- Là chuyên gia về y tế cộng đồng có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực y tế từ quản lý, vận động chính sách tới nghiên cứu, ông thấy vấn đề thu nhập của bác sĩ hiện nay thế nào?
- Lương của bác sĩ theo bậc lương của nhà nước, theo hệ số mà Bộ Nội vụ quy định, giống lương của giáo viên, của kỹ sư
Ngày xưa trước những năm 2000, thu nhập của bác sĩ rất khó khăn mà công việc lại vất vả. Vợ tôi từng công tác tại bệnh viện Nhi trung ương nên tôi biết. Lương và thu nhập từ phụ cấp thấp không đủ sống. Lại chịu áp lực bệnh án và các vấn đề khác của khối lâm sàng nên vợ tôi phải xin rút về trường Đại học Y chỉ tham gia giảng dạy.
Những năm 70-80 của thế kỷ trước bác sĩ nghèo. Nhưng bây giờ bác sĩ đã giàu. Rất nhiều bác sĩ ở giới trung lưu và thượng lưu.
Nói về thu nhập của bác sĩ thì nó có sự phân chia rõ rệt. Phân hóa theo tuyến Trung ương - Bệnh viện Tỉnh, Bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện - xã. Theo thành thị và nông thôn.
Tiến sĩ Trần Tuấn. |
- Theo ông đánh giá về mặt bằng xã hội hiện nay thu nhập của bác sĩ có thấp không?
- Đánh giá mặt bằng thu nhập của bác sĩ không thấp. Tuy nhiên thu nhập trong giới bác sĩ thì có sự phân chia như tôi đã nói ở trên.
Tôi biết có những bác sĩ học cùng thế hệ với tôi những năm cuối 70 – đầu 80 của thế kỷ trước bây giờ họ rất giàu, thậm chí có người thu nhập 1 tỷ đồng 1 tháng là bình thường.
Tôi cứ ví dụ như thế này để các bạn dễ hình dung. Một bác sĩ nội khoa hoặc bác sĩ nhi chẳng hạn. Ban ngày họ làm ở cơ quan đến 4h 30 hết giờ hành chính họ về khám ở nhà. Mỗi ngày từ 20-40 cháu, khám rất nhanh từ 2- 3 phút/cháu. Như vậy mỗi buổi có phòng khám riêng họ đã có thu nhập ít nhất được khoảng 5 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản thu nhập khác hữu hình mà ai cũng biết đó là khoản từ hoa hồng của các hãng dược nếu có, từ bệnh nhân cảm ơn nếu có.
- Thu nhập của bác sĩ hiện nay như ông nói bị phân tuyến và có chênh lệch rất rõ, ông có thể phân tích cụ thể hơn được không?
- Phân tuyến rất rõ thể hiện ở các tuyến trung ương và tuyến địa phương. Tuy nhiên, sự phân tuyến còn ngay cả trong một bệnh viện.
Ví dụ, bác sĩ ngoại khoa, bác sĩ nội, bác sĩ sản và nhi sang hướng khác họ có thể khám thêm, phẫu thuật thêm ngoài giờ. Có những bác sĩ ngoại khoa họ chạy “show” rất đắt và thu nhập đương nhiên sẽ khủng.
Bác sĩ da liễu, bác sĩ răng hàm mặt cũng thế. Họ chỉ khám vài phút là ra bệnh và kê đơn luôn.
Nhưng bác sĩ có thu nhập thấp trong cùng bệnh viện như bác sĩ khoa sức khoẻ tâm thần, sức khoẻ tâm trí. Để chẩn đoán được 1 bệnh họ mất rất nhiều thời gian. Có những bệnh nhân phải khám cả buổi mới tìm ra bệnh nhưng họ không thể thu tiền cao hơn các bác sĩ kia được. Đó là sự phân giới rất rõ.
- Từng học Đại học Y Hà Nội và thêm 3 năm bác sĩ nội trú, ông có thể chia sẻ vì sao không chọn làm trong khối lâm sàng hay giảng dạy mà ông rẽ sang hướng hoàn toàn khác?
- Tôi học ĐH Y Hà Nội từ năm 1977 và đến năm 1986 mới học xong. Từ khi trong trường tôi đã có suy nghĩ rất mở và khi học xong tôi tìm học bổng ra nước ngoài học tiếp. Tôi không hợp với cơ chế bệnh viện trong nước nên khi quay về nước tôi không vào bệnh viện hay trường làm mà làm việc khác.
Vợ tôi cũng là bác sĩ nhi khoa, từng công tác tại BV Nhi trung ương, tôi thấy rõ những bất cập ở các đơn vị sự nghiệp công lập và vợ tôi cũng xin nghỉ khỏi bệnh viện sang trường làm giảng dậy. Nhưng thời điểm đó đúng là bác sĩ nghèo. Họ chỉ giàu khoảng 15 năm nay thôi.
- So với bạn bè cùng thời sinh viên, có người thu nhập cả tỷ đồng 1 tháng như ông chia sẻ, có khi nào ông thấy tiếc nuối không?
- Tôi không, tôi thích công việc của mình làm. Tôi tham gia nghiên cứu và nhìn nhận mọi việc dưới góc độ khoa học. Nói về giàu nghèo trong công việc, tôi thấy mình cũng ở mức đủ ăn, đủ đáp ứng những việc mình cần. Nhưng tôi là người giản dị và tôi không thích cầu cạnh. Có lẽ vì thế, tôi chỉ làm độc lập được thôi.