Trẻ em liều mạng làm thử thách để câu like, câu view trên mạng. Ảnh: The Independent. |
Xuất hiện trên các trang mạng xã hội như TikTok, YouTube từ nhiều năm qua, những thử thách độc hại khiến trẻ cuốn vào vòng xoáy của những trò bạo lực hoặc tự làm đau bản thân.
Bất chấp nguy hại, những lỗ hổng trong khâu kiểm duyệt và thuật toán vẫn khiến các video tham gia loạt thử thách này vẫn xuất hiện tràn lan trên TikTok và YouTube Kids - nền tảng dành riêng cho trẻ dưới 12 tuổi.
Dưới đây là một số thử thách từng "bành trướng" trên mạng và khiến cha mẹ khốn đốn khi con mình tham gia và gặp nạn.
Nhập viện vì Dragon’s Breath Challenge
Tháng 1/2023, Indonesia đưa ra cảnh báo về Dragon’s Breath Challenge sau khi hơn 20 trẻ em nhập viện trong tình trạng bỏng da, đau bụng và ngộ độc thực phẩm do ăn một loại kẹo có tên là "hơi thở của rồng", theo CNN.
Kẹo "hơi thở của rồng" có thể gây bỏng hoặc ngộ độc. Ảnh: Latestly. |
Kẹo "hơi thở của rồng" là loại kẹo được nhúng vào nitơ lỏng để tạo hiệu ứng khói khi ăn. Trên TikTok, không khó để người xem bắt gặp hàng chục clip ghi lại cảnh những đứa trẻ ăn kẹo "hơi thở của rồng" rồi vui vẻ nhả khói ra từ miệng, mũi và tai. Một đứa trẻ mới biết đi cũng được cho ăn loại kẹo này để đăng video lên mạng.
Nitơ lỏng không màu, không mùi, được sử dụng phổ biến trong chế biến thực phẩm, các đầu bếp nhà hàng thường sử dụng sản phẩm này để tạo hiệu ứng bắt mắt cho các món ăn. Tuy nhiên, khi không được sử dụng đúng cách, nitơ lỏng có thể gây nguy hiểm khi ăn hoặc gây khó thở nghiêm trọng nếu hít phải trong thời gian dài.
Sau vụ 20 trẻ nhập viện, Bộ Y tế Indonesia đã yêu cầu các cơ quan y tế địa phương giám sát việc sử dụng nitơ lỏng tại các nhà hàng, đồng thời khuyên những người bán hàng rong không bán những sản phẩm chứa nitơ lỏng. Bộ cũng nhắc nhở các nhà trường phải giáo dục trẻ về sự nguy hiểm khi ăn kẹo "hơi thở của rồng".
Blackout Challenge khiến 20 đứa trẻ tử vong trong 18 tháng
Blackout Challenge là một thử thách được lan truyền rộng rãi trên TikTok vào năm 2021. Khi tham gia thử thách này, người chơi phải tự làm mình ngạt thở tạm thời bằng các dụng cụ như khăn, dây thừng... và quay clip cho đến khi tỉnh lại.
Trước khi xuất hiện vào năm 2021, Blackout Challenge từng xuất hiện từ năm 1995 với tên gọi khác là Choking Game hoặc Pass-Out Challenge.
Một báo cáo do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ công bố năm 2008 cho thấy từ năm 1995 đến 2007, khoảng 82 trẻ 6-19 tuổi đã tử vong vì tham gia thử thách này. Những vụ tử vong trải dài trên khắp 31 tiểu bang tại Mỹ.
Khi trở lại với cái tên mới, Blackout Challenge tiếp tục khiến nhiều đứa trẻ bỏ mạng khi tham gia thử thách. Tháng 11/2022, Bloomberg Businessweek công bố dữ liệu thống kê từ các bản tin, hồ sơ tòa án và các cuộc phỏng vấn với gia đình nạn nhân.
Kết quả cho thấy chỉ trong 18 tháng, ít nhất 15 đứa trẻ dưới 12 tuổi và ít nhất 5 đứa trẻ 13, 14 tuổi đã tử vong vì thử thách chết chóc này.
Liều mạng ngậm bột giặt để tham gia Tide Pod Challenge
Tide Pod Challenge là thử thách ăn viên bột giặt bắt nguồn từ tháng 6/2014 tại Mỹ. Nhưng đến đầu năm 2018, trào lưu này mới bắt đầu rộ lên sau một video trên YouTube. Khi tham gia thử thách, người chơi phải ngậm viên bột giặt trong miệng 1-2 phút.
Trẻ em ngậm viên bột giặt để quay clip đăng lên mạng. Ảnh: Flickr. |
Hàng loạt thanh, thiếu niên ở Mỹ đã rủ nhau tham gia trào lưu này để quay video đăng lên mạng. Nhưng phần lớn người tham gia thử thách không thể ngậm viên bột giặt quá 10 giây vì quá khó chịu.
Không dừng lại ở việc ngậm bột giặt trong miệng, một thiếu niên còn tự chế món pizza viên bột giặt rồi tự hào đăng lên mạng khoe.
Theo CBS News, viên bột giặt chứa ethanol, hydro peroxide và polyme - đều là những thành phần được dùng trong sản xuất chất tẩy rửa và có độc tính cao, gây tiêu chảy, khó thở, nôn mửa.
Các nhà sản xuất từng lo ngại về việc trẻ nuốt nhầm viên bột giặt, nhưng giờ đây các em lại cố tình ngậm trong miệng chỉ để đăng lên mạng câu like, câu view.
FDA phải phát cảnh báo khẩn vì Benadryl Challenge
Benadryl Challenge là thử thách xuất hiện trên TikTok vào năm 2020. Thử thách này khuyến khích người chơi uống nhiều viên Benadryl để gây ảo giác hoặc khiến trạng thái tinh thần bị thay đổi.
Benadryl, hay còn được gọi là diphenhydramine, là loại thuốc kháng histamine được sử dụng để điều trị dị ứng, giảm các triệu chứng cảm lạnh, giảm ngứa do côn trùng cắn, mề đay hoặc phát ban.
Ngành y tế khuyến cáo trẻ 6-12 tuổi chỉ nên uống một viên Benadryl sau mỗi 4-6 giờ và người lớn không nên uống quá 2 viên sau mỗi 4-6 giờ. Tuy nhiên, Benadryl Challenge lại khuyến khích người chơi uống 12 viên một lần.
Benadryl có tác dụng phụ là buồn ngủ nếu uống đúng liều. Khi uống quá liều, loại thuốc này có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao, tim đập nhanh, lú lẫn, ảo giác, buồn nôn, chóng mặt và dễ té ngã.
Tháng 9/2020, FDA đã phải đưa ra cảnh báo về việc sử dụng Benadryl sau khi một nữ sinh 15 tuổi tử vong sau khi tham gia Benadryl Challenge. Nguyên nhân cái chết của nữ sinh này được xác định là dùng thuốc quá liều, theo Forbes.
Ngoài cái chết của nữ sinh 15 tuổi, Bệnh viện Nhi Cook ở bang Texas cũng báo cáo 3 thanh, thiếu niên đã phải nhập viện sau khi tham gia thử thách. Các em đã uống khoảng 14 viên Benadryl để quay video và đăng lên mạng.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.