Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô học trò Nguyễn Thị Diệu Lê và ước mơ làm doanh nhân

Đó là câu chuyện của cô học trò Nguyễn Thị Diệu Lê, lớp 12 chuyên văn trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).

Ba năm trọ học xa nhà và sống hoàn toàn nhờ tiền trợ cấp của trường nhưng Lê vẫn tiết kiệm để gửi về quê cho mẹ trang trải cuộc sống gia đình.

Vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia Lê liền trả phòng trọ, khăn gói về quê phụ gia đình việc đồng áng, chuẩn bị hành trình “Nam tiến” chinh phục giấc mơ trên giảng đường Đại học.

Thế nhưng gánh nặng ưu tư đang đè nặng trên đôi vai cô học trò nghèo với điểm thi khối D1 - 25 điểm.

Vì nghèo khó, ba bệnh nặng, việc học của năm anh chị trước của Lê đứt gánh giữa đường, người lập gia đình, người ly tán mỗi phương để kiếm sống.

Cô học trò Nguyễn Thị Diệu Lê.
Cô học trò Nguyễn Thị Diệu Lê.

Chưa dám nộp hồ sơ xét tuyển vì nghèo

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua, nữ sinh dân tộc Nùng đạt điểm số cao, nhưng chần chừ mãi vẫn chưa dám nộp hồ sơ xét tuyển đại học.

“Ngày em đậu trường chuyên, xuống phố học ai cũng can ngăn nhưng không học giỏi thì không thoát được nghèo. Vậy nên em quyết tâm, rồi gói ghém mọi thứ về Tam Kỳ thuê trọ để theo đuổi giấc mơ của mình”, Lê tâm sự.

Suốt ba năm học, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng chưa một lần Lê kêu than. Mỗi tháng Lê được trường trợ cấp 1,3 triệu đồng. Số tiền đó được Lê tính toán chi li từ tiền trọ, tiền cơm, chi phí sinh hoạt hằng ngày.

“Có những tháng không chi tiêu nhiều em tiết kiệm được 200.000-300.000 đồng rồi ra bến xe gửi về cho mẹ mua thuốc chữa bệnh, trang trải thêm một phần cuộc sống. Thế nhưng có nhiều tháng “hụt” tiền cũng không dám điện cho mẹ mà phải vay mượn bạn bè rồi chờ trợ cấp đợt sau mới trả”, nói đến đây Lê rươm rướm nước mắt.

"Từ ngày xuống phố học Lê chưa bao giờ điện về xin tôi một cái gì, cũng không kêu than mà luôn âm thầm cố gắng. Thi thoảng về nhà chỉ xin mấy bó rau và mấy ký gạo để về phố học”- bà Nguyễn Thị Năm (63 tuổi), mẹ Lê, nghẹn ngào.

Hiện Lê đăng ký xét tuyển vào ngành kinh tế đối ngoại của một trường đại học tại TP HCM để theo đuổi giấc mơ trở thành một nữ doanh nhân trong tương lai.

Lê nói: “Gia đình nghèo khó, ba năm phổ thông em lo được thì bốn năm đại học em cũng sẽ cố gắng tự lo cho mình. Vào đó em sẽ xin ở chung với bạn rồi kiếm công việc sau mỗi giờ học như bán cà phê hay chạy bàn quán ăn để kiếm tiền lo cho việc học”.

Cô Ngô Thị Minh Thủy, giáo viên chủ nhiệm ba năm cấp 3 của Lê, nói dù học lớp chuyên văn nhưng Lê học giỏi đều tất cả các môn khác và luôn đứng đầu lớp. Năm lớp 11 Lê đoạt huy chương đồng học sinh giỏi khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc bộ, năm lớp 12 giành giải ba môn văn cấp tỉnh.

“Có lẽ hoàn cảnh nghèo khó đã tạo nên một cô bé Lê với bản tính nghị lực, chăm chỉ, từ tốn, hòa đồng và học giỏi. Sự chịu khó và niềm đam mê sẽ giúp em tiến xa hơn nữa trong hành trình của tương lai”, cô Thủy nhận định.

Sinh viên kể chuyện học quân sự

Đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, môn học Giáo dục Quốc phòng đem đến những thử thách, nhưng cũng nhiều thú vị.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/co-hoc-tro-nguyen-thi-dieu-le-va-uoc-mo-lam-doanh-nhan/957972.html

Theo Phan Thành/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm