Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có những người Tết này chẳng thể đoàn viên

Thấy bạn bè đăng hình du xuân cùng gia đình, Thanh nghẹn ngào nhớ về mẹ và nước mắt lăn trên má lúc nào không hay. Năm nay, chị lại đón cái Tết nơi xứ người.

Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, sum họp bên nhau sau một năm làm lụng vất vả với niềm vui và nỗi buồn, cùng nhau ôn lại những câu chuyện cũ và những dự định trong tương lai. Nhưng ở đâu đó vẫn có những người phụ nữ phải ăn cái Tết xa.

Lại thêm một cái Tết xa nhà

Tết xa nhà luôn khiến ta cảm thấy thiếu đi một điều gì đó thiêng liêng, đặc biệt, để rồi phải hồi tưởng lại những kỷ niệm về một cái Tết xa xưa bên gia đình thân yêu của mình và Bé Mắm cũng vậy.

“Mình lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió, xa quê hơn 10 năm rồi. Năm nay mình không về quê ăn Tết cùng gia đình như mọi năm”, chị chia sẻ trong bài viết về "Tết của con gái".

Chị nhớ mỗi lần Tết đến đều chuẩn bị hành lý về quê và thích nhất cảm giác sắp được gặp lũ cháu. Chiều 28 Tết, chuyến xe đêm đông đúc, ồ ạt, sáng 29 tới nhà chị xắn tay vào dọn dẹp rồi trang trí lại mọi thứ trên ban thờ, đi chợ cùng chị dâu. Chiều lại cùng lũ cháu rửa lá dong để gói bánh chưng. Anh trai chị gói bánh chưng đẹp nên năm nào hàng xóm cũng mang đồ gói bánh qua nhờ gói giúp.

Thế nhưng Tết năm nay Bé Mắm ở Sài Gòn nên không về quê phụ giúp bố mẹ dọn nhà cửa đón Tết, thay vào đó là dọn nhà cho gia đình chị gái, đi chơi xuân cùng bạn bè, chụp những tấm hình đẹp để lưu lại khoảnh khắc khi còn thanh xuân.

an Tet xa gia dinh. anh 1
Bé Mắm cùng chị gái chơi Tết.

Cũng đón cái Tết xa nhà, nhưng với Yến Lê, Tết xa gia đình khiến cô cảm thấy lạc lõng giữa nơi đất khách. Cô thèm lắm hơi ấm gia đình, thèm lắm những bữa cơm quây quần đông vui. Nhìn phố xá ngày xuân đông vui rộn rã, lòng cô lại da diết nỗi nhớ nhà.

“Con nhớ lắm những mùa Tết nơi tưng bừng xóm nhỏ, dẫu giản đơn mà sao thấy ấm lòng. Con nhớ lắm chợ Tết quê mình ngập tràn màu sắc, hoa thơm quả ngọt chốn thôn quê. Con nhớ lắm những vườn cúc vàng trải dài mỗi độ xuân về. Rồi sớm mai thức dậy có tiếng chim reo ca, đào mai tươi thắm”, cô viết trong cuộc thi Tết với con gái.

Cô muốn trở về bên mẹ nhìn nụ cười ấm áp, về bên cha ngồi nghe những câu chuyện xa xưa, cùng cha gói bánh chưng, cùng mẹ làm món mứt ngọt thơm, xếp mâm ngũ quả để đêm 30 Tết đón giao thừa bên nhau. Chỉ thế là thấy hạnh phúc rồi.

Ăn Tết buồn nơi xứ người

Đối với người xa xứ, Tết đến không còn gì hạnh phúc hơn là được trở về quê hương của mình, nơi có thể chỉ là túp lều tranh cũ kỹ, những cánh đồng lúa xanh bạt ngàn nhưng hơn tất cả nơi đó có gia đình thân yêu của mình, với những kỷ niệm khó có thể quên.

“Đêm nay là mùng 1 Tết, tôi đang ngồi trong một góc nào đó dưới trời Âu và nhớ về căn nhà nhỏ nơi quê Việt, ở đó có mẹ cùng những ký ức đậm đà vị Tết mà không bao giờ tôi quên được”, Nguyễn Thị Thanh viết.

Là du học sinh, chị buồn khi Tết này chẳng thể về quê ăn Tết cùng mẹ, mà chỉ có thể ăn Tết với mẹ qua những ký ức.

“Ký ức về Tết trong tôi có lẽ được in sâu bắt đầu từ những năm 2000 - thời khắc giao thoa giữa 2 thế kỷ, lúc ấy tôi đang là 'sinh viên' mẫu giáo. Bố tôi bị tật ở chân nên không thể đi lại bình thường như bao người khác. Ngày Tết, bố vẫn ngồi nhà bán quán, có khách thì được đồng ra, đồng vào; không thì vẫn mở quán để có ai đến chúc Tết thì mời họ ngồi uống chén nước, cắn hạt dưa, coi như đó là “phòng khách” luôn”, chị bồi hồi nhớ lại.

Năm chị 18 tuổi, căn bệnh ác tính đã cướp đi người bố, vì vậy cái Tết năm ấy với cả hai mẹ con chị là nỗi buồn khó vơi. Thời gian trôi đi, Thanh du học nên khó sắp xếp thời gian về ăn Tết cùng mẹ. Nơi xứ người, dù vẫn có bạn bè đông vui nhưng lòng chị chẳng khi nào bớt nhớ gia đình, quê hương của mình.

“Sáng nay lên Facebook, thấy bạn bè đăng hình du xuân cùng gia đình mà tôi nghẹn ngào, nước mắt cũng chực tuôn ra. Nghĩ lại suốt những năm tháng qua, hai mẹ con chưa bao giờ được làm những điều như vậy… Những suy nghĩ ấy cứ liên tục chạy trong đầu tôi, khiến 2 hàng nước mắt lăn trên má lúc nào không hay”, chị Thanh bày tỏ.

an Tet xa gia dinh. anh 2
Con gái xa nhà chỉ muốn  được về đón Tết cùng gia đình, ăn món ngon mẹ nấu.

Con người ta, ai đi xa dù nơi nào cũng luôn muốn được trở về nhà để sum họp gia đình. Nhưng những điều đó dường như xa xỉ với độc giả Cuộc Sống Việt Nhật.

“Mẹ ơi, một mùa xuân nữa lại đến, cũng lại một mùa xuân nữa con không được ở cạnh mẹ. Bây giờ thì con đã hiểu vì sao ngày tiễn con đi lấy chồng xa mẹ lại khóc nhiều đến thế. Ngăn sông cách trở không phải muốn là có thể về đoàn viên được mẹ nhỉ?”, cô chia sẻ trong cuộc thi Tết với con gái.

Tết đến cô chỉ mong có thể trở về quê cùng bố đón giao thừa, cùng mẹ đi mua sắm ngày Tết, được trêu đùa với anh trai sau bao ngày xa cách. Nhưng làm dâu bên xứ Nhật khiến cái ước muốn đó của cô trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Tết xa nhà với mỗi người đôi khi chỉ là những tâm sự, kỷ niệm về gia đình trong ngày Tết nhưng chính những điều đó lại giúp họ có thêm động lực cố gắng để năm sau có thể được về quê ăn Tết cùng những người thân yêu.

Hiện, cuộc thi Tết với con gái do Zing.vn tổ chức và nhãn hàng Diana tài trợ đã nhận được gần 400 bài dự thi của độc giả trên cả nước. Mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện gửi về đều đem đến một "cái Tết rất riêng" của con gái.

Từ 29/1 đến 1/3, hãy chia sẻ câu chuyện của mình cùng Tết với con gái để có cơ hội dành được các giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.

Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên Zing.vn vào ngày 8/3. Độc giả truy cập tại đây và làm theo hướng dẫn để gửi bài dự thi.

'Ngày bé thích Tết bao nhiêu, lấy chồng sợ Tết bấy nhiêu'

Với nhiều phụ nữ, Tết là thời gian bận rộn nhất với cả núi việc nhà, muốn dành thời gian ngắm pháo hoa hay nghỉ ngơi, tận hưởng không khí Tết cũng là điều không hề dễ dàng.

Lê Huyền

Bạn có thể quan tâm