Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có nên cắt bao quy đầu cho trẻ?

Nghe theo lời khuyên của nhiều người, một số ông bố bà mẹ đưa con đi cắt bao quy đầu quá sớm khiến đứa trẻ mỗi lần đi tiểu lại khóc thét vì đau đớn.

Bao quy đầu là phần da che phủ quy đầu. Trước khi trẻ chào đời, bao quy đầu và đầu dương vật phát triển như một thể thống nhất, dính chặt với nhau. Dần dần, mặt trong của bao quy đầu và lớp da của đầu dương vật bắt đầu tách rời nhau, nhờ hiện tượng bong tế bào ở bề mặt mỗi lớp. Biểu mô của hai lớp này thường xuyên được thay mới. Tế bào chết tích tụ thành chất tiết trắng, dần dần được đẩy ra ngoài qua phần chóp của bao quy đầu. Trên thực tế, có khi phải mất 5-10 năm hoặc hơn, quá trình tách mới hoàn thành, và bao quy đầu mới có thể lộn được khỏi đầu dương vật về phía bụng. 

Trong khi đó, định nghĩa về hẹp bao quy đầu là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu. Hiện tượng này khá phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, tỷ lệ hẹp sẽ giảm dần theo lứa tuổi. Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng càng lớn lên, bao quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu gần như không cần phải can thiệp. Theo đó, 96% trẻ sơ sinh bị hẹp bao quy đầu; 50% trẻ 1 tuổi vẫn còn tình trạng trên; 10% trẻ 3 tuổi gặp rắc rối với tình trạng hẹp và chỉ có 1% thanh niên 17 tuổi thực sự có vấn đề với bao quy đầu của mình vì quá hẹp.

Khác với hẹp bao quy đầu sinh lý, hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp vì có sẹo xơ, hình thành sau viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó.

Hẹp bao quy đầu là tình trạng phần da che phủ dính vào đầu quy. Ảnh: Bác sĩ cũng cấp

Nghe theo lời khuyên của nhiều người, một số ông bố bà mẹ đã đưa con đi nong bao quy đầu quá sớm, thậm chí là vài tháng tuổi khiến đứa trẻ đau đớn, khóc thét mỗi lần đi tiểu hoặc khi quần áo cọ vào vết thương. Thấy con khóc, cha mẹ không dám chạm đến chỗ đau của bé, kể cả việc vệ sinh vùng kín càng bị hạn chế. Do đó, bao quy đầu lại bị bó hẹp trở lại. Ngoài ra, các can thiệp ngoại khoa (nong hoặc cắt bao quy đầu) có thể gây ra  biến chứng như: chảy máu, phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu hoặc niệu đạo ngay sau mổ. Thậm chí có thể gây các cố tật mãn tính về sau như: sẹo xấu, hẹp da quy đầu tái phát, hẹp lỗ tiểu hoặc rò niệu đạo. 

Ưu tiên các biện pháp bảo tồn ít gây đau đớn 

Đó là khuyến cáo của các thầy thuốc trên toàn thế giới. Theo đó, biện pháp kéo căng da quy đầu bằng tay mỗi ngày hay kéo da quy đầu bằng tay kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid là những biện pháp ít gây đau đớn, rẻ tiền và an toàn cho trẻ. Phương pháp này hiệu quả không kém các phương pháp can thiệp bằng phẫu thuật; hơn nữa trẻ không bị đau, không bị sang chấn về tinh thần hay sang chấn tại chỗ như nong hoặc cắt bao quy đầu. 

Với phương pháp dùng tay kéo căng da quy đầu mỗi ngày, phần lớn nó có thể được nong rộng trong vòng 1-2 tháng nếu thực hiện đều đặn 2-3 lần mỗi ngày.

Cách thực hiện: Dùng dầu dưỡng dành cho trẻ, vaseline  hay dầu dưỡng thể làm chất bôi trơn. Nhẹ nhàng kéo da quy đầu về phía trước (ra xa người bé) vài lần, rồi nhẹ nhàng kéo ngược lại về phía sau (trong giới hạn bé chịu đựng được và không bị đau). Giữ nguyên tư thế này trong vài phút. 

Lặp lại động tác này vài lần mỗi ngày. Bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu được làm bài tập này khi đang ngâm mình trong nước.

Phương pháp này không gây sang chấn cũng như không gây tổn thương cấu trúc của da quy đầu. Tuy nhiên, cha mẹ cần thực hiền động tác kéo căng bao quy đầu một cách từ từ, nhẹ nhàng, lần sau kéo căng nhiều hơn lần trước, lớp bao da sẽ giãn dần. Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp tốt giữa cha mẹ và trẻ, và đặc biệt là tuân thủ kỹ thuật, tránh gây biến chứng tạo sẹo sau này. Nếu sau 1 tháng không thấy kết quả, chuyển sang phương pháp sau:

Phương pháp cũng rất hiệu quả được các bác sĩ khuyên thực hiện là kéo căng da quy đầu kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid hàng ngày cho trẻ. 

Theo đó, loại thuốc mỡ được dùng phải chứa steroid và bôi trực tiếp lên phần trong và ngoài của bao quy đầu. Nếu bao quy đầu quá hẹp, chỉ lộ một lỗ nhỏ, vẫn có thể đưa thuốc vào bên trong bằng cách nhẹ nhàng kéo da quy đầu lên xuống vài lần. Thực hiện liệu pháp này 2-3 lần mỗi ngày, ít nhất là trong vòng 1 tháng, kết hợp biện pháp kéo căng da quy đầu đã hướng dẫn ở trên.

Thuốc mỡ chứa steroid giúp đẩy nhanh quá trình căng da. Nó làm da mỏng hơn và kéo căng dễ dàng hơn. Khi ngừng dùng thuốc, da sẽ dày trở lại. Thuốc chỉ có hiệu quả cao khi kết hợp với bài tập kéo căng da. Ngưng điều trị nếu không thấy kết quả sau 3 tháng. 

Chú ý: 

Với bé trai dưới 4 tuổi: không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát.

Với bé trai trên 4 tuổi, hoặc nhỏ hơn 4 tuổi nhưng có kèm các biểu hiện bất thường như tiểu khó, khi tiểu phải rặn, bao quy đầu phồng lên, da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ... thì nên lần lượt áp dụng hai biện pháp trên trước khi chuyển sang các biện pháp can thiệp ngoại khoa.

Sau khi thực hiện hai phương pháp trên mà không mang lại kết quả, bác sĩ có thể tiến thành tiểu phẫu nong bao quy đầu hoặc phẫu thuật cắt bao quy đầu.

Tổng kết 319 trẻ khám và điều trị hẹp da quy đầu tại bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, tỷ lệ thành công trong điều trị bằng bôi kem là 90%. Phương pháp này được thực hiện ở nhà, tốn ít công sức và tiền của. Chi phí bôi kem khoảng 40.000-100.000 đồng, chỉ bằng 1/10 số tiền tiểu phẫu. 

BS Trần Thu Thủy (bệnh viện Nhi trung ương)

Nguyễn Vũ (ghi)

Bạn có thể quan tâm