Ngày 9/5, Bộ GD&ĐT thông tin sẽ sử dụng hình thức xét tuyển chung là giải pháp kỹ thuật hỗ trợ công tác tuyển sinh tốt hơn. Bộ GD&ĐT chủ động xây dựng phần mềm xét tuyển chung và đã chạy thử với dữ liệu giả định. Sau khi có kết quả đăng ký xét tuyển năm 2015, tổ kỹ thuật chạy thử với số liệu thực tế. Kết quả cho thấy xét tuyển chung khả thi về mặt kỹ thuật.
TS Lương Hoài Nam đã có những trao đổi xung quanh phương thức này.
Nếu chia thành nhiều đợt, xét tuyển vẫn có thể rối loạn
- Thưa tiến sĩ Lương Hoài Nam, quan điểm của ông như thế nào trước việc xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT?
- Tôi ủng hộ xét tuyển tập trung, do Bộ GD&ĐT chủ trì. Năm ngoái, tôi cũng đề xuất xét tuyển tập trung bằng phần mềm sử dụng thuật toán DAA (Deferred Acceptance Algorithm) của Gale - Shapley. GS Ngô Bảo Châu cũng đề xuất như thế, thậm chí là GS còn sẵn sàng hỗ trợ Bộ GD&ĐT để xây dựng và kiểm định phần mềm nữa.
Đây là phương pháp xét tuyển được áp dụng ở nhiều nước, đảm bảo tính khách quan khoa học, đồng thời giảm thiểu công sức, chi phí cho cả thí sinh và các trường nếu so với việc mỗi trường tự tuyển sinh. Nếu làm đúng, nó sẽ cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng trường - ngành hơn so với cách xét tuyển lâu nay.
- Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về ý nghĩa của các thuật toán khi xây dựng phần mềm xét tuyển?
- Mọi phần mềm đều dựa trên thuật toán. Các thông tin trên báo chí chưa cho biết về thuật toán mà Bộ GD&ĐT sử dụng, nhưng tôi đoán là DAA. Vì DAA là thuật toán ghép cặp phổ biến nhất và được nhiều nước sử dụng để xét tuyển đại học, cao đẳng.
Tuy nhiên, thuật toán là một chuyện, nhưng kết quả của nó còn phụ thuộc quy trình, nguyên tắc đăng ký các nguyện vọng từ phía thí sinh ở một bên và đăng ký các tiêu chuẩn tuyển sinh của các trường ở phía bên kia. Đó là quy chế xét tuyển và Bộ GD&ĐT cần đầu tư nhiều vào quy chế này để nó thực sự khoa học.
Bộ GD&ĐT có thể dễ dàng tải tài liệu tương tự của Bộ Giáo dục Singapore có trên mạng để tham khảo cấu trúc nội dung, mẫu biểu, các nguyên tắc chung và các điều kiện riêng của từng trường. Quy chế xét tuyển có chi tiết, khoa học thì phần mềm mới chuẩn được.
Ngay cả khi sử dụng kết quả một kỳ thi chung, mỗi trường (hoặc một nhóm trường) vẫn có thể tính trọng số khác nhau cho cùng một môn thi, tuỳ ngành học. Điều này ảnh hưởng kết quả xét tuyển và cần quy định rõ ràng ngay trong quy chế.
TS Lương Hoài Nam cho rằng, xét tuyển tập trung cho phép thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng trường - ngành hơn so với cách xét tuyển lâu nay. |
- Ngoài tầm quan trọng của kỹ thuật phần mềm xét tuyển, ông có đề xuất gì về cách thức xét tuyển khi làm tập trung?
- Tôi đề nghị không chia thành nhiều đợt đăng ký nguyện vọng và xét tuyển như năm ngoái. Nên cho thí sinh đăng ký một lần 10-12 nguyện vọng tuyển sinh (cặp trường - ngành, kể cả đại học và cao đẳng), nêu thứ tự ưu tiên của từng nguyện vọng từ cao đến thấp (thông qua Phiếu đăng ký). Đăng ký xong, mọi thí sinh có thể đi nghỉ hè với gia đình, phần việc còn lại là của Bộ GD&ĐT với các trường cho đến khi có kết quả.
Tôi rất khó hình dung xét tuyển tập trung bằng phần mềm mà vẫn chia thành nhiều đợt thì làm như thế nào và lo ngại là sẽ xảy ra những sự rối loạn nhất định.
Các trường vẫn có thể xét tuyển riêng
- Nếu nhiều trường không tham gia vào phần mềm xét tuyển này thì có ảnh hưởng gì đến việc xét tuyển tập trung không? Họ có thể sử dụng phương án nào khác?
- Ở các nước xét tuyển tập trung (như Anh, Úc, Singapore...), các trường vẫn có thể tự tuyển sinh. Ví dụ, Đại học Oxford và Cambrigde ở Anh tự tuyển sinh, không qua Bộ Giáo dục Anh. Các trường trong lĩnh vực nghệ thuật (như sân khấu, âm nhạc, hội hoạ...) cũng tự tuyển sinh.
Các trường tuyển sinh riêng thường có các tiêu chuẩn xét tuyển bổ sung, không hoàn toàn dựa vào điểm thi các môn của thí sinh. Ở nước ta cũng vậy, không nên bắt tất cả các trường phải tham gia xét tuyển tập trung qua Bộ GD&ĐT.
Chỉ có điều, vì không phải thí sinh nào đăng ký tuyển sinh vào trường đặc thù cũng đều được nhận, nên việc xét tuyển của các trường đặc thù phải có kết quả và kết thúc trước khi Bộ GD&ĐT xét tuyển tập trung. Những thí sinh không đỗ vào trường đặc thù vẫn còn cơ hội xét tuyển vào các trường khác. Nếu không làm như thế, nhiều học sinh giỏi sẽ trượt đại học, cao đẳng.
- Đã cận kỳ thi THPT quốc gia, theo ông thời điểm này Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị những gì để phương án tập trung này được thực hiện tốt nhất, khi đây là việc ảnh hưởng cả triệu thí sinh?
- Tôi không biết mức độ chuẩn bị của Bộ GD&ĐT và các trường cho kế hoạch xét tuyển tập trung như thế nào, đặc biệt liên quan quy chế tuyển sinh và phần mềm tuyển sinh, nên không đánh giá được. Tôi cảm giác quyết định này được công bố hơi muộn, nếu vào cuối năm ngoái thì tốt.
- Có người đặt câu hỏi Luật Giáo dục Đại học trao quyền xét tuyển cho các trường, vậy Bộ GD&DT có phạm luật, hay làm mất đi tính cạnh tranh của các trường? Quan điểm của ông như thế nào?
- Tôi không cho là có sự vi phạm nào đó đối với Luật Giáo dục Đại học, nếu Bộ GD&ĐT cho phép trường nào muốn tự tuyển sinh thì họ cứ tự tuyển sinh, không cấm. Nhưng họ cần hiểu rằng phần đông thí sinh đăng ký thi vào trường họ, sẽ vẫn tham gia kỳ thi chung và xét tuyển tập trung của Bộ GD&ĐT.
Đơn giản là vì số thí sinh "trượt" các trường đó sẽ rất nhiều, ít ai dại dột bỏ qua cơ hội tuyển sinh với kỳ thi chung và xét tuyển tập trung của Bộ. Việc tự tuyển sinh của một số trường vẫn phải nằm trong tổng thể kế hoạch thi và tuyển sinh hàng năm của Bộ GD&ĐT, ít ra là cho đến khi Việt Nam áp dụng một hệ thống thi và tuyển sinh hoàn toàn phân tán như SAT, ACT ở Mỹ. Tôi nghĩ nước ta không nên vội vàng đi theo SAT, ACT.
Nhóm Đối thoại giáo dục từng đăng tải bài viết trên trang Hocthenao.vn về việc sử dung thuật toán DAA trong tuyển sinh.
Giải pháp của Gale-Shapley, được biết với tên gọi thuật toán Deferred Acceptance Algorithm (DAA) là một bộ các quy tắc đơn giản luôn đi trực tiếp đến trạng thái kết duyên bền vững (stable matching) trong môt số điêu kiện nhất định.
Kết duyên ở đây là ví dụ phía cung (các trường đại học) sẽ kết duyên ổn định với phía cầu (các tân tú tài muốn học đại học) mà không cần có một cơ chế giá mua/bán. Trạng thái “kết duyên bền vững” sẽ đạt được “khi tất cả thí sinh vào được trường cao nhất có thể”.
Có hai cách thiết kế thuật toán: phía cung (các trường đại học) chủ động chọn (thí sinh); hoặc phía cầu (các thí sinh) chủ động nộp đơn (tới các trường mình muốn học).
Thuật toán “kết duyên bền vững” Gale-Shapley được Lloyd Shapley và David Gale giới thiệu từ những năm 1960.
Tranh luận về phương án xét tuyển tập trung
Ông Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội ủng hộ phương án xét tuyển tập trung của Bộ GD&ĐT. Theo ông Điền, đây là mong muốn từ lâu của Đại học Bách khoa Hà Nội, trường sẽ tham gia nhóm xét tuyển chung này vì thực chất đây là phương án tuyển sinh mở rộng theo nhóm.
PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ cho rằng, phương án xét tuyển tập trung của Bộ GD&ĐT phạm Luật Giáo dục Đại học bởi xét tuyển là việc của các trường. Về nguyên tắc, thí sinh đăng ký xét tuyển ở các trường. Tuy nhiên, trường hợp không tham gia xét tuyển chung, Bộ GD&ĐT không cung cấp dữ liệu điểm thi, các trường không thể xét tuyển được. Vì vậy, Đại học Cần Thơ bắt buộc phải thực hiện theo.
PGS Văn Như Cương cho rằng, năm 2015, Bộ GD&ĐT giữ toàn bộ dữ liệu điểm thi nên việc tra cứu bị tắc nghẽn, vì thế Bộ GD&ĐT không nên “ôm đồm” tất cả, ngay cả trong việc xét tuyển.
Theo PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, việc xét tuyển cần giao tự chủ cho các trường. Hơn nữa, việc sử dụng phần mềm xét tuyển chung còn phụ thuộc khâu bảo mật. Liệu Bộ GD&ĐT có đảm bảo sự bảo mật tuyệt đối?