Mùa hè, nhiều phụ huynh cho con tập bơi tại nhà ngay từ khi còn sơ sinh. Khi quá bận rộn hay không có điều kiện đến các trung tâm bơi lội, họ thường tìm đến vật dụng được cho là rất hữu ích - phao đỡ cổ cho bé.
Chỉ cần cài chiếc phao vào cổ và đặt bé xuống nước, cha mẹ có thể yên tâm rằng con không bị ngạt nước, chìm, cơ thể phía dưới vẫn thoải mái bơi lội.
Cho con dùng phao cổ từ 3 tháng tuổi
Muốn con tăng vận động, ăn ngon và ngủ ngoan hơn nên chị Nguyễn Hà (28 tuổi, Hà Nội) đã sắm một chiếc phao cổ cho con gái để có thể tự bơi tại nhà từ khi 3 tháng tuổi.
"Mỗi lần được bơi, tôi thấy bé khá vui vẻ và thích thú. Tuy nhiên, sợ bé bị sặc nước hoặc cảm lạnh nên tôi chỉ cho con bơi khoảng 10 phút và ở cạnh giám sát liên tục", chị Hà nói.
Sau mỗi buổi bơi, chị nhận thấy bé thường rất đói nên sẽ ăn ngon miệng, giấc ngủ cũng chất lượng hơn bình thường.
Chị Nguyễn Hà cho con sử dụng phao bơi cổ từ 3 tháng tuổi. Ảnh: NVCC. |
Chị Hà chia sẻ dù con có trải nghiệm khá tích cực khi bơi cùng phao cổ nhưng bà mẹ này không cho bé sử dụng trong thời gian dài do quan sát thấy cổ phải ngửa liên tục. Chị Hà lo sợ sẽ ảnh hưởng đến vùng xương cổ của bé. Vì vậy, khi con được 6 tháng, chị đã đổi loại phao bơi khác.
Chị Minh Huệ (27 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho con gái dùng phao cổ từ 5 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau khoảng 2 lần sử dụng, chị đã bỏ chiếc phao này vì thấy bé thường cúi mặt xuống mép phao để nếm nước, sợ bị sặc nước. Bên cạnh đó, khi sử dụng, chị Huệ nhận thấy bé không thoải mái, hay khóc.
"Có thể, tôi mua loại phao chưa phù hợp với con nên nước vẫn thường tràn qua cổ để bé dễ cúi xuống nếm nước. Sau này, tôi đã đổi sang loại phao luồn tay cho con. Con tôi rất hợp tác với loại phao này và tôi cũng yên tâm hơn khi sử dụng", bà mẹ một con nói.
Với Trương Mai Lê (29 tuổi, trú tại Hà Giang), chị không dùng loại phao cổ này cho bé vì sợ chúng cọ vào cổ của bé gây đau. Bà mẹ 2 con quyết định chọn loại phao bé có thể xỏ chân khi bơi, giúp trẻ thoải mái hơn.
Trẻ dễ chấn thương vùng cổ
Bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) cho biết trẻ sơ sinh “bơi” trong bụng mẹ suốt 9 tháng nên việc làm quen với nước trong vòng 6 tháng sau khi sinh là rất dễ. Bơi tốt cho trẻ vì hoạt động này giúp bé vận động, mau đói, bú tốt, tập phối hợp tay chân.
Tuy nhiên, khi cho con bơi, phụ huynh nên lưu ý những vấn đề như đuối nước, hít sặc nước vào phổi gây viêm phổi hít, dị ứng da nếu nguồn nước không sạch, nước chảy vào tai…
Khi cho con bơi, phụ huynh nên lưu ý những vấn đề như đuối nước, hít sặc nước vào phổi gây viêm phổi hít, dị ứng da nếu nguồn nước không sạch, nước chảy vào tai…Ảnh: 100comments. |
Về việc sử dụng phao cổ, bác sĩ Sang cho hay hiện chưa có khuyến cáo nào về việc sử dụng vật dụng này. Tuy nhiên, phụ huynh sử dụng loại phao này cho bé dễ chấn thương cổ vì nó giữ cổ con luôn ngửa.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trịnh Quang Anh, Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.HCM, trẻ sơ sinh từ 2 đến 3 tháng tuổi có xương khớp, dây chằng, cơ bắp, hệ miễn dịch đều còn rất yếu.
Trẻ sử dụng phao này, phải ngửa cổ và treo liên tục (dù dưới nước có lực nâng) tiềm ẩn nguy cơ tổn thương cấu trúc xương và dây chằng mà không biết nói.
"Phụ huynh không nên quá kỳ vọng việc cho con bơi sớm có thể phát triển thể chất, tăng chiều cao hay sức mạnh cơ bắp. Bạn có thể cho con bơi trong 5-10 phút để tăng vận động, giúp bé khỏe khoắn hơn. Việc lạm dụng chắc chắc có hại, cường độ và thời gian vận động phải phù hợp với lứa tuổi", bác sĩ Trịnh Quang Anh nhấn mạnh.
Đồng thời, trong quá trình trẻ bơi, cha mẹ phải luôn kề bên, theo dõi sát sao mỗi khi bé ở dưới nước.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, việc vận động cho trẻ sơ sinh được khuyến khích, tuy nhiên bé trước 28 ngày tuổi còn nhiều tranh cãi. Vì vậy, bác sĩ Sang cho rằng vận động nên ưu tiên cho bé lớn hơn, 3-6 tháng.
Một số bài vận động tốt cho sơ sinh cha mẹ có thể tập cho con như đạp xe, đạp ngược, massage vùng bụng cho nhu động ruột tốt.
"Trẻ nằm bó hẹp trong bụng mẹ suốt 9 tháng nên thực hiện các bài tập thụ động, lật hay xoay trở bé mỗi 2-4 tiếng có thể giúp con làm quen dần với vận động", bác sĩ Sang nói.
Đối với người mắc bệnh tim, việc di chuyển đường dài để khám bệnh luôn đặt ra nhiều thách thức rất lớn. Nhưng nhờ sự phát triển của Telehealth, bệnh nhân giờ đây có thể khám chữa bệnh từ xa. Mục Sức khỏe giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.