Sức khỏe yếu không ngăn nổi việc Trân cứ mải kiếm tìm phương pháp tốt nhất để thực hiện đề tài. Nhiều đêm suy nghĩ với những câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu là làm thế nào để thử nghiệm tinh dầu trên đối tượng lăng quăng và muỗi, làm mô hình ra sao để đạt được kết quả cao nhất?
Bảo Trân với đề tài nghiên cứu khả năng diệt muỗi của tinh dầu sả. |
Cuối cùng Trân cũng tìm ra cách vừa hợp túi tiền vừa mang lại kết quả cho thí nghiệm. Tuy có sự hỗ trợ từ phòng thí nghiệm của ĐH Công nghệ, nhưng để tìm một địa điểm thích hợp Trân phải về quê nhà tỉnh Tiền Giang liên hệ với Trung tâm Kỹ thuật và công nghệ sinh học để thử nghiệm mô hình nuôi muỗi và lăng quăng. Thương cô con gái út phải chạy ngược chạy xuôi tìm chỗ làm thí nghiệm phù hợp, cha Trân - ông Trương Hữu Phương - đã trở thành người đồng hành trong những lúc Trân làm thí nghiệm.
Trân đã không thể đếm và nhớ nổi có bao nhiêu chuyến xe mà mình đã đi để thực hiện mô hình thí nghiệm khi cứ mỗi tuần lại đi về giữa TP.HCM và Tiền Giang. Trong một năm trời Trân đã học và đi lại như vậy nhưng kết quả học tập vẫn là một trong những sinh viên giỏi của Công nghệ TP.HCM.
Đã có nhiều biện pháp để phòng chống muỗi bằng cách sử dụng thuốc bán trên thị trường, tuy nhiên nó lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Trân cũng đã làm một đánh giá nhỏ về rủi ro sinh thái và rủi ro sức khỏe của một số thuốc diệt muỗi hiện nay bán trên thị trường để thấy được tác hại của chúng đối với sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó đã làm nổi bật được tính cấp thiết để tạo ra một loại thuốc diệt muỗi thân thiện môi trường.
Đề tài Nghiên cứu khả năng diệt muỗi của tinh dầu sả làm cơ sở điều chế thuốc diệt muỗi sinh học đã đoạt giải nhì giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên Eureka lần thứ 15. Sau những thành quả đạt được, Trân đang nghiên cứu sâu hơn nhằm tạo ra sản phẩm diệt muỗi dạng xịt, dạng kem thoa với tỉ lệ tinh dầu thích hợp, an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.
Tuy nhiên để cho ra một sản phẩm có thể sản xuất và ứng dụng rộng rãi đòi hỏi một quá trình nghiên cứu chuyên sâu và cần sự đóng góp của các nhà khoa học có uy tín. Rất may nhà giáo ưu tú, GS.TS Lê Ngọc Thạch - giảng viên bộ môn hóa học hữu cơ, khoa hóa học ĐH Khoa học tự nhiên - đã có nhã ý mời Trân đến phòng thí nghiệm tại trường để thầy trò cùng hợp tác nhằm tạo ra một sản phẩm xanh có ích cho cộng đồng.