Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có sự ngộ nhận về vắc xin miễn phí?

Thực tế phải vậy không khi nhiều phụ huynh đang băn khoăn về chất lượng của vắc xin Quinvaxem do có một số ca tai biến sau khi tiêm vắc xin này?

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết:

- Vắc xin Quinvaxem (Hàn Quốc sản xuất, phòng năm bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và Hib) có thành phần khác với vắc xin 5 trong 1 Pentaxim của Pháp và vắc xin 6 trong 1 Infranrix của Bỉ (gọi tắt vắc xin dịch vụ). Khác nhau cơ bản là Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào gây nhiều phản ứng hơn vắc xin dịch vụ có thành phần ho gà vô bào.

Tuy nhiên, các phản ứng sau tiêm Quinvaxem chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình, còn mức độ nặng thì hiếm gặp và cả hai loại văcxin đều như nhau. Thành phần ho gà khác nhau của hai loại văcxin này là công nghệ vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn) và toàn tế bào (còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn).

- Có phải sự khác nhau về thành phần và công nghệ nên chất lượng của Quinvaxem không bằng vắc xin dịch vụ, thưa PGS?

- Năm 1981, khi vắc xin ho gà vô bào ra đời được xem là giải pháp tốt hơn thay thế cho vắc xin ho gà toàn tế bào bởi công nghệ tinh chế hơn, loại bớt các chất gây phản ứng hơn nên rất được ưa chuộng và được xem như là vắc xin “quý tộc”.

Tuy nhiên, sau thời gian dài sử dụng, các nhà khoa học phát hiện có sự suy giảm nhanh chóng miễn dịch bảo vệ ở trẻ đã được tiêm ngừa vắc xin vô bào.

Cụ thể, tại một số quốc gia như Úc, Anh, Mỹ... sau 8-15 năm chuyển đổi từ vắc xin toàn tế bào sang vô bào đã bùng phát dịch bệnh ho gà, dù tỉ lệ tiêm chủng ở các nước này cao và có tiêm nhắc lại ở các độ tuổi lớn hơn.

Vì vậy, tháng 8-2015 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các nước đang dùng vắc xin ho gà toàn tế bào cần tiếp tục sử dụng, chưa chuyển đổi sang ho gà vô bào nhằm tránh nguy cơ bùng dịch, trừ khi tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Trẻ em tiêm ngừa tại Viện Pasteur, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Trẻ em tiêm ngừa tại Viện Pasteur, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

- Vì sao Hàn Quốc là nước sản xuất Quinvaxem nhưng họ không sử dụng để tiêm chủng cho trẻ em Hàn Quốc?

- Mỗi quốc gia đưa ra chiến lược sử dụng vắc xin cho mình dựa trên bốn tiêu chí: gánh nặng bệnh tật, tính sinh miễn dịch - khả năng bảo vệ trước bệnh tật, tính an toàn và tính ổn định, sẵn có cũng như sự tích hợp trong hệ thống y tế, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Hàn Quốc có nhiều điểm khác với Việt Nam. Cụ thể, mô hình bệnh tật bệnh viêm gan B của Hàn Quốc chủ yếu lây qua người lớn. Còn Việt Nam chủ yếu lây truyền ngay sau sinh. Do vậy, chiến lược tiêm ngừa viêm gan của Hàn Quốc là 0-1-6, nghĩa là tiêm khi trẻ mới sinh ra, sau một tháng và sau sáu tháng để giảm khoảng cách các mũi tiêm và miễn dịch mang tính lâu bền.

Còn Việt Nam phải tiêm ngay sau khi sinh và phải tiêm liên tục để đảm bảo tính miễn dịch sớm cho các đối tượng, do đó sử dụng lịch tiêm: mũi sơ sinh và ba mũi khi trẻ 2-3-4 tháng tuổi như lịch tiêm Quinvaxem.

Ngoài ra, với hệ thống tiêm chủng quốc gia, lịch tiêm chủng cần ổn định. Hàn Quốc sử dụng vắc xin phòng bệnh ho gà với lịch tiêm là 2-4-6 bằng vắc xin vô bào (khác lịch tiêm, thành phần ho gà trong Quinvaxem) mang tính ổn định trong việc kiểm soát bệnh tật, do đó vấn đề thay bằng vắc xin khác có thể chưa đặt ra.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Hàn Quốc cũng không sử dụng vắc xin 5 trong 1 hay 6 trong 1... mà dùng 3 hay 4 trong 1 và các vắc xin đơn khác.

PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

- PGS có thể cho lời khuyên thuyết phục với những phụ huynh còn băn khoăn về chất lượng Quinvaxem?

- Chúng ta cần thông cảm cho các phụ huynh đang rất lo lắng trước quyết định chọn vắc xin nào tiêm cho trẻ khi trẻ đã đến tuổi cần phải tiêm hay đã trễ lịch tiêm. Việc chần chừ tiêm chủng có thể dẫn đến việc bùng phát dịch bệnh.

Tại Việt Nam, năm 2013 khi tạm dừng tiêm Quinvaxem dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng giảm thấp và số ca mắc ho gà năm 2014 và 2015 tăng trở lại. Đó là bệnh có thể thấy ngay trước mắt, với bệnh viêm gan siêu vi B, nguy cơ chỉ thấy sau này khi mà các trẻ nhiễm trở thành mãn tính và chuyển sang xơ gan, ung thư gan sau 20-30 năm.

Ước tính hằng năm, nếu không được bảo vệ bằng vắc xin sẽ có gần 60.000 trẻ nhiễm viêm gan siêu vi B mãn tính và 25% số đó sau này chuyển thành xơ gan, ung thư gan, chưa kể mỗi trường hợp mắc là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng

Để tránh nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm của bệnh, các bà mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch tại các cơ sở tiêm chủng mở rộng, theo khuyến cáo của WHO: cần kết thúc ba liều tiêm cơ bản cho trẻ trước 6 tháng tuổi, nghĩa là liều đầu tiên không được qua tháng thứ 4.

Các phản ứng sau tiêm là có nhưng có thể được giảm nhẹ bằng các giải pháp hợp tác giữa phụ huynh và cán bộ y tế như cho trẻ bú trước và trong khi tiêm, tiêm các vắc xin theo mức độ đau tăng dần, vắc xin uống trước, tiêm sau, tư vấn đầy đủ về các phản ứng và xử trí cho bà mẹ trước khi tiêm...


Đề nghị mở thêm phòng tiêm chủng tại các bệnh viện

Theo TS Dương Thị Hồng - trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia, thông thường các trẻ có nguy cơ dị ứng hoặc trẻ có tiền sử sinh non, có bệnh lý nền đều phải sàng lọc kỹ càng trước khi có chỉ định tiêm chủng.

Với các trẻ có cha mẹ có cơ địa dị ứng, hen phế quản hoặc trẻ mắc những bệnh lý này thì khi khám sàng lọc, cán bộ y tế cần phải hỏi kỹ về tiền sử gia đình, tiền sử bệnh và chú ý một cách đặc biệt khi chỉ định tiêm chủng.

Tuy nhiên, tai biến tiêm chủng là không lường trước do cơ địa mỗi trẻ có những phản ứng riêng với vắc xin, nên các phòng tiêm chủng luôn phải chuẩn bị đủ các phương tiện xử trí trong trường hợp có tai biến.

Trường hợp trẻ có rối loạn hô hấp sau tiêm thì cần chống sốc cho trẻ, các phòng tiêm chủng đều được trang bị hộp chống sốc, nhưng cán bộ y tế cần thực hành thường xuyên để khi có trường hợp tai biến có thể xử trí ngay. Đồng thời chuẩn bị các phương án để cấp cứu khi có bé bị dị ứng sau tiêm.

Với trẻ sinh non, bà Hồng cho rằng không có chống chỉ định tiêm vắc xin Quinvaxem. Bởi khi tiêm mũi Quinvaxem đầu tiên, bé đã 2 tháng tuổi. Song trẻ sinh non có thể mắc kèm theo một số bệnh lý nên khi khám sàng lọc cần khám kỹ, sàng lọc hết các nguy cơ nếu có. “Chúng tôi rất mong muốn các địa phương mở thêm các phòng tiêm chủng tại bệnh viện, giúp trẻ có các bệnh lý dễ có nguy cơ tai biến được tiếp cận với dịch vụ khám sàng lọc kỹ càng hơn của bác sĩ chuyên khoa”- bà Hồng cho biết.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 5 năm kể từ 2010 đến nay, VN đã sử dụng 24,6 triệu liều vắc xin Quinvaxem, tỉ lệ xảy ra phản ứng nặng là 4,5/1 triệu liều. Đây cũng là vắc xin có số lượng phản ứng sau tiêm cao nhất trong số các vắc xin tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng (loại vắc xin cũng có số phản ứng sau tiêm cao nhưng xếp sau Quinvaxem là vắc xin ngừa viêm gan B).

* Cùng ngày, tại hội thảo về công nghệ sản xuất vắc xin được tổ chức ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ba công ty VN tham gia sản xuất vắc xin 6 trong 1 đã thành công với 4/6 thành phần, còn 2 thành phần đang chờ Nhật và Mỹ chuyển giao công nghệ.

Dự kiến năm 2017 sẽ triển khai phối trộn 6 thành phần này bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để năm 2020 VN có vắc xin 6 trong 1 có thành phần ho gà vô bào (tương tự vắc xin nhập khẩu đang sử dụng tiêm chủng dịch vụ) sản xuất tại VN.


http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151223/co-su-ngo-nhan-ve-vacxin-mien-phi/1025590.html

Theo Lê Thanh Hà/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm