Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên từ 28/3, nhiều địa phương yêu cầu tạm dừng hoạt động các rạp chiếu phim, quán bar, quán game, cơ sở karaoke, vũ trường, các khu di tích lịch sử và nhà hàng.
Ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 16 yêu cầu cách ly xã hội trong vòng 15 ngày. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ và trung tâm thương mại buộc phải đóng cửa dẫn tới không có doanh thu.
Vấn đề đặt ra trong tình huống này là dịch bệnh Covid-19 có được xem là trường hợp bất khả kháng hay không? Nếu có thì người thuê mặt bằng có phải trả tiền trong thời gian tạm đóng cửa?
Một cửa hàng tạm dừng bán do dịch bệnh. Ảnh: Ngọc Hiền. |
Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, giải thích theo khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự thì một số sự kiện có thể được ghi nhận là bất khả kháng như: Chiến tranh, động đất, núi lửa, lũ lụt, đảo chính, dịch bệnh.
Theo luật sư, Covid-19 là đại dịch toàn cầu có mức độ đặc biệt nghiêm trọng, hiện chưa có vaccine chữa trị. Còn lệnh tạm ngừng hoạt động là biện pháp cần thiết để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, có thể xem Covid-19 và lệnh tạm ngừng hoạt động là sự kiện bất khả kháng.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào cho phép chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không phải trả phí thuê địa điểm do sự kiện bất khả kháng.
"Luật pháp quy định như vậy nhưng xét hoàn cảnh chung do dịch bệnh gây ra, bên đi thuê có thể thỏa thuận với chủ mặt bằng để miễn, giảm chi phí", luật sư nhấn mạnh.
Ông chia sẻ rằng trong điều kiện, hoàn cảnh chung do dịch Covid-19 gây ra, các bên cần dựa thêm vào chữ "tình người" để giải quyết khó khăn, không nhất thiết phải căn cứ yếu tố pháp lý đã ký khi thuê mặt bằng.
Có cùng quan điểm trên, luật sư Trần Tuấn Anh đánh giá dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng và đời sống người dân mà còn tác động rất lớn đến nền kinh tế.
Sau Chỉ thị số 16 và quyết định giãn cách toàn xã hội để ứng phó với dịch, nhiều đơn vị kinh doanh không thuộc danh mục hàng hóa thiết yếu bị ảnh hưởng nặng nề do phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến không có doanh thu.
Luật sư phân tích trên thực tế, hợp đồng thuê mặt bằng có nêu việc miễn, giảm tiền trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh, nhưng nếu 2 bên không đạt thỏa thuận dân sự thì khó thực hiện.
Pháp luật hiện hành định nghĩa “sự kiện bất khả kháng” chưa cụ thể và rõ ràng nên các doanh nghiệp có quyền thỏa thuận về trường hợp bất khả kháng.
Trong dịch Covid-19, nếu bên đi thuê và chủ mặt bằng cùng đồng ý coi đó là sự kiện bất khả kháng và ghi rõ điều này trong hợp đồng, thì bên thuê sẽ được miễn giảm tiền trong thời gian tạm dừng hoạt động.
Lúc đó, chủ nhà có thể miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ tiền thuê nhà, thuê mặt bằng theo các điều khoản cụ thể mà hợp đồng quy định theo Bộ luật Dân sự.
Như vậy, do là thỏa thuận dân sự nên việc miễn giảm một phần hoặc toàn bộ tiền thuê nhà, thuê mặt bằng đều dựa trên ý chí chủ quan của các bên. Người có quyền chủ động miễn giảm là người cho thuê, còn bên đi thuê phải đưa ra đề xuất.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết tính đến sáng 9/4, Việt Nam ghi nhận 251 trường hợp mắc Covid-19 (156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 95 người lây nhiễm thứ phát).
Hiện, hơn 50% bệnh nhân Covid-19 đã khỏi (126 người). 125 người đang được điều trị, nhiều người có sức khỏe tốt. Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 77.298.