Bẫy điện của học trò đất Quảng Trị
Lê Huy Hiệu và Thân Trọng Tuấn đều là học sinh lớp 9A, trường THCS Hải Sơn, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Hai cậu học trò này vừa đạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị giữa tháng 1 với mô hình bẫy điện có chức năng thu nạp điện năng để phục vụ cho sinh hoạt.
Hiệu và Tuấn nhận giải nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ tỉnh Quảng Trị. |
Chiếc bẫy điện được sáng tạo từ những dụng cụ tự chế và được lắp tại ở gờ giảm tốc trên đường ngang. Khi có người đi bộ hoặc xe cộ tác dụng đường ngang, từ một số nguyên tắc vật lý, chiếc bẫy điện sẽ sinh ra dòng điện xoay chiều, được nạp vào bình ắc - quy và có thể sử dụng để thắp sáng bóng đèn, sạc điện thoại, tưới cây tự động… Ngoài ra, sáng chế này còn có thể sử dụng như một nguồn dự trữ cho các phương tiện chạy bằng điện như xe đạp điện, mô tô điện, ô tô điện.
Đối với vùng thuần nông như xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng thì sự sáng tạo và mô hình có tính ứng dụng thực tiễn cao do Huy Hiệu và Trọng Tuấn càng trở nên ấn tượng. Hiệu và Tuấn đều là những học sinh giỏi xuất sắc của trường, đặc biệt là môn Vật lý và Công nghệ.
Học sinh vùng lũ sáng chế nhà chống bão, lũ
Trần Thị Tố Như, Võ Duy Khánh, Lê Thanh Thiên (học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) lớn lên ở vùng quê thường xuyên xảy ra thiên tai bão lũ. Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của những người dân mỗi khi mùa bão lũ tràn về, 3 bạn đã quyết định thực hiện mô hình độc với đặc điểm nổi bật là ngôi nhà có thể tự nâng lên theo mực nước.
Nhà chống bão lũ. |
Như, Khánh và Thiện đã thiết kế hệ thống thùng phi nằm sát móng nhà và được gắn với 8 trụ sắt trượt. Mỗi khi nước lũ dâng cao, hệ thống thùng phi sẽ trượt trên các trụ sắt, khiến ngôi nhà nâng lên theo một mức tương ứng. Bên cạnh đó, ngôi nhà còn sử dụng hệ thống dây cáp neo để chống gió bão.
Vì đời sống của người dân vùng quê này đều rất khó khăn nên nhóm bạn đã tính toán kỹ lưỡng về vật liệu, chi phí xây dựng… nhằm phù hợp với túi tiền của người dân, làm sao một gia đình nghèo nhất cũng có thể xây dựng được ngôi nhà chống bão, lũ.
Phát minh máy hút rác giúp bác tạp vụ
Đây là ý tưởng của bạn Nguyễn Duy Tâm - học sinh lớp 11A, trường THPT Sơn Giang, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Trong một lần tan học, Tâm tình cờ nhìn thầy bác bảo vệ kiêm tạp vụ của trường đi nhặt rác ở sân trường. Thấy bác đã già, rất khó khăn mỗi khi phải khom người xuống nhặt rác nên Tâm đã nảy ra ý tưởng thực hiện một máy hút rác để giúp bác đỡ vất vả hơn.
Phát minh máy hút rác. |
Chiếc máy này được sáng tạo nên từ ống nhựa và những linh kiện điện tử đã bị bỏ đi hoặc mua với giá rẻ. Tốc độ di chuyển của máy khoảng 1,7km/giờ và có thể hoạt động trong 3 giờ liền. Máy hoạt động trên nguyên tắc khí động lực học, vừa có thể cuốn rác đưa vào bình chứa phía sau, vừa có thể tự động chuyển hướng khi gặp vật cản…Chiếc máy đặc biệt hiệu quả khi hút giấy, rác bẩn, kim loại… và Tâm vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để máy có thể hút được những bụi bẩn, dù là nhỏ nhất.
Sáng tạo máy quay – chụp mẫu vật với 220.000 đồng
Biết được giá một chiếc máy chiếu vật thể được bán trên thị trường khoảng 7-9 triệu đồng, quá đắt so với điều kiện còn nhiều khó khăn của nhà trường, nhóm học sinh lớp 9 của trường THCS Mai Động (xã Mai Động, Kim Động, Hưng Yên) gồm Nguyễn Thị Hà Giang, Lê Văn Khoa, Vũ Việt Hoàng đã tự tìm hiểu và sáng tạo ra chiếc máy quay – chụp mẫu. Chiếc máy này có giá thành rẻ hơn, tiện dụng để phục vụ cho nhu cầu học tập của học sinh trong trường.
Sáng tạo máy quay. |
Từ những thiết bị sắn có của trường như: Webcam của máy tính hỏng, bàn ghế bỏ đi, trục giá thí nghiệm cũ… nhóm bạn đã bắt tay vào nghiên cứu, lắp đặt và sau gần 3 tháng, chiếc máy quay chụp mẫu vật được vận hành thành công, trở thành một thiết bị học tập rất hữu dụng đối với các thầy trò trường THCS Mai Động.
Nếu như trước đây, các thầy cô giáo phải lên mạng tìm thí nghiệm làm sẵn để chiếu cho cả lớp xem thì với hiện tại, với chiếc máy này, thầy cô có thể làm thí nghiệm trên lớp, phóng to lên máy chiếu để giúp học sinh quan sát chi tiết, thực tế và sinh động hơn.
Được biết, tổng chi phí làm chiếc máy này khoảng 220.000 đồng, nếu thêm tiền mua camera thì giá cũng chỉ lên khoảng 800.000 đồng, rẻ hơn rất nhiều so với một chiếc máy được được bán trên thị trường. Sản phẩm này đã được Bộ GD-ĐT tặng giấy khen trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc.