Nhiều sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa tràn lan chỉ để tích lũy điểm rèn luyện. Ảnh: Pexels. |
Ngay từ những ngày đầu nhập học, Trương Vĩ (sinh viên năm 2 một trường đại học tại TP.HCM) đã đặt mục tiêu đạt học bổng để có thể trang trải việc học, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Vì vậy, ngoài điểm học tập cao, Vĩ xác định phải đạt được tiêu chí về điểm rèn luyện.
Với mục tiêu trên 90 điểm, Vĩ tham gia đủ loại hoạt động, từ việc tập văn nghệ, quyên góp, tình nguyện, dự hội thảo, đến những việc không tên như tải ứng dụng trên điện thoại, chia sẻ bài viết Facebook.
“Như vậy vẫn chưa đủ, mỗi kỳ một lần, mình đều đi hiến máu để được cộng 5 điểm. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, hiến máu xong mình đều xây xẩm mặt mày, hoa mắt, chóng mặt, thậm chí có lần phải nghỉ học một tuần để hồi sức", Vĩ chia sẻ với Zing.
Tận dụng mọi cơ hội để “săn” điểm rèn luyện
Vĩ cho biết đến nay, cậu đã đi hiến máu tới lần thứ 3. Rút kinh nghiệm, kỳ học này, sau khi thi xong, nam sinh mới đi hiến máu lần thứ 4 để tránh ảnh hưởng việc học.
Theo Vĩ, sinh viên chỉ cần tham gia học tập đầy đủ, chịu khó chia sẻ bài viết trên Facebook, tham gia một số hoạt động nhỏ của khoa là có thể đạt 70-80 điểm. Tuy nhiên, để đạt trên 90, cậu phải làm nhiều hơn, dù nhiều hoạt động cậu không thực sự muốn làm, thậm chí “rước bực vào người", thay vì học thêm kiến thức, kỹ năng.
“Mình còn nhớ hồi năm nhất, đoàn trường yêu cầu mình tải ứng dụng để chạy chỉ tiêu số hóa hồ sơ đoàn gì đó. Dù không muốn, mình vẫn phải tải ứng dụng đó để không bị trừ điểm rèn luyện. Hay có lần hăng hái đi dự talkshow vào ngày nghỉ, mình đã mong đợi học được nhiều thứ. Nhưng không, khâu tổ chức thiếu chuyên nghiệp, diễn giả không chất lượng. Mình không học được gì còn mất thời gian", Vĩ kể.
Khác với Vĩ, Nhật Nam (18 tuổi, sinh viên năm nhất Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) lại không tìm hiểu sâu các quy định của trường về điểm rèn luyện. Tuy nhiên, nghe anh chị khóa trên nói điểm rèn luyện rất quan trọng, Nam cũng tận dụng mọi cơ hội để tham gia hoạt động ở trường nhằm “săn" điểm.
Chia sẻ với Zing, Nam cho biết buổi sáng hàng ngày, cậu đều dành thời gian lướt một vòng các trang mạng xã hội, fanpage của trường để xem hôm đó có hoạt động và sự kiện gì. Thậm chí, hành động này được Nam lặp lại mỗi giờ một lần để không bỏ sót sự kiện nào.
“Mình thường đặt chế độ theo dõi các fanpage của trường ở mục yêu thích, tin mới sẽ hiện lên trang chủ đầu tiên, mình có thể nhanh chóng đăng ký. Mình vẫn hay ví hoạt động, sự kiện là những con mồi béo bở để sinh viên chúng mình chinh phục", Nam cho biết bất kể hoạt động nào, cậu cũng tham gia.
Từ việc đi cổ vũ cho đội thi đấu bóng chuyền, khán giả dự lễ trao giải, học bổng cho sinh viên, tập văn nghệ, dự các buổi diễn thuyết… Nam đều không vắng mặt.
Nam "săn" điểm rèn luyện bằng cách lướt mạng xã hội mỗi tiếng một lần. Ảnh: NVCC. |
Dù tự nhận định hầu hết hoạt động đều khiến cậu tiêu tốn thời gian, công sức mà không giúp học hỏi được nhiều thứ, Nam vẫn không muốn bỏ lỡ hoạt động nào vì cứ tham gia là được cộng điểm.
“Trừ các ngày đi học trên trường, thời gian còn lại, mình dự tính sẽ tự học hoặc nghỉ ngơi. Tuy nhiên, việc tham gia các hoạt động đã chiếm hết thời gian của mình. Hết học kỳ đầu tiên, mình vẫn chưa nhận được kết quả điểm rèn luyện nên khá lo, sợ không đạt nên kỳ này mình vẫn tham gia nhiều cho đủ, thừa thì càng tốt", Nam nói và cho biết cậu đã tham gia ngót nghét 10 hoạt động chính trong kỳ học vừa rồi.
Với Quốc Đạt (sinh viên năm 2, Đại học Ngân hàng TP.HCM), 10 hoạt động cho một học kỳ là không đủ. Học kỳ vừa rồi, cậu tham gia 24 chương trình, hoạt động của trường, các khoa tổ chức để tích điểm rèn luyện.
Không dùng điểm rèn luyện để xét học bổng, tuy nhiên, Đạt đặt mốc điểm mình phải đạt được là trên 80 - số điểm theo cậu chỉ là một mức điểm khá. Với Đạt, không khó để đạt mức điểm trên, cậu chỉ cần chơi mini game và dành thời gian rảnh tham dự các hoạt động trong trường với tư cách khán giả.
Tổng số hoạt động ngoại khóa Đạt đã tham gia trong học kỳ I vừa qua. Ảnh: NVCC. |
“Hồi năm nhất, mình không rõ cách tính điểm rèn luyện, cứ chia sẻ tràn lan các mini game, tham gia đến 40-50 cái nhưng cuối cùng cũng chỉ được tính điểm tương ứng với việc tham gia 7-10 hoạt động”, Đạt cho biết các bạn sinh viên, nhất là sinh viên năm nhất, cần lưu ý điều này để tránh tham gia hoạt động tràn lan.
Đạt nhớ lại hồi năm nhất, gần như cuối tuần nào cậu cũng tham gia hoạt động tại trường, không có thời gian để về thăm nhà. Học xong buổi sáng, trưa về ăn vội vàng để đến trường tham gia hoạt động. Một số bạn Đạt còn phải ngồi xe buýt gần một giờ đồng hồ để di chuyển từ cơ sở quận 1 đến cơ sở Thủ Đức để tham gia hoạt động, câu lạc bộ.
Tham gia hoạt động cần chọn lọc
Rút kinh nghiệm, từ sau năm nhất trở đi, Đạt chọn lọc hoạt động để tham gia hơn. Cậu thường tham gia vào 2 hoạt động chính là làm khán giả dự các cuộc thi học thuật, hội thảo, talkshow trong trường và tương tác với các mini game trên mạng xã hội trường hoặc các khoa.
Theo cậu, tham dự các hoạt động như các cuộc thi học thuật, hội thảo, talkshow ngoài mục đích kiếm điểm rèn luyện còn giúp cậu tích lũy thêm kiến thức dù không nhiều. Các mini game với cậu hầu như chỉ mang tính chất lấy điểm rèn luyện “cho vui” chứ không mang lại nhiều kiến thức.
Anh Trần Ngọc Minh Đức, nguyên Bí thư Đoàn khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, đánh giá sinh viên có 2 bộ phận: Các bạn tham gia chương trình vì thích hoặc quan tâm đến nội dung chương trình và các bạn khác tham gia chỉ với mục đích lấy điểm rèn luyện.
“Với mình, chuyện nhóm thứ 2 đông hơn nhóm một là do ban tổ chức chưa chọn được nội dung chương trình đủ hay để phục vụ số đông sinh viên. Chính vì vậy, khi còn làm công tác Đoàn ở trường đại học, mình và ban tổ chức luôn cân nhắc lợi ích mà các hoạt động đem lại cho sinh viên”, anh Đức nói.
Theo anh, điểm rèn luyện đánh giá quá trình mỗi sinh viên tự rèn giũa bản thân. Do đó, nếu việc tham gia hoạt động ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống cá nhân, đồng nghĩa đã đi ngược mục tiêu ban đầu của việc rèn luyện.
“Không ít bạn phấn đấu điểm rèn luyện cao là để xét các học bổng, danh hiệu. Những danh hiệu này cũng luôn yêu cầu điểm học tập cao. Việc chỉ tập trung vào một khía cạnh mà bỏ bê khía cạnh còn lại thì cũng thành công cốc”, anh Đức nói.
Đồng quan điểm, Tuấn An, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phóng Viên Trẻ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng nhận định việc tham gia các hoạt động như talkshow, workshop, hội thảo... là điều sinh viên nên làm để phát triển bản thân.
Tuy nhiên, cậu cho rằng các bạn nên cân đối được quỹ thời gian học tập và sinh hoạt cá nhân trước rồi mới tham gia hoạt động khác để tránh ảnh hưởng đến học tập.
An gợi ý các bạn sinh viên chỉ cần chọn sự kiện đúng mối quan tâm, chuyên ngành và sở thích của mình. Ngoài ra, khi tham gia sự kiện cũng cần chọn những bạn tổ chức có uy tín để đảm bảo trải nghiệm của mình được trọn vẹn nhất.
Bên cạnh đó, anh Đức cho hay các bạn sinh viên cũng nên xem kỹ lại thang điểm rèn luyện để tránh việc tham gia thừa/thiếu hoạt động ở một tiêu chí nào đó hoặc tránh trường hợp có một hoạt động đáp ứng cùng lúc nhiều tiêu chí mà không biết.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ
không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.