Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có thuốc 'làm mập'?

Ðối với khá nhiều người, “có sức khỏe” cũng đồng nghĩa là phải “có thân hình mập mạp”.

Ðặc biệt đối với trẻ, mặc dù đã có sự cân bằng giữa thể trọng và chiều cao của chúng nhưng một số phụ huynh vẫn muốn con “tròn trịa”, thậm chí lúc nào cũng bị ám ảnh, muốn sự tròn trịa đạt được càng nhanh càng tốt.

Và thế là dẫn đến sự lạm dụng loại thuốc tạm gọi là “thuốc làm mập”.

Thực chất của các thuốc làm mập?

Thuốc làm mập đầu tiên phải kể là thuốc chống viêm glucocorticoid, (thường được gọi tắt là corticoid), gồm nhiều loại như dexamethason (thường được gọi nôm na là “đề xa” hay thuốc “hột dưa”), prednison, prednisolon...

Cần cảnh giác với tác dụng phụ của các thuốc được coi là "làm mập". 

Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc có tác dụng chống viêm, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.

Do thuốc corticoid có tác dụng giữ nước và chất khoáng natri trong cơ thể (cần lưu ý ngoài corticoid còn nhiều thuốc khác cũng có tác dụng này như phenylbutazon chống viêm, carbenoxolon trị loét dạ dày...), gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ bị béo phì, mặt tròn như mặt trăng, nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing).

Chính do cơ thể có vẻ như mập ra và tăng cân khi uống thuốc này liên tục và kéo dài (mà một số người cứ tưởng là tốt) là biểu hiện một tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc. Song song với tác dụng phụ gây béo phì, thuốc còn có một số tác dụng phụ nguy hiểm khác như làm loãng xương, tăng huyết áp, gây huyết khối làm nghẽn mạch, có thể gây loét dạ dày, làm giảm sự đề kháng của cơ thể dễ dẫn đến nhiễm trùng (dễ bị bệnh lao, nếu đã bị lao sẽ làm bệnh nặng thêm).

Thuốc thứ hai giúp làm mập một cách gián tiếp, đó là durabolin (nandrolon phenylpropionat). Đây là một dẫn chất tổng hợp tương tự hormon sinh dục nam testosteron nhưng lại có cấu trúc hóa học hơi khác testosteron.

Testosteron chủ yếu trị thiểu năng sinh dục nam, tức trị “yếu sinh lý” do thiếu hormon còn tác dụng chủ yếu của durabolin là đồng hóa protein, nghĩa là giúp cơ thể hấp thu, biến dưỡng tốt chất đạm và vận chuyển các acid amin của chất đạm vào bên trong mô cơ, làm cho cơ thể phát triển cơ bắp, tăng cân, tăng sức. Vì vậy, durabolin còn gọi là thuốc steroid tăng đồng hóa.

Thuốc được chỉ định trị chứng gầy ốm, sụt cân, mất sức sau khi bệnh nặng. Ta thường nghe nói đến doping trong thể thao, các vận động viên thường doping bằng thuốc anabolic steroid (tác dụng tương tự như durabobin) để tăng khối cơ bắp, tăng lực nhằm đạt thành tích cao trong thi đấu. Dạng thuốc của durabolin là thuốc tiêm, mỗi tuần tiêm một ống.

Một số thuốc anabolic steroid được dùng dưới dạng uống. Chống chỉ định của thuốc là không được dùng cho trẻ dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ còn trẻ (vì đây là dẫn chất hormon sinh dục nam). Ở một số nước châu Á như Ấn Ðộ, người ta đã mất rất nhiều công sức chống lại tình trạng lạm dụng, dùng bừa bãi thuốc anabolic steroid ở trẻ em!

Thuốc thứ ba thường được dùng là cyproheptadin. Ðây là thuốc kháng histamin trị dị ứng nhưng lại có thêm tác dụng kích thích sự thèm ăn làm cho người dùng thuốc ăn nhiều hơn (đương nhiên phải ăn uống đầy đủ chất) để tăng trọng. Tuy nhiên cần lưu ý, cyproheptadin chỉ kích thích sự thèm ăn tạm thời và có nhiều tác dụng phụ.

Khi đang dùng thuốc, thuốc sẽ kích thích ăn ngon miệng nhưng khi ngưng thuốc sẽ chán ăn trở lại. Thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, không được dùng (tức chống chỉ định) đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi và người cao tuổi suy nhược.

Ðối với trẻ em, thuốc có thể gây cơn co giật - gọi là tác dụng phụ thần kinh ngoại tháp. Thuốc cũng không được dùng ở người bị tăng nhãn áp, u tuyến tiền liệt, loét tá tràng. Do lợi bất cập hại như vậy nên nhiều nước đã không còn chỉ định dùng cyproheptadin trị chứng chán ăn.

Cần cảnh giác với những loại thuốc Đông y giả mạo

Ðã có tình trạng kết hợp thuốc nguy hiểm là dùng chung corticoid với cyproheptadin để ăn ngon và mau tăng trọng trong các thuốc Đông y. Trước năm 1975, ở miền Nam, giới chuyên môn y dược đã báo động về tình trạng kết hợp hai loại thuốc trên gây hại rất nhiều. Ðặc biệt, còn phải đề cập đến các loại thuốc Đông y “giả mạo”.

Không ít người từng biết và có khi sử dụng nhầm các thuốc được quảng cáo chủ trị: “Mát huyết, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ...”.

Trên thực tế, các thuốc Đông y “giả mạo” này có trộn thuốc tân dược là corticoid, cyproheptadin để tạo những tác dụng trước mắt: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức sẽ giảm ngay (do tác dụng giảm đau chống viêm của corticoid) khiến nhiều người cho là “thần dược”, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại đông dược “giả mạo” này không sao lường được.

Vì vậy, nếu lạm dụng các thuốc trên để hy vọng mập ra, nhất là đối với trẻ em sẽ là điều hết sức nguy hiểm.

 

http://suckhoedoisong.vn/co-thuoc-lam-map-n65625.html

Theo TS. Nguyễn Hữu Ðức/Sức Khoẻ Đời Sống

Bạn có thể quan tâm