Chế độ ăn dinh dưỡng dựa trên nhóm máu nổi lên từ cuốn sách Eat Right 4 Your Type của bác sĩ người Mỹ Peter J. D'Adamo. Theo ông, mỗi nhóm máu cần một sự lựa chọn về thực phẩm và loại hình tập luyện phù hợp, qua đó giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Giả thuyết được đặt ra là nhóm máu gắn liền với khả năng tiêu hóa một số loại thực phẩm. Do đó, chế độ ăn uống thích hợp sẽ giúp cải thiện tiêu hóa, duy trì trọng lượng cơ thể lý tưởng, tăng mức năng lượng tiêu thụ và ngăn ngừa một số bệnh như ung thư, tim mạch...
Các gợi ý lựa chọn thực phẩm và vận động theo nhóm máu
Nhóm máu O
Nhóm máu O được cho là của những người săn bắt, hái lượm thời xa xưa. Do đó, chế độ ăn của nhóm người này giàu đạm động vật, chủ yếu là thịt, cá, một số loại trái cây và rau củ. Tuy nhiên, họ cần hạn chế ngũ cốc, hạt và các chế phẩm từ sữa.
Chế độ ăn dựa trên nhóm máu còn được nhiều siêu mẫu trên thế giới như Miranda Kerr, Hailey Baldwin ủng hộ. Ảnh minh họa: Atlas Biomed. |
Những người thuộc nhóm máu O được cho rằng sẽ thích các loại hình tập luyện cường độ cao như chạy nước rút, boxing, tập tạ...
Nhóm máu A
Những người mang nhóm máu A sẽ có chế độ ăn chủ yếu gồm thực vật và loại bỏ hoàn toàn thịt đỏ. Chế độ này gần giống với ăn chay do nhóm máu A được cho là phát triển khi con người bắt đầu làm nông nghiệp.
Tổ tiên của người thuộc nhóm máu này có bước chuyển biến từ săn bắt, hái lượm sang làm nông - công việc ít đòi hỏi vận động hơn. Do đó, họ phù hợp với các loại hình tập luyện chậm như yoga, taichi, thiền...
Nhóm máu B
Chế độ ăn của những người này gồm cả thực vật và thịt. Tuy nhiên, họ không phù hợp với thịt gà và lợn. Ngoài ra, người nhóm máu B có thể ăn lượng nhỏ chế phẩm từ sữa do họ được cho là xuất hiện giữa các bộ lạc du mục. Họ cũng cần tránh lúa mì, ngô, đậu lăng, cà chua và một số thực phẩm khác.
Theo tác giả cuốn sách, người nhóm máu B phù hợp với loại hình tập luyện có cường độ vừa phải và mang tính đồng đội. Nguyên nhân là họ không giỏi chịu stress, dễ mất cân bằng giữa tinh thần và thể chất khi khối lượng công việc quá lớn so với khả năng. Một số bộ môn phù hợp với những người này là chơi bóng, tập luyện theo nhóm, đi bộ đường dài...
Nhóm máu AB
Đây là nhóm máu lai giữa nhóm A và B. Do đó, những người nhóm máu AB được cho là đã phát triển từ sự pha trộn giữa 2 nhóm này. Tác giả khuyến nghị họ nên ăn các thực phẩm như hải sản, chế phẩm từ sữa, ngô, thịt bò và gà.
Các hình thức tập luyện của nhóm này cũng được kết hợp giữa 2 nhóm A và B. Những người nhóm máu AB nên tập thiền, yoga trong một số ngày và chạy bộ, đạp xe vào thời gian còn lại.
Chế độ này có thực sự hiệu quả?
Trong một nghiên cứu tổng quan tại Bỉ năm 2013 được đăng tải trên NHBI, các nhà khoa học đã lọc ra 16 công trình từ 1.415 nghiên cứu về chế độ ăn đạt tiêu chí liên quan nhóm máu. Họ không tìm thấy bất cứ mối liên quan nào giữa chế độ ăn theo nhóm máu và lợi ích sức khỏe.
Năm 2014, nghiên cứu tại Canada được công bố trên tạp chí Plos One cũng cho thấy người theo chế độ ăn của mọi nhóm máu đều có cải thiện về các yếu tố liên quan nguy cơ chuyển hóa tim như cholesterol hay huyết áp. Do đó, những cải thiện đó không liên quan tới nhóm máu.
Chế độ ăn này chưa được chứng minh bởi các nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa: Medical News Today. |
Theo nghiên cứu sinh thể hình Nguyễn Quốc Sơn Hà (Hà Nội), cả 4 chế độ ăn trên đều loại bỏ đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn. Đây cũng là lý do khiến chúng đều giúp ta khỏe mạnh và dễ dàng giảm cân hơn.
Tuy nhiên, chế độ ăn này đòi hỏi chúng ta phải biết nhóm máu của mình và giới hạn thực phẩm rất khắt khe. Yêu cầu lựa chọn thực phẩm có thể không phù hợp với cá nhân.
"Người ăn chay thuộc nhóm máu O rất khó tuân chủ chế độ ăn cho mình. Một người thích ăn thịt đỏ khó có thể áp dụng khi biết mình nhóm máu A", Sơn Hà nhận định.
Ngoài ra, Sơn Hà cho biết việc tập luyện thể dục, thể thao có tính đặc trưng. Cơ thể có khả năng thích nghi với các loại hình tập luyện. Ví dụ, một người thường xuyên chạy đường dài sẽ có sức bền tốt dần lên, việc tập tạ khiến cơ thể khỏe hơn sau mỗi buổi. Do đó, chúng ta không nên giới hạn bản thân trong một bộ môn nhất định.
Bởi vậy, chế độ ăn và tập luyện dựa trên nhóm máu hiện chưa có cơ sở khoa học chứng minh tính hiệu quả của nó đối với sức khỏe và ngoại hình.