Vào một buổi sáng trong lành của tháng 1, Lakishia Fell-Davis lái xe đến Westmont, một khu dân cư ở phía nam của Los Angeles. Nơi Fell-Davis dừng lại là trường Tiểu học Ninety-Fifth Street, nơi bà dạy học, cũng là nơi hai con của bà theo học.
Con gái lớn của Fell-Davis tên là Makayla (9 tuổi), con trai út tên là Kevin Jr. (7 tuổi). Dọc đường đến trường, Makayla chậm rãi ăn bánh mì, còn Kevin đưa mắt ra ngoài cửa sổ, ngắm nhìn con phố với những cửa hàng rượu, cửa hàng bán đồ thể thao và câu lạc bộ thoát y nằm san sát nhau.
Bên trong chiếc xe của người mẹ, khẩu trang y tế được nhét cạnh chỗ ngồi của hai con, khăn khử trùng được nhét trong hộp giữa ôtô. Liếc nhìn hai con qua gương chiếu hậu, Fell-Davis bắt đầu cầu nguyện cho sự an toàn của các con. Nhưng bà không thể không tưởng tượng đến cảnh lớp học, nhà ăn, sân trường - nơi tất cả học sinh, giáo viên đều có khả năng mắc Covid-19 và hít thở chung bầu không khí với bà và các con.
Phụ huynh vẫn cho con đeo khẩu trang đến lớp
Đại dịch chấm dứt, trường học mở cửa, phụ huynh ở Los Angeles lại chia thành hai phe đối lập: Một số muốn con trở lại học tập và giao tiếp xã hội, một số không muốn con trở lại trường.
Hai nhóm phụ huynh này đã phản ánh sự khác biệt trong điều kiện kinh tế xã hội. Cụ thể, những gia đình da trắng giàu có muốn trẻ trở lại trường. Trong khi đó, những gia đình thu nhập thấp, sống ở khu nghèo khó, tỷ lệ tiêm chủng thấp, lại do dự, ngại cho con trở lại trường.
Cô giáo Laura Crespo và một số học sinh vẫn đeo khẩu trang trong lớp dù học khu không còn áp dụng quy định phòng dịch. Ảnh: New York Times. |
Mùa thu năm 2021, khi trẻ trở lại trường, học khu Los Angeles vẫn yêu cầu trẻ đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội. Đến tháng 2/2022, học khu quyết định rút lại quy định đeo khẩu trang, và đến mùa thu năm 2022, hầu hết biện pháp phòng, chống dịch bệnh gần như được loại bỏ. Học khu chỉ yêu cầu những người có triệu chứng hoặc những người có kết quả dương tính mới cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Dù học khu xóa bỏ quy định khẩu trang và không còn yêu cầu test Covid-19, một số phụ huynh vẫn cho con đeo khẩu trang đến trường và cấm con tham gia các hoạt động như dã ngoại. Một số khác lại nói rằng họ không quan tâm đến vấn đề này.
Với những giáo viên mắc bệnh hen suyễn như bà Laura Crespo, giáo viên tại trường Tiểu học Ninety-Fifth Street, Covid-19 vẫn tồn tại và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Cô giáo nói với New York Times rằng nhiều cha mẹ vẫn còn căng thẳng khi nhắc đến Covid-19 và họ yêu cầu bà phải đảm bảo trẻ luôn đeo khẩu trang khi ở trường. Vì thế, bà luôn nhắn tin hoặc gọi điện cho các phụ huynh để cập nhật các sự kiện diễn ra trong trường.
Tương tự, trong một lần ăn trưa vào tháng 1/2023, Fell-Davis và các con ngồi gần một số giáo viên khác đeo khẩu trang. Kevin cũng đeo khẩu trang nhưng Makayla lại không chịu làm như vậy. Người mẹ bực tức, than thở vì sao con gái bà lại không tuân thủ nguyên tắc phòng bệnh.
Đối với bà Fell-Davis, an toàn là trên hết. Nên mỗi khi thấy một học sinh sụt sịt, để lộ đôi mắt mệt mỏi, bà sẽ yêu cầu học sinh đó đeo khẩu trang. Nhưng bà hiểu đứa trẻ đó không thể nghỉ học vì bố mẹ các em đều đi làm, không thể nghỉ dù chỉ một ngày.
Nỗi sợ Covid-19 dai dẳng đến tận 2023
Fell-Davis nhận thức được rằng vào thời điểm này, vào năm 2023, mọi người đã coi đại dịch Covid-19 là dĩ vãng. Tuy nhiên, đối với bà, Covid-19 vẫn là một mối đe dọa.
Lý do là bà mắc bệnh tiểu đường loại 1, bà có nguy cơ nhập viện cao hơn và gặp các biến chứng lâu dài do bệnh tật. Những trải nghiệm trong thời kỳ đại dịch khiến bà Fell-Davis phải định hình lại cách nghĩ về cuộc sống hàng ngày.
Một lần, khi đi dạy thay, một học sinh lớp 4 nói với bà Fell-Davis rằng bà không cần đeo khẩu trang nữa vì Covid-19 đã kết thúc. Bà đã giải thích cho trẻ rằng bà có bệnh nền và cần cẩn trọng hơn với Covid-19.
"Mọi người nói Covid-19 đã biến mất, không có nghĩa là điều đó an toàn cho những người khác", cô giáo giải thích với trẻ.
Tại trường Tiểu học Ninety-Fifth Street, khoảng 94% học sinh sống trong cảnh nghèo khó. Nhiều cha mẹ là lao động chân tay và mắc bệnh mạn tính. Trong đại dịch Covid-19, trường học và các cộng đồng người nghèo ở Los Angeles phải chịu thiệt hại nặng nề. California là bang có khoảng cách thu nhập giữa các hộ gia đình giàu - nghèo thuộc tốp lớn nhất tại Mỹ. Đại dịch đã khiến khoảng cách đó ngày một lớn hơn.
Do Covid-19, tuổi thọ của người Latin ở California giảm khoảng 6 năm, tuổi thọ người da đen giảm 4 năm. Tại Los Angeles, nơi người gốc Latin chiếm gần một nửa dân số, tỷ lệ tử vong tăng nhiều hơn các nhóm chủng tộc, sắc tộc khác.
Gánh nặng đối phó với các rủi ro của Covid-19 hiện thuộc về từng cá nhân nên ý nghĩa của "hậu đại dịch" đối với một người hoặc một cộng đồng, ví dụ như trường Tiểu học Ninety-Fifth Street, rất khác so với những người khác.
Tại Mỹ, hơn 200 người tử vong mỗi ngày và hàng nghìn người vẫn phải nhập viện vì căn bệnh này. Đối với những người có bệnh nền, Covid-19 vẫn là một mối nguy hiểm tiềm tàng.
"Mọi người vẫn hay nghĩ Covid-19 giống như cúm mùa hoặc cảm lạnh nên không cần lo lắng về điều đó. Suy nghĩ này có thể đúng với nhiều người, nhưng với một số người, điều đó hoàn toàn không đúng", Barbara Ferrer, Giám đốc Sở Y tế công cộng Los Angeles, nói với New York Times.
Trường Tiểu học Ninety-Fifth Street ảm đạm sau dịch. Một số học sinh phải dùng công cụ để điều chỉnh cảm xúc. Ảnh: New York Times. |
Trẻ nhỏ mắc kẹt vì Covid-19
Đại dịch khiến những đứa trẻ ở Los Angeles phải vật lộn với các môn học ở trường. Zaira Valadez, một giáo viên lớp 2, nói rằng nhiều học sinh của cô vẫn mắc kẹt ở trình độ toán mẫu giáo. Đến nay, các em vẫn chưa biết làm phép trừ hai chữ số.
Để giúp học sinh học phép trừ, cô Valadez đã thử mọi cách như chia số thành hàng chục vàng hàng đơn vị, vẽ hình ảnh của các con số để trẻ tự gạch bỏ và thực hiện phép trừ. Nhưng tất cả phương pháp này đều không hiệu quả.
Nhiều trẻ cố dùng ngón tay để đếm nhưng số ngón tay lại không đủ. Các em thất vọng, cô giáo cũng thất vọng vì không thể làm được gì.
Trong khi đó, bà Laura Crespo cho biết học sinh của bà học hành vẫn ổn, có tiến bộ, nhưng các em lại gặp khó khăn về mặt cảm xúc. Các em cũng phát ngán với những bài kiểm tra ở lớp.
Tháng 12/2022, trước khi nghỉ lễ Giáng sinh, bà Crespo cho học sinh làm một khảo sát để hiểu rõ hơn về sức khỏe tinh thần của các em. Trong đơn khảo sát, cô giáo hỏi các học sinh lớp 5 rằng điều gì các em thấy thú vị và khó khăn khi kỳ nghỉ đến. 6 học sinh bày tỏ các em nhớ những người thân đã khuất.
Cuối ngày hôm đó, cô giáo đã tâm sự với một học sinh ngỗ nghịch trong lớp khi em ngồi lặng lẽ trong góc phòng học. Trong lúc trò chuyện, nam sinh này tiết lộ cha mẹ em mất khi em còn nhỏ, ngày lễ khiến nỗi mất mát của em trở nên ám ảnh hơn.
Cùng ngày hôm đó, khi đang dạy học, một học sinh tâm sự với bà Crespo rằng em đã mất 5 người thân vì Covid-19. Nữ sinh không chỉ kể về đại dịch, em còn nói về những trận bạo lực đã chứng kiến khi ở Honduras trước khi chuyển đến Los Angeles.
Nam sinh ngỗ nghịch được bà Crespo đưa đến lớp học của O'Brien, một nhân viên công tác xã hội. Tại đây, trẻ có thể làm những tấm bảng in để tưởng nhớ người thân đã khuất.
Bà O’Brien cho biết bà nhận thấy trẻ rất dễ tổn thương trước những tác nhân của đại dịch. Ví dụ, một giáo viên nói về chiếc bánh mì kẹp thịt, trẻ cũng có thể bật khóc vì các em nhớ đến một người thân yêu đã từng nấu món ăn đó cho em ăn.
Về phần nữ sinh mất 5 người thân và các học sinh khác trong lớp, bà Crespo quyết định sẽ để tâm nhiều hơn đến những nỗi đau mà các em đã phải trải qua, đồng thời tự chữa lành những nỗi đau bản thân bà đã gặp phải vì Covid-19.
Bà Crespo kiệt sức vì căng thẳng và đau buồn tích tụ quá nhiều, bà đau buồn cho bản thân và cho học sinh của mình. Vì thế, cô giáo quyết định sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo tất cả học sinh đều được nhận những điều các em cần và được đối xử công bằng.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.