Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cô ơi, đừng bỏ chúng em

Đó là lời khẩn cầu của tập thể lớp 12/9, trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) gửi cô giáo chủ nhiệm Phạm Hoài Thương.

Hay tin cô Hoài Thương (giáo viên dạy môn ngoại ngữ) sẽ không làm chủ nhiệm nữa, các thành viên lớp đều cảm thấy buồn và tiếc nuối. Tâm trạng ấy được các bạn chia sẻ trên trang cá nhân của mình.

Tâm thư

Bạn Trần Văn Lân gửi một bức tâm thư vô cùng xúc động trên trang cá nhân của cô Hoài Thương: “Cô muốn tụi em sống sao đây trong những ngày tháng còn lại mà không có cô bên cạnh. Và ai là nguồn cảm hứng để tụi em tiếp tục học đây? Em sợ điều đó sẽ xảy ra lắm. Em sợ kỷ niệm ngày hôm qua là những khoảnh khắc cuối cùng của cô và trò mình... Thật sự mà nói thì bản thân em mến cô rất nhiều.

Vì vậy em xin cô suy nghĩ lại và thương giùm lớp 12/9 đi. Tội tụi em lắm cô. Không lẽ cô không thương lớp mà nỡ lòng nào bỏ tụi em mà đi. Vì cô chính là cô chủ nhiệm tên Thương cũng dễ thương nữa, người nhỏ bé, trái tim ngoan hiền, đến bên lớp em dịu dàng, đồng thời cũng chính là “gấu mẹ” tuyệt vời của lớp12/9. Suy nghĩ lại giùm nghe cô”.

Cô Hoài Thương (áo đen) và tập thể lớp 12/9.
Cô Hoài Thương (áo đen) và tập thể lớp 12/9.

Một bạn khác có nickname Cậu Út tâm sự: “Em và cả lớp sẽ xin thầy hiệu trưởng. Lớp sẽ cố gắng thay đổi tiến bộ trong vòng một tháng, nếu không được hãy chuyển cô nha. Lúc cô nói cô không chủ nhiệm nữa em cảm thấy xuống tinh thần lắm cô, hứng thú học tập cũng đi mô mất”.

Nói là làm, lớp gửi đơn xin thầy hiệu trưởng cho cô Hoài Thương tiếp tục chủ nhiệm. Chưa dừng lại, ban cán sự và nhiều bạn trong lớp còn lên phòng thầy hiệu trưởng xin xỏ và... khóc để thầy thương, đồng thời cam kết lớp sẽ tiến bộ nếu thầy đồng ý không đổi giáo viên chủ nhiệm.

Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh cũng gọi điện năn nỉ cô đừng bỏ lớp. “Tiếp xúc với cô Hoài Thương trong cuộc họp cha mẹ học sinh và những gì con kể, tôi vô cùng ấn tượng và mong muốn cô tiếp tục làm chủ nhiệm” - bà Lan Phương, một phụ huynh lớp 12/9, bày tỏ.

Thương học trò, quý mến sự tin cậy của phụ huynh, cô Hoài Thương lên gặp thầy hiệu trưởng xin tiếp tục chủ nhiệm. Thầy hiệu trưởng vui vẻ đồng ý vì “quá xúc động trước tình cảm cô trò dành cho nhau”.

Từ trái tim đến trái tim

“Khi có giáo viên mới về trường hoặc có người nghỉ sinh, chúng tôi có sự thay đổi giáo viên chủ nhiệm nhằm cân đối số tiết. Việc này là bình thường. Giáo viên, học sinh cũng đón nhận bình thường. Trường hợp cô Hoài Thương học sinh khẩn cầu tha thiết như vậy do cô Hoài Thương là một giáo viên có tâm, hết lòng thương yêu học sinh” - thầy hiệu trưởng Trần Đạt chia sẻ.

Thầy Đạt cho biết thêm tổng kết thực hiện chỉ thị 24 - CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố, cô Hoài Thương được tặng bằng khen nhờ thành tích nhiều năm liền trong công tác chủ nhiệm không có học sinh bỏ học, cảm hóa thành công nhiều học sinh cá biệt.

“Cô Thương rất thương học trò, cô nghiêm khắc nhưng cũng rất nhẹ nhàng tình cảm, gần gũi, quan tâm học sinh” - bạn Huỳnh Trọng Nhân nói về cô chủ nhiệm của mình.

Không chỉ quan tâm, thương yêu học sinh, cô Hoài Thương còn dành tình cảm đó cho các em nhỏ đau ốm, bệnh tật ở Bệnh viện Phụ sản - nhi (Đà Nẵng). Cô là thành viên tích cực của nhóm Nhà từ thiện Mẹ và bé Đà Nẵng.

Chủ nhật nào cô cũng có mặt chăm sóc, trao quà cho các mẹ và bé có hoàn cảnh khó khăn. Trong những ngày chuẩn bị cho Tết Ất Mùi này, cô Thương cùng các mẹ trong nhóm đang tích cực vận động chương trình Xuân ấm vòng tay, trao 120 suất quà, (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) cho trẻ em nghèo ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang và các hộ nghèo trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Cô Thương cho biết hiện đã vận động được 30 triệu đồng và nhiều phần quà bằng hiện vật.

Khi chúng tôi hỏi bí quyết nào để được học trò yêu quý như vậy, cô Thương chỉ cười và trả lời đơn giản: “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ đến trái tim”. Trò chuyện với cô, với đồng nghiệp, học trò chúng tôi cảm nhận đó là một trái tim thương yêu học trò như con, một trái tim thiện nguyện vì cộng đồng.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/cau-chuyen-giao-duc/20150130/co-oi-dung-bo-chung-em/705390.html

Theo Phạm Được/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm