Nhiều nơi đã thông báo lịch nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh. Ảnh: Hồng Anh. |
Tính đến nay, hơn 30 địa phương trên cả nước đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh. Tùy thuộc vào mỗi tỉnh thành sẽ có kế hoạch nghỉ Tết Âm lịch khác nhau.
Địa phương nào cho học sinh nghỉ Tết ít nhất?
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt chủ trương về thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 của ngành GD&ĐT Hà Nội. Cụ thể, thời gian nghỉ Tết của học sinh và cán bộ, giáo viên các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn thành phố là 8 ngày, bắt đầu từ 7/2 đến hết 14/2 (tức là từ 28 tháng chạp năm Quý Mão đến hết mùng 5 tháng giêng năm Giáp Thìn).
Tỉnh Lào Cai cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán 16 ngày, từ ngày 3/2 đến 18/2 (24 tháng chạp đến mùng 9 tháng giêng) - nhiều nhất.
Các tỉnh, thành cho học sinh nghỉ Tết 14 ngày gồm An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai, TP.HCM, Quảng Ninh, Yên Bái... Kỳ nghỉ bắt đầu từ ngày 5/2 tới ngày 17-18/2 (25 tháng chạp đến 9 tháng giêng). Còn lại một số nơi cho học sinh nghỉ 10-13 ngày. Dù thời điểm bắt đầu nghỉ khác nhau, không tỉnh, thành nào cho học sinh trở lại trường muộn hơn 18/2.
Với số ngày học sinh Hà Nội được nghỉ là 8 ngày, anh Nguyễn Đức Tuân - phụ huynh có con học tiểu học tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) - cho rằng số ngày nghỉ Tết như trên là không đủ với học sinh.
"Thời gian nghỉ Tết của học sinh Hà Nội như vậy là quá ít. Thường những năm học trước, thi học kỳ 2 xong, các con vẫn đến trường nhưng toàn chơi mấy tuần cuối của tháng 5. Vậy tại sao không lấy 1-2 tuần đó ra để cho học sinh được nghỉ Tết thoải mái hơn?", phụ huynh này nói.
Một tiết học Toán của học sinh trường Tiểu học Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Chị Phạm Thị Hồng Thái - phụ huynh ở quận Đống Đa -fvv nêu quan điểm: "Ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có nhiều học sinh từ nơi khác đến sinh sống học tập, nên mỗi dịp lễ Tết cũng là dịp các con về quê thăm ông bà, họ hàng. Chưa kể, dịp Tết Nguyên đán là dịp mà có rất nhiều lễ hội diễn ra. Cha mẹ có thể tranh thủ dịp này đưa con đi chơi, tham quan tìm hiểu phong tục truyền thống để bồi đắp tình cảm lòng yêu nước, giải toả những căng thẳng trong học tập. Vì vậy theo tôi, nghỉ Tết Nguyên đán nên cho học sinh nghỉ dài hơn chứ giờ các con được nghỉ học ít ngày quá, chưa kịp cảm nhận Tết đến đã phải đi học trở lại rồi".
Dù vậy, cũng nhiều người đồng tình và cho rằng cứ áp lịch đi làm của bố mẹ vào để cho con nghỉ là hợp lý. Nhận được thông tin Tết năm nay 3 con của mình sẽ được nghỉ học 8 ngày, anh Đỗ Duy Hưng - phụ huynh tại quận Hà Đông (Hà Nội) - rất ủng hộ với lịch nghỉ Tết của thành phố.
"Thời gian quay lại đi làm của cha mẹ và quay trở lại trường của các con trùng nhau sẽ giúp phụ huynh thuận lợi trong việc quản lý và chăm sóc con cái. Nếu con được nghỉ thêm, chắc là vợ chồng tôi lại phải tha con lên cơ quan chứ để hai cháu ở nhà trông nhau không yên tâm. Còn với lịch nghỉ Tết hiện tại, gia đình nào muốn cho con nghỉ thêm chủ động xin cô giáo cho con nghỉ nghỉ thêm hai ngày thứ năm và thứ sáu", anh Hưng nói.
Học sinh nghỉ Tết Nguyên đán mấy ngày thì hợp lý?
Nói về lịch nghỉ Tết của học sinh Hà Nội, cô Mai Vân Hà - giáo viên dạy cấp 1 - cho hay: "Thời gian nghỉ Tết 8 ngày theo tôi là phù hợp với nhiều gia đình vì tâm lý 'bố mẹ trở lại công việc, con trở lại trường' sẽ khiến phụ huynh yên tâm hơn là để con ở nhà.
Nếu thời gian nghỉ Tết của học sinh kéo dài hơn, tôi e ngại cha mẹ có con ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học sẽ gặp khó trong việc gửi con. Với các con học sinh sẽ dễ rơi vào tình trạng xao nhãng, mất tập trung trong học tập.
Học sinh được quay lại trường sớm sau kỳ nghỉ Tết, các con sẽ có thời gian để bắt nhịp lại việc học, tiếp thu kiến thức nhanh hơn, tăng thời gian gắn kết, giao lưu với bạn bè, thầy cô".
Còn theo PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), về mặt tâm lý, thực tế, sau kỳ nghỉ dài, nghe đến việc sắp phải đi học, nhiều đứa trẻ ở bậc mầm non, tiểu học sẽ không muốn đến trường. Học sinh ở bậc lớn hơn cũng uể oải, có tâm lý ngại học. Đây là tâm lý rất thường tình.
"Thực ra, chưa có sự điều tra gì chính xác để khẳng định học sinh nghỉ Tết 8 ngày hay nghỉ nhiều ngày tốt hơn nhưng theo nhận thức thông thường, các em được nghỉ dài ngày quá sẽ dễ rơi vào tình trạng xao nhãng học tập", ông cho hay.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.