Trong những ngày đi bộ đến trường, đi xe buýt cùng với vô số con người đa dạng trong thành thị... cô sinh viên năm nhất Trường đại học Sư phạm Nguyễn Thị Minh Tâm nhìn thấy những điều thú vị ẩn sâu trong đời sống của con người và không gian Sài Gòn...
Đó không phải là nhiếp ảnh. Đó không phải là tài liệu, mà đó là những gương mặt con người ẩn chứa những điều kỳ diệu về sinh tồn, về ẩn nhẫn và bao dung.
Nhóm HOSG chụp ảnh lưu niệm. |
Những khoảnh khắc không muốn lãng quên
Tâm đã thuyết phục những người bạn trẻ hơn mình tạo thành một nhóm, khởi động nên chương trình mang tên “Moments of Saigon” (MOS), nhằm thu thập những hình ảnh con người của thành phố mà mỗi hình ảnh đó đều ẩn chứa một câu chuyện đời.
Đôi khi chỉ là ghi nhận nhưng đôi lúc như những câu chuyện ngắn 100 chữ khiến người xem cứ phải tư lự rất nhiều.
Nhóm của Tâm có năm người, hầu hết đều là 9X. Chỉ có Tâm là sinh viên, còn các thành viên khác là Trâm Anh, Ngọc Yến, Minh Đoan, Xuân Thanh đều đang học lớp 12. Mọi người cùng nhau săn tìm, mời gọi sự tham gia của bất kỳ ai có được những hình ảnh của thành phố, kèm theo các câu chuyện kể.
Cà phê bệt - Ảnh: Trịnh Đình Tuyên. |
“Đôi khi chỉ cần một chú thích nhỏ, hình ảnh đó sẽ phác thảo nên tính cách và đời sống người Sài Gòn, và có thể giá trị không kém một câu chuyện hạt giống tâm hồn” - Minh Tâm nói.
Tháng 8 vừa rồi nhóm MOS tổ chức một cuộc triển lãm “bỏ túi” với chủ đề về khoảng cách thế hệ. Thật đáng ngạc nhiên khi những con người rất trẻ, cuộc sống hồn nhiên và vui nhộn trước mắt nhưng lại nhìn thấy cả những im lặng của thời gian và đổi thay trên từng con đường, trên ánh mắt nhìn của ba mẹ mình.
Giải thích về chủ đề này, Minh Đoan nói: “Những góc phố, những con người, những khoảnh khắc ở Sài Gòn mà chúng ta chưa từng để ý tới. Có ai để ý sự thay đổi của những người thân bên cạnh chúng ta? Cha mẹ ngày một già đi, con cái ngày càng lớn lên, thời gian qua đi, thói quen thay đổi, sinh hoạt thay đổi, sự khác biệt càng lớn, khi nhìn lại ta mới giật mình nhận ra mình đã bỏ lỡ rất nhiều”.
Bằng sự thuyết phục đầy tình cảm và cả quyết về một tinh thần gìn giữ nơi sinh sống của mình, nhóm MOS giành được phần tài trợ của Tổ chức VietAbroader cho chương trình dự án đầu đời của tuổi trẻ. MOS không mong mình làm giàu hay danh tiếng.
Năm bạn trẻ này chỉ muốn giữ lại những thứ đơn giản và đáng yêu có thể đi qua mãi mãi. Từng con người trong MOS yêu thương nơi mình đang sống và muốn góp thành từng viên gạch, dựng nên một bức tường lớn chứa đựng những gương mặt con người và những chuyện kể như những điều để chia sẻ mà dòng lịch sử không văn bản cần được lưu lại.
Âm nhạc đường phố. |
Tháng 12 năm nay MOS dự định tổ chức một đợt triển lãm nữa. Nội dung của triển lãm không phải là kỹ thuật nhiếp ảnh, mà là những tập chuyện kể về đời sống. Điều các bạn trẻ của MOS đang làm thật đơn giản: gieo xuống những câu chuyện và đợi xem yêu thương lớn lên.
Cái nhìn khác về những điều nhỏ nhặt
Nhóm MOS chỉ là một trong rất nhiều nhóm bạn trẻ đang làm công việc lý thú và độc đáo này. Lâu đời hơn và có đến hàng chục ngàn người theo dõi trên Facebook phải kể đến nhóm Humans of Sài Gòn (HOSG).
Những bạn trẻ trong nhóm HOSG đi từ ý tưởng xây dựng một trang lưu giữ lịch sử đời thường của thành phố, tương tự cách mà trang Humans of New York đã làm, khiến địa danh nơi này trở nên quyến rũ và khác biệt hơn mọi nơi khác trên thế giới.
HOSG cũng có năm thành viên, hầu hết là sinh viên 9X. Với độ tuổi và sự chững chạc hơn nên ý thức của HOSG cũng mang nhiều ước muốn hơn trong công việc của mình. Các thành viên Hồng Ngọc, Anh Minh, Thạch Thảo, Minh Quang, Mỹ Linh mong muốn bất kỳ ai muốn hiểu biết nhiều hơn về Sài Gòn đều có thể tham khảo qua HOSG.
Thậm chí thông tin của HOSG có thể là phần tham khảo quan trọng về thành phố này, thông qua các trang nổi tiếng thế giới như Lonely Planet, TripAdvisor...
Hồng Ngọc, với công việc là nhà thiết kế, nói rằng khởi đầu của HOSG cô không tin rằng mọi thứ trở nên đáng yêu như hôm nay.
“Sau hơn một năm gắn bó cùng mọi người, đi, lắng nghe, ghi lại và chia sẻ, mình cảm thấy đây thật sự là một cầu nối, tụi mình sẽ chia sẻ giúp những tâm tư, suy nghĩ của người Sài Gòn. Và giúp mọi người có cái nhìn khác về những điều chừng như rất nhỏ nhặt trong cuộc sống, về những con người tưởng chừng bình thường xung quanh...”.
Thông qua một bức ảnh, Hồng Ngọc nói rằng mình nhớ mãi một câu chuyện rất đỗi bình thường mà ấm áp. Đó là một cuộc trò chuyện rất ngắn.
- Nếu có cỗ máy thời gian, anh sẽ quay lại khoảng thời gian nào?
- Lúc 3 tuổi.
- Vì sao anh lại muốn quay lại lúc mình còn bé như thế?
- Vì lúc ấy anh còn ba.
HOSG có lịch trình làm việc nghiêm túc như một công ty. Cứ mỗi sáng chủ nhật, nhóm đều có một buổi gặp mặt của tất cả thành viên tại một địa điểm bất kỳ. Mọi người cùng chia nhóm ra đi khai thác các câu chuyện.
Việc gặp mặt như vậy tạo nên dữ liệu của HOSG và cũng là dịp làm sâu sắc hơn trong việc tìm hiểu - khám phá Sài Gòn của mình như thế nào. Khi quay về nhà, công việc lại được chia ra cho nhau là sắp xếp lại hình ảnh và chuyện kể, dịch thuật và làm truyền thông trên dữ liệu của mình.
Bạn Anh Minh, sinh viên Trường RMIT, cho biết rằng tháng 8 vừa qua HOSG đã có một buổi triển lãm ảnh diễn ra trong vòng bốn ngày. Tổng cộng có tất cả hơn 300 tấm ảnh và câu chuyện được triển lãm.
Anh Minh nói cả nhóm cũng không ngờ những điều nho nhỏ đó lại gây được những tác động mạnh mẽ đến người xem như vậy. “Có bạn cười khúc khích khi xem những câu chuyện vui và cũng có bạn rơi nước mắt với những câu chuyện buồn” - Anh Minh nói.
Níu giữ ký ức từ những cuộc đời lặng lẽ
Cách làm của HOSG hay MOS là một thứ ngôn ngữ ghi chép hiện đại, loại ngôn ngữ của thế hệ mới khi họ níu giữ lại ký ức và bày tỏ ngôn ngữ của mình. Họ níu giữ những điều chúng ta vẫn nhìn thấy hằng ngày, vẫn nói về và lãng quên.
Giải Nobel văn chương 2015 dành cho nữ văn sĩ Svetlana Alexievich với hầu hết là những ghi chép lại từ đời sống có thật đang nhắc rằng níu giữ phần rất khắc khoải của thế giới con người.
Con người không thể có nhớ thương mà không có quá khứ. Con người cũng không thể chỉ yêu mến những điều vĩ đại mà bỏ quên cuộc đời lặng lẽ nhỏ nhặt quanh mình. HOSG hay MOS đang nhắc chúng ta về điều đó.