Dương Ngọc Tuấn - Họa sĩ
- 20 năm làm họa sĩ chuyên nghiệp
- Cựu Giảng viên Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
- Giải Đồng cuộc thi UOB Painting of the Year 2023
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, trong giai đoạn đổi mới và mở cửa giao thương với quốc tế, nhiều nhà sưu tầm tranh từ nước ngoài đã bắt đầu quan tâm đến các tác phẩm của nghệ sĩ Việt.
Khi đó, thị trường tranh của Việt Nam còn mới mẻ, lạ lẫm nên khơi gợi được sự tò mò. Thời điểm ấy, họa sĩ Việt đã bắt đầu sống được bằng nghề, nhưng không phải tất cả. Nhiều họa sĩ không bán được tranh. Việc theo đuổi đam mê suốt nhiều năm mà không có kết quả khiến họ phần nào mất đi năng lượng, nguồn cảm hứng và cả điều kiện kinh tế để duy trì hay phải chuyển sang nghề khác.
Câu chuyện làm sao để sống được bằng nghề vẫn luôn là nỗi trăn trở của người làm nghệ thuật nói chung, không riêng gì hội họa.
Nghệ sĩ nhất định phải sống được bằng nghề
Niềm đam mê hội họa nung nấu trong tôi từ nhỏ. Thế nhưng, tôi không có điều kiện theo đuổi từ sớm. Thời điểm ấy, môn mỹ thuật cũng không có trong hệ giáo dục phổ thông. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tôi thực hiện nghĩa vụ quân sự và trở về làm công nhân.
Tưởng như giấc mơ trở thành họa sĩ không còn, năm 24 tuổi, niềm đam mê trong tôi một lần nữa lại trỗi dậy mạnh mẽ. Khi đó, một người bạn theo học tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tới nhà chơi đã mang cho tôi xem một số bài tập vẽ. Người bạn đó cũng xem những bức tranh của tôi, nhận ra năng khiếu và khuyên tôi nên theo con đường mỹ thuật chuyên nghiệp.
Tôi quyết định bỏ hết công việc hiện tại để ôn thi mỹ thuật. Trong 4 năm ròng rã ôn thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi làm đủ nghề liên quan đến nghệ thuật để trang trải tiền thuê trọ, sinh hoạt, học vẽ...
Họa sĩ Dương Ngọc Tuấn thừa nhận không phải mọi nghệ sĩ đều sống được bằng nghề. |
Khi chính thức trở thành sinh viên trường, tôi ý thức rất rõ việc bản thân phải tìm hướng đi riêng. Dồn tâm huyết vào học và vẽ, ngay từ năm nhất, tôi đã may mắn có cơ hội hợp tác với Ngàn Phố Gallery tại Hà Nội.
Từ những năm 2004, những tác phẩm của tôi và một vài họa sĩ khác đã được họ đưa sang giới thiệu tại các hội chợ mỹ thuật (art fair) tại Singapore. Thông qua đây, tôi bắt đầu bán được những tác phẩm đầu tiên trong cuộc đời làm nghề, tạo đà để hướng đến sự chuyên nghiệp sau này.
Thời điểm ấy, thị trường tranh ở Việt Nam mới dần hình thành, với tệp khách hàng chủ yếu là người nước ngoài. Các nhà sưu tầm trong nước rất ít, nếu có, họ cũng chỉ âm thầm và chủ động tìm đến họa sĩ chứ không phổ biến như bây giờ. Có thể nói, các gallery đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa tác phẩm của họa sĩ Việt tới công chúng quốc tế, đặc biệt với những người trẻ như tôi lúc bấy giờ.
Vài năm sau, khi có cơ hội sang Singapore hay Indonesia và nhận thấy thị trường mỹ thuật của họ rất phát triển, tôi tự đặt câu hỏi “Tại sao?”. Thực tế, bên cạnh các phòng trưng bày, triển lãm, bảo tàng... họ thường xuyên tổ chức hội chợ mỹ thuật (art fair) nhằm thu hút họa sĩ, tác phẩm và nhà sưu tầm. Đó là một sân chơi nơi tất cả có thể giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trao đổi văn hóa để phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật.
Việt Nam cần nhiều cuộc thi như UOB Painting of the Year để thúc đẩy nền hội họa phát triển. |
Đây là điều Việt Nam còn thiếu. Chúng ta chưa tổ chức được một sự kiện nào như vậy. Phần lớn họa sĩ chỉ sáng tạo và làm triển lãm theo nhóm hoặc cá nhân.
Để nghệ sĩ có thể theo đuổi con đường nghệ thuật một cách lâu dài và sống được bằng nghề, nỗ lực cá nhân là chưa đủ, mà cần sự hỗ trợ từ cả hệ thống xã hội, sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ quan chuyên môn, cũng như những sân chơi hội họa để đưa tác phẩm đến công chúng và tạo cơ hội giao lưu, học hỏi với quốc tế.
Cơ hội từ sân chơi nghệ thuật uy tín
Tham gia và đoạt giải tại UOB Painting of the Year 2023 là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của tôi. Là nghệ sĩ, ai cũng muốn tham gia một cuộc thi để tác phẩm của mình có sự công nhận từ công chúng. Trong nước, chúng ta có các cuộc thi cấp thành phố và quốc gia. Thậm chí, nhiều họa sĩ còn gửi tác phẩm sang nước ngoài để dự thi.
UOB Painting of the Year 2023 diễn ra đúng thời điểm tôi muốn chuyển sang lối sáng tạo nghệ thuật mới, như một sự tiếp biến của quá trình làm việc, sau 20 năm gắn bó với nghề. Đó có thể coi như một cái duyên.
Trước đó, tôi thực hành hội họa theo phong cách ấn tượng thực, với các chủ đề phong cảnh lãng mạn và chân dung về thân phận con người. Thời điểm này, tôi muốn tác phẩm của mình mang hơi thở đương đại, truyền tải ý tưởng và thông điệp mạnh mẽ hơn, không chỉ vẽ cho bản thân, mà còn để lại dấu ấn về con người, xã hội. Đây là lý do tôi chuyển sang phong cách biểu hiện và đang rất tâm huyết với lối thể hiện này.
Họa sĩ Dương Ngọc Tuấn cùng tác phẩm “Thế giới” giành giải Đồng ở hạng mục “Nghệ sĩ thành danh”. |
Được vinh danh tại UOB Painting of the Year là sự khích lệ lớn với bất cứ người họa sĩ nào. Việt Nam cần nhiều hơn những cuộc thi như vậy. Bởi lẽ, đây là giải thưởng mang tầm khu vực, có yếu tố quốc tế. Sự ủng hộ của các nhà tài trợ và khai thác về mỹ thuật sẽ khơi gợi tính sáng tạo từ nghệ sĩ và cả những bạn trẻ đam mê hội họa, thúc đẩy họ phấn đấu để tham gia một sân chơi lớn.
Cơ hội UOB Painting of the Year đem lại cho các nghệ sĩ trẻ rất rõ ràng. Ngoài ra, không thể không nhắc đến cơ chế giải thưởng của UOB Painting of the Year. Giải nhất của cuộc thi trị giá tới 500 triệu đồng, một điều chưa từng và rất khó để có ở Việt Nam. Cuối cùng là cơ hội trưng bày tác phẩm tại những triển lãm, bảo tàng... ở các nước trong khu vực.
Tham dự UOB Painting of the Year là cơ hội để nghệ sĩ Việt vươn tầm quốc tế. |
Sau khi tôi giành giải Đồng, Ngân hàng UOB và ban tổ chức cuộc thi đã giới thiệu các tác phẩm của tôi ở một sự kiện triển lãm lớn tại Jakarta (Indonesia), nơi quy tụ nhiều gallery và các họa sĩ quốc tế. Đây là cơ hội lớn để tôi giao lưu và học hỏi. Hơn nữa, những tác phẩm của tôi còn được các nhà sưu tầm nước bạn yêu quý và mua lại.
Tất nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cơ hội tiếp xúc nền mỹ thuật quốc tế. Tôi đánh giá Việt Nam đi chậm hơn nhiều, ngay cả khi so sánh với các nước trong khu vực như Singapore hay Indonesia. Nghệ sĩ nước bạn có tư duy mở và phong phú.
Một lần nữa, tôi nghĩ chúng ta cần nhiều cuộc thi như UOB Painting of the Year hơn để nghệ sĩ Việt có cơ hội tiếp cận các nền mỹ thuật trong khu vực, xa hơn là thế giới. Đó không phải câu chuyện một sớm, một chiều nhưng từng bước, chúng ta có thể hiện thực hóa mục tiêu này.