Việc làm thêm cho sinh viên hiện nay khá đa dạng và có thể kiếm được nhiều tiền. Ảnh: Pexels. |
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm nhiều sinh viên năm 3, năm 4 bắt đầu tìm kiếm nơi thực tập và nơi làm thêm mới. Đối với nhiều bạn, tìm việc làm thêm không chỉ đơn giản là để kiếm thêm thu nhập, nó còn cách để nâng cao kỹ năng và làm đẹp CV trước thềm tốt nghiệp đại học.
Theo anh Nguyễn Huy Trường, trưởng nhóm tuyển dụng tập đoàn Hawee, việc làm thêm của sinh viên hiện nay không còn dừng ở mức trải nghiệm, kiếm thêm thu nhập hay trang trải cuộc sống. Nhiều bạn tự chủ được tài chính, thậm chí dư dả để chi tiêu, mua sắm và đi du lịch. Một số công việc làm thêm giúp sinh viên có được mức thu nhập khá tốt như chạy xe công nghệ, sáng tạo nội dung số, làm thương mại điện tử, code gia công…
Ngoài làm thêm công việc mang tính truyền thống như trông xe, bồi bàn, bưng bê, bán hàng… sinh viên hiện nay có thêm nhiều lựa chọn, bao gồm công việc mang tính chất đối tác (xe ôm công nghệ, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử), nhận khoán việc (thiết kế 2D 3D, phiên dịch, tư vấn dự án, lập trình module), thậm chí là khởi nghiệp.
Sai lầm khi đi làm thêm
Việc làm thêm cho sinh viên hiện nay khá đa dạng và có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng anh Nguyễn Huy Trường lưu ý sinh viên có thể dễ sa vào làm việc và quên đi việc học, thậm chí gây bào mòn sức khỏe, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung lao động về lâu dài trong cơ cấu các ngành.
Ngoài ra, khi chán và bỏ tìm việc khác, các bạn có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt kiến thức và kỹ năng, vô tình trở thành lao động trình độ thấp, gây lãng phí nguồn lực đào tạo tại các cơ sở đại học, cao đẳng và dạy nghề. Về lâu dài, nó làm ảnh hưởng lộ trình phát triển sự nghiệp do các bạn thiếu định hướng lâu dài, bởi việc làm thêm chỉ mang tính chất tự phát, ngắn hạn và chạy theo xu thế nhất thời.
Cùng quan điểm với anh Nguyễn Huy Trường, chị Trần Ngọc Thảo, người sáng lập cộng đồng HR Talks, cho rằng sai lầm đầu tiên của sinh viên khi đi làm thêm là các bạn mải kiếm tiền nên không hoàn thành chương trình đại học.
“Làm thêm để kiếm tiền, kiếm kinh nghiệm là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tấm bằng đại học vì đó là hành trang vững chắc cho sự nghiệp, đồng thời là tiền đề để các bạn trẻ có thể học lên các bậc cao hơn”, chị Thảo nêu ý kiến.
Đồng thời, chị Thảo khuyên rằng khi chọn việc làm thêm, sinh viên nên cân nhắc những công việc mang tính tương tác cao để nâng cao kỹ năng mềm, hòa nhập được với môi trường làm việc và xã hội.
Nhiều sinh viên hiện nay đang có quan niệm đi làm thêm để kiếm tiền, không nhất thiết phải làm công việc liên quan chuyên ngành, chị Thảo khá đồng tình vì sinh viên hiện nay không dễ để tìm công việc đúng ngành học.
Anh Huy Trường cho biết việc chủ động sử dụng mạng xã hội, hoặc liên hệ với nhà tuyển dụng để tìm hiều về công việc, nơi làm việc sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội khi tìm kiếm việc làm. Ảnh: NVCC. |
Nếu không tìm được công việc đúng ngành học, sinh viên nên tìm đến những công việc vừa có thu nhập, vừa giúp trang bị kỹ năng xử lý công việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề vì đây là những yếu tố cần thiết cho công việc chính thức sau khi ra trường.
Anh Trường cũng đồng tình một phần với quan điểm trên. Anh cho rằng nhiều bạn xác định đi đúng nghề và muốn giỏi nghề đó bởi các bạn đảm bảo được 2 yếu tố là chọn đúng nghề, giỏi nghề. Do đó, khi theo đuổi ngành, các bạn đều có thể thành công.
Còn đối với những bạn sinh viên đi học bởi gia đình yêu cầu, không đam mê, việc các bạn làm đúng ngành hay khác ngành không còn quan trọng, miễn là bạn làm ra tiền và học được những kỹ năng mới.
Trước khi tìm việc làm thêm, anh Trường lưu ý sinh viên nên tự đặt câu hỏi cho bản thân. Thứ nhất là “mình sẽ có được gì từ công việc này (phát triển kỹ năng hay kiếm thêm thu nhập)". Thứ hai là “mình sẽ làm công việc này trong bao lâu, mình sẽ học được gì khi làm công việc này”. Thứ ba là “mình sẽ cân đối, sắp xếp thời gian học tập và làm việc như thế nào”.
Ngoài ra, anh Trường nêu 4 lưu ý cho sinh viên trong quá trình tìm việc làm thêm. Đầu tiên, mỗi bạn cần xác định đâu là mục tiêu quan trọng nhất khi tìm việc để ưu tiên làm trước. Thứ hai, mỗi bạn nên tự học hỏi, chủ động củng cố kỹ năng trước khi làm công việc đó. Thứ ba, mỗi bạn cần có sự chủ động tìm hiểu trước về công việc, hoặc có thể hỏi ý kiến, lời khuyên từ những người đi trước để hiểu rõ hơn về công việc sắp tới.
Chưa có bằng đại học có nên nộp CV?
Bên cạnh những lời khuyên cho sinh viên tìm việc làm thêm, anh Nguyễn Huy Trường và chị Trần Ngọc Thảo còn đưa ra một số ý kiến dành cho sinh viên muốn tìm việc full-time trước thềm tốt nghiệp.
Anh Trường và chị Thảo đều cho rằng sinh viên năm cuối có thể thử nộp CV vào các công ty dù chưa được nhận bằng. Lý do là nhiều công ty hiện nay đã tạo điều kiện cho sinh viên chưa có bằng được đi làm và có thể bổ sung bằng sau khi chính thức tốt nghiệp.
Anh Trường cũng cho rằng việc sinh viên sớm được nhận vào làm việc ở một tổ chức có hệ thống, môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng là cách giúp các bạn sớm được nâng cao kỹ năng và có được những trải nghiệm nghề nghiệp hữu ích.
Chị Thảo khuyên khi chọn việc làm thêm, sinh viên nên cân nhắc những công việc mang tính tương tác cao để nâng cao kỹ năng mềm, hòa nhập được với môi trường làm việc. Ảnh: NVCC. |
Chị Ngọc Thảo nêu một lưu ý cho các sinh viên năm cuối là khi nộp hồ sơ nhưng chưa có bằng, các bạn cần nêu rõ bản thân sẽ tốt nghiệp, nhận bằng vào thời gian nào để nhà tuyển dụng nắm rõ thông tin và cân nhắc. Đây cũng là một cách tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng để họ thấy được bạn là người nghiêm túc với chuyện học hành và quá trình tìm việc.
Khi được nhà tuyển dụng liên hệ phỏng vấn, các “tân binh” nên chuẩn bị kỹ những câu hỏi phổ biến trong các buổi phỏng vấn, tránh bị động hay trả lời ấp úng.
Theo chị Thảo, sự tự tin chính là “chìa khóa” để các bạn trẻ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn.Ngoài ra, việc nghiên cứu về công ty và thể hiện rõ bạn đã tìm hiểu về công ty và công việc cũng là một điểm cộng, giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
Anh Trường lại đưa ra lời khuyên cho sinh viên năm cuối khi tìm việc full-time là chủ động tìm hiểu, chủ động xác lập mục tiêu, đánh giá công việc để xác định vị trí đó có thực sự phù hợp hay không.
Ngoài ra, anh Trường cho rằng các bạn trẻ cũng cần trang bị thêm những kỹ năng mềm bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, ví dụ kỹ năng tin học văn phòng, kỹ năng giao tiếp, thích ứng, khả năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ... Anh tin rằng đây đều là những yếu tố cần thiết trong xu thế mới của thị trường việc làm nên sẽ mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho các bạn trẻ, đồng thời giúp các bạn được nhà tuyển dụng chú ý.
“Mình đề cao sự chủ động tiếp cận, tự học tập và khả năng rèn luyện của mỗi bạn sinh viên. Khi các bạn tự tỏa sáng, thì người khác sẽ chú ý đến bạn”, anh Trường nhấn mạnh.
Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn
Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.