Dịch virus corona tạo ra tâm lý kỳ thị khắp nơi. Từ châu Á tới châu Âu, các chính khách, chuyên gia đều nhận định tâm lý kỳ thị hay chia sẻ tin giả làm trầm trọng hơn dịch bệnh.
Từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về Việt Nam ngày 10/1, Quốc Huy (26 tuổi, quê Vĩnh Phúc) - sinh viên đại học tại thành phố được xác định là nơi bùng phát dịch virus corona mới (Covid-19) - ban đầu không gặp rắc rối gì.
Tuy nhiên, từ khi Việt Nam có ca nhiễm virus corona đầu tiên, “mọi người có ánh nhìn khác, giống như họ nghĩ rằng những người như mình là mầm bệnh, là tội đồ vậy”, Huy mô tả.
Thậm chí, có người còn hỏi Huy: “Sao không đi cách ly” hay " Sao không ở lại Vũ Hán luôn", dù trước đó anh đã tự cách ly tại nhà đủ 14 ngày quy định và không có dấu hiệu của bệnh.
“Giờ ra ngoài bảo ở Vũ Hán về thì có ai chơi cùng nữa đâu”, Huy buồn bã nói.
Không riêng Quốc Huy, nhiều du học sinh, người Việt Nam trở về từ Vũ Hán bị người xung quanh tỏ thái độ xa cách, dè chừng vì lo sợ “mang virus corona về nước”, dù họ đều trải qua thời gian ủ bệnh và không hề xuất hiện triệu chứng bất thường.
Với những người sống ở tâm dịch Trung Quốc hoặc có mặt ở đất nước này trong thời gian bùng phát dịch, thậm chí là người gốc Á trên thế giới còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, kỳ thị nặng nề hơn.
Ingrid Chang (22 tuổi, người Canada gốc Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ lên mạng xã hội đoạn video được chị gái quay tại bãi đỗ xe ở khu vực British Columbia, Canada.
Một người đàn ông mỉa mai mẹ và chị gái Chang: “Cô để rớt virus corona kìa”.
Trong lúc anh ta tỏ thái độ cười cợt, hai người cảm thấy sốc và không biết phải nói gì. Sau đó, chị gái Chang bước tới trước mặt người đàn ông và lên án hành vi này.
Anh ta bình thản nói đã đưa ra nhận xét tương tự với 10 người khác và cười nhạo như thể đó chỉ là trò đùa.
“Thật khó để biết anh ta là kẻ phân biệt chủng tộc hay không. Tôi chỉ biết rằng câu nói đó khiến tôi và gia đình khó chịu”, Chang nói.
Câu chuyện nhỏ như rất nhiều câu chuyện được người Trung Quốc ở châu Á và người châu Á trên khắp thế giới chia sẻ trong những tuần qua. Tất cả đều có điểm chung là họ bị xúc phạm, phân biệt đối xử xuất phát từ mối lo ngại không có cơ sở rằng người gốc Á liên quan đến dịch Covid-19 bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc.
Dịch bệnh đã tạo ra tâm lý kỳ thị ở khắp nơi trên thế giới. Đáng ra, sự sợ hãi chỉ nên thể hiện ở tư duy phòng bệnh, thay vì đề phòng tất cả những gì có thể liên quan tới dịch bệnh này.
Từ châu Á tới châu Âu, châu Mỹ, các chính trị gia, chuyên gia đều nhận định tâm lý kỳ thị hay chia sẻ thông tin giả làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh.
“Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin hàng ngày và hy vọng công chúng sẽ tìm đến các nguồn tin tức đáng tin cậy thay vì những gì lan truyền trên mạng xã hội”, Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad tuyên bố.
Michael Ryan - giám đốc điều hành Chương trình Khẩn cấp về Sức khỏe thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - nhấn mạnh không nên có sự kỳ thị nào liên quan đến dịch virus corona chủng mới.
“Trách nhiệm của chúng ta là đảm bảo không có sự kỳ thị nào liên quan đến căn bệnh này. Điều đó không cần thiết và không mang lại ích lợi gì”, ông Ryan nói trong một cuộc họp về dịch bệnh tại trụ sở WHO.
Tại một sân bay ở Australia, Erin Wen Ai Chew - doanh nhân 37 tuổi gốc Trung Quốc - chứng kiến cảnh một phụ nữ da trắng nhìn tất cả người châu Á đi ngang qua, đặc biệt là những ai đeo khẩu trang, như thể đang tìm kiếm dấu hiệu nhiễm virus corona.
Chew cố tình lại gần người này và ho nhẹ khiến cô ta vội vàng bỏ chạy với đôi mắt mở to kinh hoàng.
“Tôi biết mọi người sẽ chỉ nhìn vào mái tóc đen, làn da vàng của chúng tôi để phán xét. Sự tức giận, phẫn nộ và sợ hãi đổ dồn về phía chúng tôi ở nơi công cộng. Chúng tôi trở thành nạn nhân của phân biệt chủng tộc”, Chew nói.
The Verge nhận định virus thường gây ra sự hoảng loạn. Nhưng virus corona đã lan truyền một thứ khác, bên cạnh thông tin sai lệch và tin đồn vô căn cứ: sự bài ngoại và tâm lý chống Trung Quốc.
Giống như Erin Wen Ai Chew, người Trung Quốc hay gốc Á ở khắp nơi trên thế giới đều có thể đón nhận ánh nhìn không thiện cảm, thậm chí bị chửi bới, hành hung với lý do “có thể dính líu tới virus corona”.
“Tại Pháp, nạn phân biệt chủng tộc còn dễ lây lan hơn cả virus corona”. Đó là tiêu đề của tờ Courrier International khi đất nước này đang đối mặt với “dịch bệnh phân biệt chủng tộc gây ra bởi virus corona”, theo Forbes.
Chuẩn bị rời phòng tập thể dục ở Paris, một thanh niên gốc Á bị một nhóm người Pháp phân biệt đối xử. “Một người đàn ông chỉ tay về phía tôi và hét lên: ‘Virus corona tới kìa!', rồi 7-8 người trong số họ cười lớn. Điều này không vui chút nào”.
Trên mạng xã hội Pháp, những bình luận nhắm vào vào người gốc Á, đặc biệt là cộng đồng người Trung Quốc, xuất hiện nhan nhản.
“Tôi luôn để mắt tới đám người Trung Quốc đi cùng chuyến xe buýt. Nếu một trong số họ ho, tôi sẽ nhảy ngay ra khỏi cửa sổ”, một người viết.
Trong khi đó, số khác đổ lỗi cho thói quen ăn động vật hoang dã của người Trung Quốc đã khiến virus lây lan.
Trên chuyến xe công cộng trở về nhà ở Los Angeles, Mỹ, Tanny Jiraprapasuke (44 tuổi, người Mỹ gốc Thái Lan) bị một người đàn ông hét lớn vào mặt vì cho rằng bà liên quan tới virus corona.
Trong đoạn video được Jiraprapasuke ghi lại, người này chỉ trích “Trung Quốc là nguồn phát tán virus corona” và dùng lời cay nghiệt để nói về người Mỹ gốc Hoa. Là người gốc Á duy nhất trên chuyến tàu đó, Jiraprapasuke cảm thấy cô độc.
“Tôi không phải người Trung Quốc, nhưng anh ta tấn công tôi dựa vào cảm nhận từ bề ngoài”, Jiraprapasuke nói. Cộng đồng mạng cũng liên tục chia sẻ hình ảnh biển báo “cấm người Trung Quốc” ở nhà hàng, khách sạn tại Italy, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Một bản kiến nghị trực tuyến có chữ ký của phụ huynh tại một khu học chánh ở Ontario, Canada, đã yêu cầu hội đồng trường buộc các bậc cha mẹ có con hoặc thành viên gia đình mới trở về từ Trung Quốc “ở nhà tự cách ly tối thiểu 17 ngày”.
Thực tế, tư tưởng phân biệt đối xử vì virus corona không chỉ tồn tại ở phương Tây hay các quốc gia châu Á, mà còn ở chính Trung Quốc. Dịch bệnh khiến cho bất kỳ ai sinh sống, làm việc tại tâm dịch Vũ Hán, dù không mắc bệnh, cũng bị tẩy chay, theo New York Times.
Ngày 30/1, đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Weibo cho thấy gia đình 8 người của ông Khang ở huyện Liên Thủy, tỉnh Giang Tô bị một nhóm người đàn ông cùng địa phương dùng những thanh sắt to dài và đinh chặn cửa ra vào, nhốt bên trong nhà.
“Gia đình này vừa từ Vũ Hán về. Đừng tiếp xúc!” là dòng thông báo hàng xóm để lại trên bức tường bên ngoài nhà ông Khang.
Những người chặn cửa thông báo gia đình ông Khang sẽ bị cách ly trong vòng 14 ngày. Nhu yếu phẩm sau đó được họ cung cấp đến tận nhà và do gia chủ chi trả.
Chính quyền huyện Liên Thủy sau đó đã dỡ bỏ những chốt chặn cửa bên ngoài nhà ông Khang. Tuy nhiên, gia đình vẫn tự cách ly đủ 14 ngày theo yêu cầu từ phía địa phương.
Ông Khang cho hay gia đình không có ý định khởi kiện những người nhốt họ. “Họ đáng thương hơn chúng tôi vì có quá ít kiến thức về dịch bệnh và luôn sống trong sợ hãi”, ông nói.
Dịch cúm corona diễn biến phức tạp ngày càng tăng gánh nặng cho đội ngũ nhân viên y tế ở các nước có người nhiễm bệnh. Tuy nhiên, thay vì nhận được cái nhìn cảm thông, sự biết ơn cho công việc hiểm nguy, vất vả, các y tá ở Singapore lại bị xua đuổi, kỳ thị khi xuất hiện ở nơi công cộng.
Theo lời Teresa (tên nhân vật được thay đổi) - y tá trưởng tại phòng khám đa khoa của một bệnh viện công ở đảo quốc sư tử, các tài xế taxi không muốn chở bất cứ ai mặc đồng phục y tế. Trên tàu điện ngầm, mọi người tránh xa các y tá và xì xào những câu như: “Hy vọng họ đã tắm sau khi tan ca”.
Một y tá ở nước này bị xua đuổi khi đi thang máy kèm lời mắng nhiếc: “Đám y tá lúc nào cũng đi lung tung khắp nơi với virus đầy người rồi lây sang người khác”.
Chuẩn bị lên chuyến bay trở về San Diego, Mỹ, Aida Zhu (21 tuổi) nhận thấy một nhân viên an ninh nhìn chằm chằm khi cô đeo khẩu trang đi qua cửa an ninh tại sân bay William P. Hobby ở Houston.
“Tôi hy vọng cô không bị bệnh”, anh ta nói với giọng điệu bực bội.
Sự việc khiến Zhu suy nghĩ suốt cả tuần. Cô nghĩ tư tưởng phân biệt chủng tộc giống như cơn sóng ngầm.
“Virus corona khiến nó trỗi dậy”, cô nói.
Theo Washington Post, mặc dù Trung Quốc là tâm dịch virus corona - nơi có hơn 70.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.000 người chết, trong khi Mỹ mới ghi nhận 15 trường hợp dương tính với Covid-19, người gốc Á ở xứ cờ hoa vẫn bị dò xét và xúc phạm.
Đây không phải điều chưa từng có liền lệ ở đất nước này.
Các dịch bệnh bùng phát thường được cho là do “các nhóm bên lề trong xã hội” hay nói cách khác “những người ngoại quốc”, theo nhiều chuyên gia.
Người Mỹ gốc Á mãi chỉ được coi là “người ngoại quốc”, bất kể họ sống ở đây bao nhiêu lâu. Hết lần này đến lần khác, họ bị đổ lỗi cho việc bùng phát dịch bệnh.
Bầu không khí đầy rẫy sự kỳ thị do virus corona ở hiện tại từng xuất hiện trong đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) - bắt nguồn từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào năm 2002 và tước đi mạng sống của gần 800 người trên khắp thế giới.
Đến giờ, các quan chức y tế vẫn không chắc chắn về nguồn gốc virus, theo Kinda Mason - nhà nhân chủng học y tế tại Đại học Brown, Mỹ. Các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng virus từ dơi lây sang một số loài động vật khác, như cầy hương - món ăn được ưa chuộng ở miền Nam Trung Quốc - sau đó lây nhiễm và gây bệnh cho người.
SARS đã tạo ra khuôn mẫu cho sự khơi dậy phân biệt chủng tộc trong các đợt bùng phát dịch tiếp theo, The Verge nhận định.
Trong những tuần gần đây, nhiều bài đăng sai lệch về virus corona cho rằng Covid-19 liên quan tới thói quen ăn động vật hoang dã của người Trung Quốc, cụ thể là dơi - vốn được coi là thứ “kinh tởm”, “nguy hiểm” mà “chẳng ai ăn trong thế giới bình thường”.
“Chỉ có một số dịch bệnh khơi ra sự phân biệt chủng tộc”, Roger Keil - giáo sư khoa Nghiên cứu môi trường tại Đại học York (Mỹ), người từng nghiên cứu tác động của SARS đến thành phố Toronto - nói. Dịch H1N1 (xuất hiện ở Bắc Mỹ) hay bệnh bò điên (chủ yếu ảnh hưởng đến Vương quốc Anh) đều không tạo ra phản ứng phân biệt chủng tộc ở mức độ này.
Tuy nhiên, những dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc (SARS, Covid-19) hoặc từ Châu Phi (Ebola) đều liên quan tới tư tưởng bài ngoại (sự sợ hãi hoặc không tin tưởng những người thuộc chủng tộc, sắc tộc, dân tộc khác với mình).
“Loại virus mới này khơi dậy điều vẫn luôn tồn tại âm ỉ. Đó là nỗi sợ và suy nghĩ rằng mọi điều xấu xa đều đến từ những người thuộc chủng tộc khác mình”, Keil nói.
Nó cũng lặp lại những định kiến cũ. Vào thế kỷ 19, người châu Âu lo sợ “hiểm họa da vàng”. Da vàng ám chỉ người Á Đông, có nghĩa các nước phương Tây cho rằng sự nhập cư ồ ạt của người châu Á sẽ đe dọa thu nhập và chuẩn mực xã hội của người da trắng.
Nói với Los Angeles Times, Erika Lee - giáo sư Lịch sử và nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học Minnesota, Mỹ - nhận định sự phân biệt đối xử này là “nếp suy nghĩ in hằn bao lâu nay rằng người Trung Quốc là một chủng tộc, bất kể họ ở đâu, đều là những người mang mầm bệnh”.
Gilbert Gee - giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Fielding thuộc Đại học California tại Los Angeles (UCLA) - cho biết: “Mọi người có xu hướng đánh đồng người bị bệnh với cộng đồng của họ. Đó là nguyên nhân dẫn đến hành vi phân biệt đối xử. Khi bạn chỉ trích toàn bộ nhóm người chỉ vì một cá nhân, điều đó trở thành định kiến”.
“Nên chữa trị cho những ai có triệu chứng bệnh thay vì chỉ nhăm nhe đánh giá người khác qua bề ngoài rồi tìm mọi cách cách ly hoặc cấm họ tới những nơi công cộng. Đó là suy nghĩ bình thường và không để nỗi sợ hãi, hoảng loạn đẩy chúng ta quay trở lại với nỗi sợ hãi sai lầm về người ngoại quốc”.
Trong một email trao đổi với Los Angeles Times, Mark Tseng-Putterman - tốt nghiệp ngành Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Brown, Mỹ - bức xúc: “Những tin đồn, sự hoài nghi không có căn cứ về virus corona cứ thế lan truyền. Trong khi đó, hàng nghìn người chết, hàng triệu gia đình Trung Quốc bị chia cắt và vô số nhân viên y tế đang mạo hiểm cuộc sống của chính mình để ngăn chặn virus. Đó là điều đáng thất vọng”.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyên mọi người không nên hoảng sợ về virus corona và chống lại những người phân biệt đối xử giữa dịch bệnh.
“Đừng cư xử như thể người gốc Á nào cũng bị nhiễm virus corona” tiến sĩ Nancy Messonnier - giám đốc Trung tâm quốc gia về Bệnh miễn dịch và hô hấp thuộc CDC - nói.
“Để chống lại nạn phân biệt chủng tộc giữa dịch corona, những người của công chúng, bao gồm các chính trị gia và cơ quan truyền thông, phải bắt đầu bằng cách tách rời căn bệnh khỏi điểm xuất phát của nó”, giáo sư Roger Keil khuyến cáo.
Thực tế, chính quyền địa phương ở một số nơi có dịch bệnh cũng đã cố gắng giảm nỗi sợ hãi người gốc Á vì virus corona.
Là bang có cộng đồng người gốc Á lớn nhất ở Mỹ, California nỗ lực ngăn chặn làn sóng kỳ thị trước khi chúng lan rộng. Giới chức bang khuyến khích người dân lên tiếng mỗi khi thấy hành động, lời lẽ kỳ thị vì dịch corona xảy ra với người khác.
Tại Toronto, Canada, các chính khách và quan chức trường học, cộng đồng kêu gọi không lặp lại sự kỳ thị đã bao trùm thành phố vào năm 2003, khi dịch SARS làm 44 người ở đây tử vong.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết người Pháp đã đoàn kết với cộng đồng châu Á trong thời điểm dịch corona diễn biến phức tạp.
Hashtag #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải là virus) gần đây trở nên phổ biến trên mạng xã hội Pháp, khuyến khích mọi người chia sẻ câu chuyện của họ.
Một tờ báo địa phương ở Pháp cũng đã buộc phải xin lỗi sau khi làm dấy lên làn sóng bức xúc với tiêu đề “Alerte Jaune” (cảnh báo "vàng") hàm ý kỳ thị người gốc Á. Đầu tháng 2, một tác phẩm điêu khắc lớn có tên "Arch of Brotherhood" đã được bài trí tại khu phố Tàu của Paris, trong một nỗ lực nhằm chống lại sự lây lan nỗi sợ hãi virus corona.
“Có hai điều mọi người cần nhớ mỗi sáng thức dậy: rửa tay và đừng trở thành kẻ phân biệt chủng tộc”, giáo sư Roger Keil nhắn nhủ.