Rasikh Aziz bỏ 14.900 USD để du học nhưng lại đối mặt với nguy cơ bị trục xuất. Ảnh: The Observer. |
Từ năm 2022, Rasikh Aziz (31 tuổi) được Đại học Luật (Vương quốc Anh) thông báo sai rằng anh phải đến trước tháng 10/2022 để tham gia khóa học sau đại học, bắt đầu từ tháng 1/2023.
Nhận thông báo của trường, Aziz bay đến Vương quốc Anh, trình diện tại trường. Sau khi kiểm tra chứng minh thư, anh được cấp thẻ sinh viên và bắt đầu vào học từ tháng 1/2023 mà không gặp vấn đề gì, theo The Observer.
Tuy nhiên, đến tháng 2, khi Aziz liên lạc với nhóm tuyển sinh quốc tế, anh mới được các cán bộ trong trường thông báo anh nhập học sớm hơn vài tuần so với dự kiến nên cần phải quay lại Pakistan để đăng ký và bắt đầu lại việc học hoặc phải học online. Ban đầu, nhà trường cho nam sinh một ngày để xác nhận lựa chọn của mình.
Trong một email, Aziz được thông báo do anh đến trước ngày khai giảng, anh không được coi là sinh viên của trường theo lộ trình sinh viên. Aziz đến Vương quốc Anh từ tháng 10/2022 nhưng đến tháng 1/2023 mới có lớp, nghĩa là anh đã có vài tháng bỏ trống, không có lớp học.
Vì vấn đề này, Đại học Luật đã rút học bổng và báo cáo trường hợp của Aziz lên Bộ Nội vụ. Nam sinh được thông báo anh phải rời khỏi Vương quốc Anh trước ngày 22/5, nếu không sẽ bị trục xuất.
“Đó không phải lỗi của tôi nhưng tôi đang phải trả giá cho điều đó. Tôi cảm thấy chán nản, tổn thương và rất lo lắng cho tương lai của mình. Tôi có cảm giác tôi đang bị đối xử như thể tôi đã làm điều gì đó sai trái vậy", Aziz nói.
Hiện, Aziz được một tổ chức từ thiện và các chuyên gia nhập cư giúp đỡ. Họ bức xúc vì Đại học Luật đối xử với sinh viên không công bằng. Sinh viên giờ đang bị phạt vì sơ suất trong công tác hành chính của trường.
Inam Raziq, một cố vấn nhập cư hỗ trợ Aziz, đặt câu hỏi tại sao trường đại học lại báo cáo sinh viên, thay vì thông báo cho Bộ Nội vụ về vấn đề hành chính và cố gắng khắc phục vấn đề.
"Lỗi của nhân viên trường đại học đang phá hủy sự nghiệp, tương lai và hạnh phúc cá nhân của sinh viên. Thay vì thừa nhận sai lầm, họ lại phạm sai lầm thêm một lần nữa", Inam Raziq chỉ trích Đại học Luật.
Rasikh Aziz là cha của hai con nhỏ, được Đại học Luật cấp học bổng một phần vì có thành tích học tập xuất sắc. Trước khi đến Vương quốc Anh, Aziz từng làm việc trong lĩnh vực nhân sự. Anh quyết định nghỉ việc và chi khoảng 12.000 bảng Anh (tương đương 14.900 USD) để theo đuổi khóa học sau đại học.
Aziz nói rằng nếu phải về nước, anh sẽ bị lãng phí hàng nghìn bảng Anh cho phí visa, tiền máy bay và chi phí ăn ở. Cuộc sống của anh sẽ bị đình trệ trong một năm.
Những người ủng hộ Aziz kêu gọi Đại học Luật khôi phục việc học để anh được tiếp tục học tập. Nếu không được học mà phải về nước, Aziz sẽ trắng tay vì không còn tiền, không bằng cấp, không việc làm, CV lại có "lỗ hổng", giống như mọi việc bắt đầu từ con số 0.
The Observer đặt một số câu hỏi liên quan trường hợp của Rasikh Aziz nhưng Đại học Luật nói họ không thể trả lời. Người phát ngôn của trường chỉ nói rằng trường đang tích cực thảo luận với Aziz và đại diện pháp lý của anh về vấn đề này.
"Chúng tôi coi trọng mọi khiếu nại của sinh viên và sẽ làm mọi thứ trong khả năng để giải quyết vấn đề trong khuôn khổ của các quy tắc, quy định do các bên khác ban hành", người phát ngôn Đại học Luật thông tin.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.