Tại cuộc họp báo chiều 9/9, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, trả lời phản ánh của báo chí về tình trạng ôtô núp bóng chuyến xe nghĩa tình chở công nhân về Huế hay xe cấp cứu chuyển người về Đà Nẵng hoặc các tỉnh khác.
Đại diện Công an TP.HCM cho biết về việc kiểm soát người, hàng hóa trong đó có ma túy, hàng cấm, hàng giả lưu thông trái phép, Công an TP.HCM đã xây dựng kế hoạch, phương án để tổ chức kiểm soát, xử lý.
Tuy nhiên, trong quá trình kiểm soát có quy định về kiểm soát xe luồng xanh. Theo đó, lực lượng chức năng chỉ kiểm tra điểm dừng, không kiểm soát trên tuyến đường. Do đó, một số đối tượng lợi dụng xe ưu tiên để thực hiện hành vi trên.
Công an TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp nắm tình hình để xử lý vi phạm. Thời gian qua, công an đã xử lý nhiều trường hợp xe núp bóng cứu thương để chở người. Tuy nhiên, thực tế việc kiểm soát có thể không tránh khỏi thiếu sót.
Qua các đợt người dân di chuyển về quê, Công an TP.HCM thấy rằng người dân thường tập trung tới một địa điểm bằng xe máy ở các vùng giáp ranh rồi lên xe khách để di chuyển về các tỉnh. Do đó, thượng tá Hà khẳng định cần có sự phối hợp giữa các địa phương để kiểm soát.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng. |
Về việc cấp giấy đi đường hay mở rộng sử dụng mã QR để thuận lợi cho người dân, Công an TP nhấn mạnh cấp giấy đi đường là giải pháp tình thế và cần thiết để quản lý thời gian qua.
Về căn cơ, lâu dài thì TP hướng tới đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát lưu thông an toàn. Công an TP.HCM trong thời gian rất ngắn đã lắp đặt 108 camera quét mã QR tại 101 chốt kiểm soát.
"Ngoài cập nhật thông tin về cấp giấy đi đường, F0, tiêm vaccine thì việc kiểm soát bằng mã QR chính là mục tiêu Công an TP.HCM đang đặt ra", thượng tá Hà nói.
TP.HCM tăng cường kiểm soát người ra đường bằng mã QR. Ảnh: Y Kiện. |
TP.HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội các mức độ. Từ ngày 23/8, TP.HCM siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu người dân "ai ở đâu ở yên đó".
Ngày 7/9, TP.HCM ban hành văn bản cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được hoạt động từ 6h đến 18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.
Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động chỉ trong phạm vi quận, huyện, TP Thủ Đức. Cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6h đến 21h hàng ngày.
TP.HCM đang tập trung hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế sau 15/9. Sở Y tế TP.HCM được giao nghiên cứu “thẻ xanh” vaccine để quy định những ai được tham gia các hoạt động sau này.