nguồn sông Thu Bồn. Năm 1995, chào đời trong niềm vui sướng của gia đình và chòm xóm. Nhưng số phận đã không mỉm cười với em, được 7 ngày tuổi, Hiền lên cơn sốt vàng da, sức khỏe ngày càng giảm sút, chậm phát triển.
Suốt thời gian đó, em gần như trở thành "người không xương", chỉ nằm một chỗ. Chân tay Hiền dần quéo lại với nhau, đầu ngoẹo sang một bên. Muốn bế bồng Hiền cũng rất khó vì em rất yếu.
Niềm hạnh phúc ngậm ngùi của chị Lòng khi đứa con tật nguyền đỗ đại học vì còn chất chứa nỗi lo cho những ngày con trọ học sắp tới. |
Ba tuổi, Hiền mới biết ngồi và hai năm sau đó mới vịn ghế chập chững đi từng bước. Ba mẹ chạy vạy, vay mượn tiền khắp nơi để chữa trị cho em những vẫn không khỏi. Chị Lòng tâm sự: "Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại một nách ba con dại, nhiều lúc tôi muốn buông xuôi... Mải việc, tôi đành để con nằm ở nhà, dù là nằm một mình, Hiền vẫn ngoan ngoãn lắm. Nhìn con như vậy, tôi dặn lòng phải cố gắng, dù có làm thuê làm mướn cũng phải nuôi con".
Cầm hai tấm giấy báo đậu đại học của con trên tay mà chị rưng rưng nước mắt: "Nuôi được con lớn, tôi thấy là một kỳ tích, tôi không dám nghĩ, con sẽ đi học, biết đọc, biết viết được như người ta".
Lên 6 tuổi, khi chị gái học bài, Hiền tập tành đọc theo mà đã thuộc hết hơn nửa quyển sách. Ngày ấy, gia đình còn khó khăn, nhưng thấy con tỏ ra ham học và sáng dạ nên chị Lòng quyết tâm đưa con đến trường.
Những ngày đầu đi học đối với Hiền là những ngày tháng buồn khi em không thể viết được một chữ trọn vẹn, viết mà như vẽ rồng, vẽ rắn. Đã vậy, bệnh tật lại "cản đường", làm em nay ốm, mai đau. Thế nhưng, cô học trò tật nguyền này vẫn nuôi ý chí học tập bằng bạn bè. Sau giờ học, Hiền tự tập viết, tập phát âm cho chính xác. Được sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, Hiền dần "bắt nhịp" được với việc học hành, 9 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Lên cấp 3, Hiền học tại trường THPT Chu Văn An, cách nhà 10 km cả đi và về. Thế nhưng, chưa một ngày Hiền nghỉ học. Người ta thật khó hình dung một cô bé, đi còn không vững lại đạp xe 10 km mỗi ngày để đến trường. Thế mà, điều đó lại là sự thật. "Con ngã xe không biết bao nhiêu lần, có lần rách cả áo, toạc cả quần nhưng một mực không cho mẹ chở đi”, anh Nghĩa, ba của Hiền kể.
Bỏ qua những dị nghị, bàn tán của những người ác ý, càng học, Hiền càng tỏ ra thông minh, đặc biệt là với các môn tự nhiên. Cười bẽn lẽn, Hiền nhớ lại: "Năm lớp 10 do chưa quen với cách học THPT, em chỉ được học lực trung bình. Lên lớp 11 và 12, em đạt học sinh khá và năm nào em cũng được các thầy cô cho đi học đội tuyển học sinh giỏi môn Lý của trường".
Thi vào ngành Công nghệ thông tin (trường ĐH Khoa học - ĐH Huế) đạt 20,5 điểm và ngành Quản lý đất đai (trường ĐH Nông lâm - ĐH Huế) đạt 16,5 điểm, Nguyễn Thái Hiền trở thành "hiện tượng" của cả thôn Hà Nha. Hiền tâm sự: "Bạn bè và thầy cô là những người đã giúp đỡ em trong suốt quá trình em thi đại học. Ba mẹ luôn động viên và ủng hộ những quyết định của em. Em luôn tự nhủ với bản thân, đã học là phải thi đại học, dù có khó khăn thế nào đi nữa".
Nở nụ cười "mếu máo", em cho biết: "Em sẽ theo học ngành công nghệ thông tin vì nó phù hợp với hoàn cảnh. Vì từ lâu, em đã mơ ước trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin".
Đã viết nên kỳ tích
Cô học trò giàu nghị lực Nguyễn Thái Hiền. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, viết vài chữ đối với Hiền là khó khăn nhưng em lại tỏ ra rất am hiểu về máy tính. Lúc Hiền nộp đơn thi đại học là cả một sự đấu tranh rất lớn giữa em và gia đình. Hiện, hai anh chị của Hiền đều đang học ở TP Đà Nẵng. Ba mẹ mong muốn Hiền học ở đó để anh chị em gần nhau, tiện bề chăm sóc. Thế nhưng, Hiền muốn thi ở Huế.
"Em muốn tự lập, muốn thử cuộc sống không có gia đình bên cạnh, để chứng tỏ cho ba mẹ thấy, em đã lớn, đã trưởng thành, có thể tự lo cho bản thân được. Ba mẹ khổ vì em nhiều rồi", Hiền tâm sự.
Thương con, anh Nghĩa và chị Lòng đành chiều con, dù trong lòng anh chị "ngổn ngang trăm mối tơ vò". Hai giấy báo đại học là niềm vui vô bờ bến cho gia đình, họ hàng, làng xóm, đặc biệt là mẹ Hiền.
Chị Lòng không giấu được xúc động: "Từ trồng sắn, làm cỏ, gặt lúa, nhổ lạc... đến bươn chải đi làm mướn khắp nơi, không có việc gì là tôi và chồng tôi không làm, chỉ mong con cái được bằng bạn bằng bè. Sức khỏe tôi không được tốt, cứ hai ba bữa là lại bệnh. Nhưng mà mấy ngày này, nhận được tin con đậu đại học, tôi làm không biết mệt. Không biết sức mạnh ở đâu ra nữa". Nhớ lại những ngày tháng nuôi con, chị Lòng chỉ biết thầm cảm ơn đến những người đã thương yêu, giúp đỡ con mình.
Chị Lòng tâm sự: "Lúc em Hiền đi thi, thầy chủ nhiệm đến nhà dúi vào tay Hiền 200.000 đồng và nói tiền này là tiền thầy cho con đi uống nước. Tôi chỉ biết khóc thầm, biết ơn mà cũng không nói nên lời. Chỉ mong con mình thi cử thành công, sau này có công ăn việc làm ổn định để đền ơn những người đã cưu mang, giúp đỡ".
Những ngày này, gia đình em Hiền luôn rộn ràng và tràn ngập tiếng cười, vì bà con chòm xóm đến chia vui, chúc mừng. Hiền cũng đang háo hức chuẩn bị hành trang để đầu tháng 9 ra Huế nhập học. Vất vả nuôi con trong bao năm trời, đã bao lần chị Lòng khóc thầm vì thương con.
Đến hôm nay, khi nhìn con đã "cứng cáp", trưởng thành và sắp rời xa vòng tay mình, một lần nữa chị lại khóc - giọt nước mắt vui sướng và tự hào về một "vầng trăng khuyết". Trong giọt nước mắt ấy chất chứa cả nỗi lo cơm áo gạo tiền trong những ngày con trọ học sắp tới.