Lý do không chỉ bởi môi trường làm việc chuyên nghiệp, mà còn có cơ hội thăng tiến.
Cử nhân không chỉ cần việc làm
Dự báo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình hình giải quyết việc làm sẽ khả quan hơn trong năm 2016, khi nền kinh tế phục hồi. Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, lực lượng lao động có việc làm ước sẽ đạt 54,1 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sẽ chỉ còn 2,2% trong năm nay so với 2,31% của năm 2015.
Điều này có nghĩa, giờ là lúc người lao động, đặc biệt là người lao động trẻ có nhiều cơ hội rộng mở để kiếm việc làm. Nhưng mong muốn của nhiều người trẻ không chỉ dừng lại ở một chỗ làm việc để kiếm kế sinh nhai, mà còn là một nơi phù hợp phát huy năng lực cá nhân và có cơ hội thăng tiến.
Nguyễn Mai Hoa, nhân viên của một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội cho biết, một số người là cử nhân trẻ như cô, tuy kiếm được việc làm nhưng thường xuyên phải làm những việc không tên, như pha trà, rót nước, kể cả đi chợ, đón con thay cho sếp của mình.
Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, trong số những người có trình độ đại học trở lên có việc làm trong quý IV/2015, chỉ có 76,23% lao động làm việc phù hợp với trình độ; còn 22,48% người lao động vẫn phải làm công việc có trình độ thấp hơn.
“Làm việc ở những môi trường như vậy, được thể hiện năng lực của mình đã khó, nói gì đến cơ hội thăng tiến. Trong khi đó, điều chúng tôi cần là cơ hội học hỏi, nâng cao năng lực và cả cơ hội thăng tiến trong công việc. Không ai muốn sau 3-5 năm làm việc, vẫn chỉ lo chạy việc lặt vặt”, Mai Hoa chia sẻ.
Cơ hội từ các nhà tuyển dụng hàng đầu
Tuy nhiên, không phải nhà tuyển dụng nào cũng sẵn sàng dành cơ hội cho những người trẻ tuổi. Chỉ một số ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn mới làm được điều này, trong đó có thể kể đến Techcombank. Ngân hàng này không chỉ dành nhiều cơ hội việc làm cho các sinh viên mới tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm, mà sau khi tuyển dụng, còn không ngừng thực hiện các chương trình đào tạo nội bộ, nhằm nâng cao năng lực nhân viên. Các cơ hội thăng tiến cũng được tạo dựng dựa trên năng lực của từng cá nhân. Nhờ vậy, tỷ lệ cán bộ nhân viên được bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo bậc trung và cao cấp sau quá trình phấn đấu tại Techcombank ngày càng tăng.
Cán bộ nhân viên Techcombank không ngừng tự hoàn thiện để mang tới trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. |
Một trong những chương trình nhận được sự đánh giá cao của các nhân viên Techcombank là dự án phân loại nghề nghiệp (JOBCAT), được triển khai bắt đầu từ năm 2014. Dự án có mục tiêu chuẩn hóa yêu cầu năng lực, xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp cho từng nhóm vị trí và tăng cường hiệu quả đào tạo phát triển trên phạm vi toàn ngân hàng.
Là một trong những nhân viên chăm sóc khách hàng tại quầy giao dịch, công việc hàng ngày của chị Vũ Thanh Hà là tiếp nhận trực tiếp các yêu cầu của khách hàng và tư vấn cho họ những giải pháp tài chính phù hợp. Nhu cầu của khách hàng rất đa dạng, sản phẩm và chính sách của ngân hàng cũng rất nhiều và liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách. Nhưng Hà rất tự tin trong công việc bởi các nhân viên mới như chị thường xuyên nhận được hỗ trợ đắc lực từ tổ chức: “Một trong những điều khiến tôi hài lòng nhất tại Techcombank là chương trình đào tạo bài bản và liên tục được cập nhật, cải tiến. Chúng giúp tôi nâng cao kiến thức, phục vụ khách hàng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường”.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Lộc hiện là Giám đốc vùng 9, thành viên nhóm nhân tài được ưu tiên giữ chân và phát triển - Talent Pool Techcombank lại bày tỏ sự hài lòng trước những cơ hội được thăng tiến dành cho những người trẻ tuổi. Theo chị, cơ hội này giúp nhân viên mới chứng tỏ được năng lực và nhiệt huyết cống hiến khi làm việc tại đây. Năm 2006, khi chưa tròn 30 tuổi, chị Lộc đã được đề bạt làm Giám đốc chi nhánh Techcombank Thanh Khê.
Chị Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc vùng 9 Techcombank. |
“Chắc chắn các chính sách đãi ngộ nhân tài này sẽ giúp Techcombank xây dựng nguồn lực mạnh mẽ để thực hiện được những mục tiêu lớn đề ra”, chị Lộc nói.
Thực tế, đây là điều mà chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam làm được. Bởi vậy, Techcombank đã trở thành nơi thu hút hứa hẹn đối với nhiều cử nhân trẻ. Làm việc ở đây chỉ 3 năm, họ đã có đủ cơ hội để phát triển và thăng tiến, trong khi cùng thời gian ở doanh nghiệp khác, họ vẫn phải lo chuyện pha trà, rót nước.
Liên tiếp trong 3 năm liền, Techcombank được xếp hạng trong top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam theo khảo sát “Sức khỏe thương hiệu nhà tuyển dụng Việt Nam” do Anphabe và Nielsen thực hiện. Năm 2015, Techcombank tiếp tục vào top 3 nơi làm việc tốt nhất nhóm ngành Tài chính/Ngân hàng và top 2 nhóm ngành Đầu tư/ Kế toán/ Kiểm toán.