Tuổi thơ Giang đã trải qua những cơn ác mộng. Từng ngày, từng giờ em chống chọi với bệnh tật, ám ảnh bởi cái chết. Đau đớn, hoảng loạn khi chứng kiến anh chị của mình lần lượt vĩnh biệt cõi đời ở tuổi đôi mươi...
Cạn khô nước mắt
Giữa ngày hè nắng lửa, những luồng gió nam ào ào như bão. Chúng tôi gặp hai chị em Giang đang ngồi đợi mua thuốc ở quầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế. Ngồi ở lan can trong bệnh viện nghe câu chuyện của gia đình em buồn đến nao lòng.
Hà Giang rửa chén bát thuê ở một quán ăn để kiếm tiền trang trải chi phí học tập. |
Giang cho biết chị gái Lưu Thị Thúy (25 tuổi) bị suy thận giai đoạn cuối, đang chạy thận ở Bệnh viện Cuba, Đồng Hới nhưng hằng tháng phải vào Huế để mua thuốc đặc trị. Mười năm nay, nhà của Thúy là khoa nội thận của Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Cuba, Đồng Hới, mỗi tuần ba lần chạy lọc thận để duy trì sự sống.
“Đời em rứa là hết, chừ chỉ còn nằm chờ chết mà thôi. Nhiều khi em muốn chết đi để giải thoát khỏi những cơn đau, cho ba mẹ và các em bớt khổ. Giờ em muốn trước khi nhắm mắt được nhìn thấy hai đứa em vào đại học, để sau này ba mẹ có chỗ dựa” - Thúy nói rồi òa khóc. Hà Giang ôm chị khóc theo.
Giang kể gia đình em ở một làng quê thuần nông xã Thanh Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình. Nhà có sáu anh em thì cả sáu người đều bị suy, viêm cầu thận cấp do uống nước giếng bị nhiễm độc bom mìn. Suốt hơn 10 năm qua cả gia đình em chống chọi với cái chết trong bệnh viện.
Năm 2004 anh trai đầu Lưu Đức Thùy mất khi mới 22 tuổi. Ba năm sau, người chị gái Lưu Thị Như Huyền cũng ra đi ở tuổi 22. Người con thứ tư Lưu Công Vũ cũng trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 19 vì căn bệnh suy thận quái ác. Bà Trần Thị Nương (mẹ Giang) mới tuổi 50 nhưng tiều tụy, khắc khổ, trông già nua bởi những tháng ngày bươn chải, vật lộn mưu sinh giành giật sự sống cho các con. Ban ngày bà Nương đi lượm ve chai, tối mịt về ngủ ở gầm cầu thang bệnh viện. Tài sản cuối cùng là căn nhà nhỏ ở quê cũng phải bán để lo chi phí chữa trị cho con. Hai vợ chồng bà quần quật kiếm từng đồng với hi vọng kéo dài sự sống cho các con, nhưng bất lực nhìn từng đứa vĩnh biệt cõi đời trong đau đớn. Gia đình Giang dường như đã cạn khô nước mắt...
Rực cháy khát khao
Học hết lớp 9, Hà Giang theo mẹ vào Huế để nuôi chị trong bệnh viện. Biết hoàn cảnh bi đát của gia đình, các bác sĩ khuyên em nên vào Huế tiếp tục theo học để tìm kiếm tương lai. Thế là cô học trò gầy yếu, xanh xao mang trong mình căn bệnh viêm cầu thận cấp đã thi đậu vào trường Quốc học Huế.
Ba năm học ở Huế, cô học trò nhỏ đã viết lên câu chuyện khát khao của mình giữa cảnh đời bi thương. Trong bế tắc nhưng Giang luôn cháy lên khát vọng học hành. Hằng ngày sau buổi học ở trường, Giang lại vào bệnh viện cùng mẹ lượm ve chai kiếm tiền chữa bệnh cho chị. Những ngày hè, em xin rửa chén bát thuê cho một quán ăn để kiếm tiền trang trải chi phí học tập.
Suốt những năm học cấp III, cô học trò gầy gò phải tự lo chi phí học tập, sinh hoạt bằng khoản tiền học bổng nhờ vào thành tích học tập ấn tượng. Năm học lớp 10, Giang đoạt huy chương bạc trong kỳ thi Olympic; lên lớp 11 Giang đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đoạt giải ba môn địa lý kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Giang cho biết em được tuyển thẳng vào ngành quốc tế học trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhưng em vẫn đăng ký thi vào ngành luật thương mại ĐH Luật TP.HCM để thực hiện ước mơ trở thành luật sư.
Giang tâm sự: “Những lúc đớn đau, tuyệt vọng, em lại lấy cuốn nhật ký của anh trai để đọc những dòng nhắn nhủ trước lúc anh vĩnh biệt cõi đời. Đọc đi, đọc lại. Anh dặn rằng cuộc đời có bất hạnh đến đâu thì còn được sống là hạnh phúc. Hãy sống bình thường, tự tin, không mặc cảm, cố gắng học tập để vượt qua nghịch cảnh... Nhờ đó em cũng vững tin dù biết rằng phía trước là những tháng ngày nghiệt ngã”.
Giang nói rằng em quyết tâm sẽ không bao giờ gục ngã dù tới đây gánh nặng chi phí đại học đè lên đôi vai em. “Em đã sống nhờ vào tình yêu thương, sự đùm bọc của nhiều người. Cầu trời lạy Phật cho em được sống tiếp để đền đáp những ân tình đó” - Hà Giang nói.