Vài tuần trước, Frank Lee nhận được một tin nhắn WhatsApp chứa danh sách dài các địa điểm cần tránh lui tới ở Singapore - nơi được cho là xuất hiện các trường hợp nghi ngờ và nhiễm virus corona mới (Covid-19).
Thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat, phóng viên Yuan Yang của tạp chí FT (Trung Quốc) nhận được lời cảnh báo từ ông nội: “Virus corona rất sợ axit. 2 lần/ngày, hãy nhúng bông vào giấm đặc rồi nhét vào lỗ mũi. Điều này rất hữu ích trong lúc dịch bệnh bùng phát”.
Bạn bè của Yuan cũng nhận được tin nhắn tương tự từ người thân, khuyên họ nên nhúng bông tẩm dầu mè vào lỗ mũi hoặc tránh mặc đồ len.
Trước thông tin một du khách Trung Quốc sau khi đi du lịch Lào trở về đã phát hiện bị nhiễm virus corona, hàng nghìn người dùng mạng ở quốc gia Đông Nam Á này liên tục truyền tay nhau cách phòng bệnh mới - ăn trứng luộc.
Niềm tin này xuất phát từ nội dung một bài viết cho rằng một em bé mới sinh ra ở Lào đã biết nói với bố mẹ (bố quê ở Luang Namtha, mẹ là người Luang Prabang) rằng ăn trứng luộc có thể phòng virus mới. Trứng luộc cũng phải được ăn vào ngày 6/2 mới tốt lành.
Ly kỳ hơn, em bé này tuyên bố được thiên đường gửi đến để cảnh báo mọi người về sự diệt vong sắp xảy ra do virus corona.
Tất cả thông tin này đều không đúng sự thật.
Tâm lý hoảng loạn trước dịch bệnh khiến nhiều người chia sẻ thông tin vô tội vạ, thiếu kiểm chứng. Ảnh: Weibo, Laotian Times. |
Mặc dù tâm lý sợ hãi trước dịch bệnh là dễ hiểu, sự lan truyền của tin tức giả và thông tin sai lệch trên mạng càng khiến tâm lý người dân thêm hoảng loạn.
Người dân Singapore, Indonesia, Hong Kong đã vét sạch các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, chất tẩy rửa gia dụng trong các siêu thị. Còn một bộ phận người dân Lào cũng đổ xô đi mua trứng về luộc, dẫn tới tình trạng "cháy hàng".
Lee (62 tuổi, đã về hưu) nói với AsiaOne: “Mọi người đều có thể nói lên suy nghĩ của mình. Nhưng điều khiến tôi bức xúc là họ chuyển tiếp những tin nhắn sai lệch mà không xác minh tính chính xác của tin tức”.
Ông cho rằng mặc dù đa dạng nguồn thông tin là tốt, mỗi cá nhân cũng cần có khả năng kiểm chứng thông tin để không lan truyền tin tức giả hoặc tạo ra sự hoảng loạn không cần thiết trong cộng đồng.
Dịch bệnh hoảng loạn trực tuyến
Một bài viết được chia sẻ 16.000 lần trên Facebook khuyên dân mạng ở Philippines "giữ ẩm cổ họng, không ăn đồ cay và bổ sung vitamin C để ngăn ngừa bệnh".
Một bộ phận người dân Myanmar chia sẻ thông tin hành tây và rượu có thể tiêu diệt virus corona. Bằng chứng là "một bệnh nhân dương tính với nCoV được chữa khỏi bằng cách đặt hành tây xung quanh người lúc ngủ".
Ở Trung Quốc, người dân cũng tin rằng ăn tỏi sống và đổ cồn lên quần áo có thể diệt virus corona.
Theo Yuan Yang, những tin đồn, thông tin sai lệch như thế được sao chép, chuyển tiếp một cách dễ dàng qua các ứng dụng nhắn tin. Anh cho rằng virus corona cũng đã gây ra "dịch bệnh hoảng loạn trực tuyến".
Giữa bối cảnh tin tức về dịch bệnh tràn lan, một số người khó phân biệt thông tin thật và giả. Một phần vì khi được chia sẻ, các thông tin thường mở đầu một cách “đáng tin cậy” bằng những câu nói như: “Một người bạn làm việc trong bệnh viện đã nói với tôi rằng…”, “Tôi vừa nhận được tin khẩn cấp này” hay “Tin tức quan trọng đây”.
Những cách phòng dịch vô căn cứ được chia sẻ tràn lan khiến nhiều người không phân biệt được thật - giả, đúng - sai. Ảnh: Weibo. |
"Với những lo ngại về sức khỏe cộng đồng, mọi người có xu hướng chuyển tiếp hoặc chia sẻ thông tin trước khi xác minh đó là sự thật bởi họ cảm thấy khẩn cấp. Tốc độ rất quan trọng đối với việc chia sẻ thông tin", Giáo sư Gabriel Kahn - Đại học Nam California - lý giải.
Gifford Chan (35 tuổi) - chuyên gia tâm lý học lâm sàng tại trung tâm Mind Care Treatment Suites - giải thích: “Khi mọi người có tâm lý ‘cẩn tắc vô áy náy’, điều đó có nghĩa họ không lường tới hậu quả hay mức độ nghiêm trọng của những gì mình chia sẻ. Họ cũng không biết nên làm gì để tự giúp mình”.
Luôn kiểm chứng thông tin
Hôm 8/2, Hiệp hội Tâm lý Singapore có bài đăng trên Facebook chính thức đề cập đến tâm lý hoảng loạn trước dịch bệnh của người dân đảo quốc sư tử.
Theo các chuyên gia, khi chứng kiến một tình huống khẩn cấp hoặc thấy ai đó bị tổn thương, bộ não con người được phản ứng theo cách nhất định. Hạch hạnh nhân của não (hệ thống cảm xúc) được kích hoạt cùng các vùng của vỏ não (hệ thống nhận thức) để phân tích và thể hiện hành vi.
Trong lúc căng thẳng và hoang mang, phần suy nghĩ trong não bị hệ thống cảm xúc lấn át, dẫn đến sự hoảng loạn và tư duy tập thể. Điều này chuyển thành phản ứng "chiến hay chạy" được thúc đẩy bởi nhu cầu tự vệ và an toàn. Bản năng này, ở hiện tại, khiến con người quá sợ hãi trước virus.
Từ đó, Hiệp hội Tâm lý Singapore đưa ra 7 lời khuyên để con người quản lý phản ứng “chiến hay chạy” của mình.
1. Nhìn nhận điểm chung trong khủng hoảng. Tất cả chúng ta đang vật lộn với nỗi sợ hãi, ở mức độ khác nhau. Xác định và nhìn nhận nỗi sợ hãi, hiểu rằng chúng ta có thể tác động lẫn nhau là bước đầu tiên để quản lý những lo lắng. Chỉ ra nỗi sợ hãi và xem xét phản ứng của chúng ta. Chia sẻ điều giúp nâng cao sự đoàn kết thay vì chia rẽ cộng đồng trong thời điểm này.
2. Tôn trọng lẫn nhau. Do dịch bệnh là chủ đề nóng, hãy quyết đoán với cảm giác khó chịu hoặc lo lắng của bản thân khi nói về chủ đề này. Đồng thời lưu ý nếu chủ đề này leo thang nỗi sợ hãi và lo lắng trong bạn bè và gia đình bạn. Lắng nghe và tôn trọng nếu họ không muốn tham gia.
3. Thực hiện trách nhiệm cá nhân và chỉ mua thứ cần thiết. Không cần thiết phải tích trữ thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác vì quá hoảng loạn. Việc tích trữ nhu yếu phẩm khiến người thực sự cần không có được. Điều này gây bất tiện cho người khác và càng gia tăng sự hoảng loạn.
4. Mở rộng thông tin. Diễn biến của dịch virus corona chắc chắn là tiêu điểm. Hãy tin tưởng sự lựa chọn thông tin của bản thân thay vì bị chi phối bởi các cập nhật và biện pháp phòng ngừa không chính xác do tâm lý sợ hãi và hoảng loạn.
5. Tránh hành vi đổ lỗi. Trở thành "anh hùng bàn phím" có giải tỏa sự bất bình của bạn. Nhưng trước hết, hãy suy nghĩ điều này có thể gia tăng sự căng thẳng trong vòng tròn xã hội của bạn và rộng hơn là cộng đồng. Chúng ta có thể tìm cách hiểu những quan điểm và lựa chọn khác nhau, thay vì hùa theo xu hướng đổ lỗi.
6. Kiểm chứng tin tức và đề phòng tin giả. Tiếp cận các nguồn thông tin đáng tin cậy từ chính phủ, cơ quan y tế… Kiểm tra thông tin có thể giúp chúng ta tỏ tường, đặc biệt là khi quá tải với các mâu thuẫn trong tin tức.
7. Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp khi cảm thấy sợ hãi, hoảng loạn. Các nhà tâm lý học có thể giúp bạn trong trường hợp này.