Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai 'xương thủy tinh' vào đại học

Nhà chị Thu Hương và cậu bé Nguyễn Minh Hội đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của bà con xóm nghèo quanh bãi rác Đông Thạnh (Hóc Môn, TP.HCM).

 

“Mỗi tháng giúp một đồng bào nghèo”


Đến nhà chị một ngày hay một buổi đều dễ dàng nhận ra điều đó. Mấy đứa trẻ đi bán vé số nửa buổi thế nào cũng ghé nhà má Hương xin ngụm nước, lỡ bữa cũng có thể ghé xúc chén cơm.

Hàng xóm có chuyện vui thì ghé nhà Thu Hương làm bữa liên hoan, có chuyện buồn thì đến bàn bạc tìm cách giải quyết. Những công nhân nhập cư gặp tai nạn lao động, bị chủ xử ép cũng chạy đến nhà cô Hương.

Những gia đình sống nhờ việc nhặt phế liệu trong bãi rác, bao năm chịu đựng môi trường, nguồn nước ô nhiễm nay cũng đến tìm cô Hương nhờ giúp đỡ. Những học sinh sinh viên nghèo thiếu sách, thiếu vở, thiếu tiền đóng học phí cũng tìm đến má Hương...

Luôn nói rằng “vòng tay tôi ngắn lắm” nhưng lúc nào chị Thu Hương cũng tìm ngay ra cách để bảo mọi người “cười lên nào”, lúc nào cũng xăng xái tìm ngay cách giúp đỡ, tìm cách nối dài vòng tay của mình.

Để có tiền giúp người nghèo khó, chị kết nối qua Internet, qua những đơn vị truyền thông nay đã quen thuộc với xứ Đông Thạnh, qua những nhà hảo tâm, những người có tấm lòng vàng nay đã trở thành người nhà của chị.

Bảy năm qua, chị Thu Hương xắn tay áo bưng bê từng thùng tập vở, tỉ mẩn chia từng cây bút, từng cái bánh, chăm chút nấu từng bữa ăn, long đong chạy qua khắp các cơ quan có trách nhiệm... Bao nhiêu người đã được giúp đỡ, chị Thu Hương không đếm nữa. Đã hình thành chương trình hẳn hoi như “Mỗi tháng giúp một đồng bào nghèo”, “Nâng bước chân em đến trường”... lần lượt những món quà từ những giọt mồ hôi chắt bóp, từ sự gửi gắm, tin tưởng cứ tiếp nối qua ngôi nhà của chị. Để lại tiếng cười. Để lại niềm vui.

Bảy năm, nụ cười của cậu không thay đổi, dù đang ngồi bên chiếc máy tính hay nằm bất động trên giường. Bảy năm đó, Hội đã đi được, đã cao thêm được mười mấy centimet, đã tốt nghiệp trung học cơ sở rồi trung học phổ thông, đã tự học để trở thành lập trình viên, quản trị mạng loại giỏi. Một thế giới mới đã mở ra với hai mẹ con từ đó.

Sinh nhật lần thứ 18 của Hội được tổ chức trong niềm vui vô bờ của hai mẹ con: niềm vui Hội thực hiện được lời hứa “con sẽ sống”. Mẹ Hương đã nắm tay Hội đưa lên cao mà hét lên bằng sự nồng nhiệt vốn luôn dư thừa trong chị: “Bệnh xương thủy tinh, có ta đây”.

Sinh viên năm 1 

Đến nhà “xương thủy tinh” là lại được đi từ ngạc nhiên đến bất ngờ. Năm 2010, Hội kỷ niệm sinh nhật thứ 20 của mình với một trang web riêng: 123suckhoe.com.

Và rồi đúng lúc mọi người nghĩ cậu đã có thể yên tâm ngồi bên máy tính, hài lòng với cuộc sống trên thế giới mạng thì được nghe tin báo: Hội đã âm thầm đăng ký thi đại học (khoa quản trị nhân lực ĐH Lao động - xã hội TP.HCM, hệ đào tạo tại chức) và đỗ thủ khoa với số điểm tuyệt đối 30/30.

Bây giờ ở tuổi 23, sinh viên năm nhất Đỗ Minh Hội chỉ còn nhớ đến căn bệnh xương thủy tinh khi lớp của cậu có lịch một môn học ở tầng 4. Mẹ cắn răng cõng lên một buổi, buổi thứ hai Hội đi sớm, lết nhích lên từng bậc thang.

Lên được đến lớp, Hội thở ra: “Thật sự là quá sức”. Mà đấy lại là môn vi tính, sở trường của cậu. Nhà trường đề nghị miễn, Hội không đồng ý, đề nghị được học và thi qua mạng “để giành điểm giỏi”.

Ngoài câu chuyện ấy hoặc những lúc bị gãy xương, bệnh xương thủy tinh đã bị Hội bỏ quên. Đến nhà khi nào cũng thấy Hội miệt mài bên chiếc máy tính. Lúc chăm sóc trang web, lúc học một chương trình mới, lúc lại tham gia một cuộc thi vẽ, lập trình trên mạng... “Ấy thế mà cũng ra được ít tiền đỡ cho mẹ đấy” - mẹ Hương cười rạng rỡ bên con trai.

Hình ảnh Hội năm nào.

Lại đã đến mùa Trung thu. Trung thu với chị Thu Hương, với Hội và đám trẻ con ấp 2 Đông Thạnh là cả một mùa rộn ràng, tưng bừng. Đã mười năm từ ngày “má” Hương thơ thới tháo đôi bông tai vàng mang ra chợ để mang về nào bánh, nào quà, nào giấy màu, nan tre, tíu tít làm lồng đèn, chiên chuối, chiên khoai... để rồi “anh” Hội đột nhiên trở thành một thủ lĩnh dù không đi, không chạy được như đám trẻ quanh mình. Từ đó năm nào đến mùa Trung thu, đám trẻ cũng thập thò hỏi: “Năm nay có làm cỗ không má Hương?” và bà mẹ đa đoan luôn hớn hở đáp: “Có chứ, sao lại không!”. Vậy rồi bắt đầu chạy lo bánh, lo quà.

Như năm nay, chị đang bàn: “Đang khó khăn quá, mình sẽ dùng bánh pía thay cho bánh trung thu. Vẫn ngon ngọt, vẫn đậu mịn, trứng vàng, thơm phức mà giá lại rẻ hơn những mấy lần...”.

Trăng chưa đến Trung thu mà đã thấy ánh vàng dịu dàng, vị bánh ngọt thơm và những tiếng cười trong vắt ngập xóm nhỏ Đông Thạnh.

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm