Cô 'phù thủy' 8X của ngôn ngữ khiếm thính
Thanh Hoa đã xây dựng một trung tâm ngôn ngữ dành cho người khuyết tật, mở rộng cánh cửa cho những người khiếm thính tự tin bước vào cuộc sống.
Mới gặp mặt, ít ai nghĩ rằng, cô gái trẻ 8X Lê Thanh Hoa lại đang "sở hữu" một trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính. Tuy nhiên, bên trong cô gái nhỏ nhắn ấy có một ngọn lửa đam mê cháy bỏng, bởi trong khi những người trẻ khác mới "rục rịch" để bắt đầu cuộc sống thì Thanh Hoa đã "bứt phá" để tạo nên những lớp học ngôn ngữ khiếm thính ý nghĩa, giúp đỡ cộng đồng.
Giả làm người khiếm thính... để mua xăng
Là một cô gái Hà Nội gốc, nhưng Lê Thanh Hoa (sinh năm 1988) lại không dựa dẫm vào gia đình mà ngay từ khi còn là sinh viên khoa Kế toán (ĐH Kinh tế Quốc dân), cô đã năng nổ tham gia công tác xã hội và các chương trình tình nguyện do khoa, trường tổ chức. Trong những lần được trải nghiệm, gặp gỡ nhiều người, Thanh Hoa nhận ra rằng, mình cần phải tích cực tham gia công tác xã hội để giúp nhiều người thiệt thòi hơn nữa.
Thanh Hoa và học viên khiếm thính trong ngày khai giảng lớp. |
Vào năm cuối của đại học, Thanh Hoa tình cờ biết được lớp học dạy ngôn ngữ khiếm thính - một dự án phi chính phủ của Thụy Điển tổ chức. Cũng từ đó, Hoa mới bắt đầu biết đến khái niệm "ngôn ngữ riêng cho người khiếm thính", "ngôn ngữ bằng cử chỉ" hay "nói chuyện, hát bằng tay"... Tháng 7/2009, Thanh Hoa cầm tấm bằng cử nhân chuyên ngành kế toán trong tay, nhưng không đi làm công việc chuyên môn ngay mà vẫn tham gia hoạt động tình nguyện dành cho người khuyết tật.
Thanh Hoa cho biết, cô thực sự suy nghĩ nghiêm túc về sự nghiệp tương lai của mình trong một lần đi mua xăng. Do muốn biết những người khuyết tật bị đối xử thế nào nên cô đã "đóng giả" làm người khiếm thính tại trạm xăng. Và ngay giữa chốn đông người ấy, Thanh Hoa bị đối xử với thái độ không được tôn trọng, điều này làm cô rất buồn. Cô hiểu được rằng, rào cản về ngôn ngữ rất quan trọng. Chính sự giao tiếp khó khăn ấy đã làm cho nhiều người khiếm thính mất sự tự tin và họ sẽ thu mình vào như "con ốc", không tìm được tiếng nói chung trong giao tiếp hàng ngày.
Năm 2010, khi tham gia câu lạc bộ Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, Thanh Hoa đã tích lũy được cho mình những kinh nghiệm quý báu. Trong một lần câu lạc bộ tổ chức buổi giao lưu nhân dịp sinh nhật lần thứ ba mà chưa tìm được người dẫn chương trình, với một số kinh nghiệm nho nhỏ, Thanh Hoa đã hăng hái xung phong làm MC. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất với Hoa là phải "giao tiếp" được với người khiếm thính để họ hiểu được không khí và tích cực tham gia buổi lễ, sau ba ngày miệt mài tập luyện với thầy giáo người nước ngoài bằng ngôn ngữ "cử chỉ" dành cho người khiếm thính, Thanh Hoa đã "làm tròn" vai của mình khi kéo được những thành viên trong lớp học hòa vào không khí của buổi lễ mừng sinh nhật.
Thanh Hoa tâm sự: "Sau tất cả những kỷ niệm ấy, tôi hiểu ra rằng, sự tự tin trong giao tiếp là điều quan trọng nhất giúp những người khiếm thính hòa nhập với cuộc sống. Ban đầu, khi mới bước chân vào nghề, nhiều người cho rằng tôi "tinh vi" khi có bằng cấp đàng hoàng mà lại đi chọn nghề "kỳ quặc" này để làm. Nhưng tôi cho rằng, mỗi người có một lựa chọn riêng, không ai giống ai cả. Tôi chỉ muốn chia sẻ một điều, đó là dù lựa chọn của bạn đúng hay sai nhưng nếu bạn tin vào bản thân ngay từ đầu thì hãy cố gắng làm tốt ngay từ đầu".
Chính triết lý sống giản dị ấy đã khiến Thanh Hoa gắn bó với nghề "Ngôn ngữ ký hiệu cho người khiếm thính" đã bốn năm. Nhiều bạn bè đồng nghiệp còn gọi Thanh Hoa bằng cái tên "phù thủy" của ngôn ngữ ký hiệu. Đầu năm 2010, khi đang giữ vị trí Phó chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, Thanh Hoa quyết định bàn với mọi người thử nghiệm mở một số lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu trên địa bàn thủ đô. Khoảng thời gian nửa năm đầu vô cùng khó khăn, không có bất kỳ nguồn tài trợ nào, Thanh Hoa đã phải tự bỏ tiền cá nhân ra lo mọi khoản (thuê cơ sở dạy học, thầy giáo, giới thiệu lớp học với cộng đồng...).
Sau bao nhiêu cố gắng, lòng tin và sự kiên trì của Thanh Hoa cũng được đền đáp xứng đáng. Từ 4 đến 5 học viên trong những ngày đầu, dần dần người nọ truyền tai người kia về lớp học "ngôn ngữ không lời", hiện đã có rất nhiều người, cả những người khiếm thính và những người bình thường, ở mọi lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau... tìm đến theo học. Vì thế, dự án của Thanh Hoa mới có "duyên" để phát triển.
Thanh Hoa (áo trắng) cùng các cộng sự trong trung tâm ngôn ngữ khiếm thính. |
Bỏ học bổng đi Nhật để... làm dự án
Những học viên khiếm thính sau khi được đào tạo tại các lớp học ngôn ngữ, nhiều người giao tiếp được với người thân, bạn bè, thậm chí có thể làm việc để có thu nhập ổn định. Cũng chính hiệu quả từ những bước đầu này đã giúp Thanh Hoa mạnh dạn lên ý tưởng thành lập một trung tâm về ngôn ngữ ký hiệu. Trải qua nhiều vất vả khó khăn, cuối cùng vào giữa năm 2011, trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu Ngôn ngữ ký hiệu chính thức thành lập.
Đến nay, Thanh Hoa đã thành lập năm lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu ở Hà Nội tại phố Lý Thường Kiệt, Tô Hiệu, Khuất Duy Tiến, ĐH Sư phạm Hà Nội và khu đô thị Linh Đàm. Mỗi lớp học có khoảng 20 người, 80% trong số đó là người bình thường, muốn đi học để hiểu và hòa nhập với người khiếm thính. Toàn bộ người khuyết tật đều được đào tạo miễn phí. Còn lại, học phí cho một người bình thường là 150.000 đồng mỗi tháng.
Với vai trò là người thành lập và giám đốc điều hành của trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu, Lê Thanh Hoa và các cộng sự của mình đã xây dựng nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo, như dự án "hát bằng tay" của Thanh Hoa đã mang âm nhạc tới người khiếm thính. Đam mê ngôn ngữ ký hiệu tới nỗi Lê Thanh Hoa đã từ bỏ học bổng đi nghiên cứu sinh về phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại Nhật và không tham gia hội thảo nâng cao nhận thức và lãnh đạo cho người khuyết tật ở Thái Lan để tập trung nghiên cứu và làm dự án. Nhiều học viên khuyết tật sau khi tốt nghiệp lớp ngôn ngữ đã được Lê Thanh Hoa giữ lại làm giảng viên. Đây chính là sự tương tác quan trọng nhất mà càng ngày càng có nhiều người tìm đến trung tâm của Thanh Hoa.
Một số giảng viên của trung tâm "bật mí" thêm, Thanh Hoa cũng là người đề xuất ý tưởng kiêm dẫn chương trình phim tài liệu văn hóa, lịch sử Hà Nội dành cho người câm điếc. Bộ phim đã được in đĩa gửi tặng làm công cụ giảng dạy cho các trường chuyên biệt dành cho người câm điếc, truyền tải trên mạng. Thông qua những thước phim này, Thanh Hoa muốn giới thiệu để người khiếm thính hiểu thêm về những nét văn hóa, lịch sử tiêu biểu của đất nước mình, như thước phim về danh thắng Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng gốm Bát Tràng...
Thời khóa biểu của cô gái 8X Lê Thanh Hoa luôn chật kín với các dự án dành cho người khiếm thính, ngoài công việc ở CLB Ngôn ngữ ký hiệu Hà Nội, Giám đốc trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu, tham gia hoạt động ở chi hội Người điếc Hà Nội, Thanh Hoa còn tham gia vào chương trình "Dạy ngôn ngữ ký hiệu trên truyền hình" trên kênh VTV2... Chính những công việc này đã giúp Thanh Hoa tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống và không phải người trẻ nào cũng làm được.
Anh Trần Ngọc An (54 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Sau một thời gian học tập tại trung tâm, con gái tôi đã tiến bộ rõ rệt. Sau đó, tôi cũng đăng ký để học cách giao tiếp với con. Đây là những lớp học rất bổ ích và có ý nghĩa xã hội cao. Nhiều cháu sau khi được học ở lớp ngôn ngữ đã tự tin trong cuộc sống, giao tiếp tốt và còn được trung tâm giới thiệu tìm việc làm".
Hy vọng thêm nhiều đóng góp của "phù thuỷ" 8X
Cuối năm 2011, Lê Thanh Hoa được trao giải thưởng Doanh nhân xã hội với dự án "Thành lập trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu" do trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (tổ chức phi chính phủ của Việt Nam) trao tặng. Đây là bước ghi nhận đầu tiên cho cô gái "sống" vì cộng đồng này. Bên cạnh đó, cô còn nhận được sự hỗ trợ về vốn (7.000 USD), được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, kỹ năng truyền thông... cho trung tâm của mình. Hy vọng rằng, với sức trẻ, sự năng động và tấm lòng nhân ái của mình, "phù thủy" Lê Thanh Hoa sẽ làm được nhiều điều ý nghĩa, mang hiệu quả cao tới cộng đồng người khuyết tật. |
Theo Người Đưa Tin