Cơ trưởng Nguyễn Quang Đạt chia sẻ về những khó khăn trong ngành phi công. |
“Hãy tìm hiểu thật kỹ con đường mà bạn sẽ bước đi, vì nghề phi công có rất nhiều khó khăn, không chỉ toàn ánh hào quang như nhiều người vẫn nghĩ”, Nguyễn Quang Đạt, cơ trưởng máy bay A320/1 của Jetstar Pacific, nói.
Chàng trai 25 tuổi tốt nghiệp chương trình đào tạo phi công thương mại trường CTC, Hamilton, New Zealand và là cử nhân kinh tế Đại học Bedfordshire, Anh, chia sẻ về nghề, góp phần tư vấn cho những bạn trẻ muốn học và trở thành phi công.
Quang Đạt tâm sự, từ bé đã có nhiều điều kiện để tìm hiểu về ngành hàng không nên rất yêu thích công việc “trên trời”. Thời gian Đạt đi học (năm 2009), ngành hàng không chưa được xã hội hóa như bây giờ. Để có được suất học, nam sinh phải trải qua quá trình tuyển chọn tương đối khắt khe, từ học lực, ngoại hình, sức khỏe, tâm lý, phản xạ…
Khi cơ hội được tuyển chọn khóa đào tạo phi công đến, Quang Đạt (bên phải) quyết định chớp lấy thời cơ. Ảnh: FBNV. |
“Bây giờ, bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn để trở thành phi công. Các bạn hoàn toàn có thể tự bỏ tiền du học, rồi xin việc như những ngành khác. Tuy nhiên, chi phí tương đối lớn và việc lựa chọn trường phải rất thận trọng. Công việc cũng không dễ tìm", cơ trưởng 9X tâm sự.
Việc học cần sự nghiêm túc
Theo lời khuyên của Đạt, những bạn muốn học ngành bay hãy bảo vệ mắt thật tốt. “Đừng để mắt có tật gì, như cận, mù màu, loạn thị, vì khi khám tuyển, mắt có lỗi sẽ bị loại ngay”.
Ngoài ra, ngành “trên trời” cũng yêu cầu sinh viên những kỹ năng như định hướng, dẫn đường, quan sát nhạy bén, xử lý tình huống, tập trung cao độ, lên kế hoạch tổ chức, chịu được áp lực, điềm đạm, bình tĩnh…
Tiếng Anh là trở ngại lớn với nhiều bạn trẻ theo học ngành này. “Khi bắt đầu khóa học, dù thi đại học khối D với số điểm không tệ, nhưng mình gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Anh. Chỉ có cách duy nhất là thực hành và kiên trì, từng bước cố gắng nâng cao khả năng nói ngoại ngữ”, Quang Đạt chia sẻ.
Cơ trưởng trẻ cũng bật mí phương pháp luyện tiếng Anh là xem phim không phụ đề để vừa giải trí vừa luyện nghe.
Học lái máy bay cũng nhiều rủi ro hơn ngành khác. Trong quá trình huấn luyện, nếu không cẩn trọng, những tai nạn hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là ngành nghề nhiều thách thức, thường xuyên phải đối mặt thời tiết xấu như sấm sét, mưa bão… khi bay. Việc thay đổi giờ giấc và thời tiết liên tục cũng là những khó khăn mà học viên phi công gặp phải.
Ngành bay phải thường xuyên đối diện thời tiết xấu. Ảnh: FBNV. |
Công việc đầy áp lực
Khi được hỏi về những khó khăn trong công việc, Quang Đạt cho biết, nghề phi công thật sự rất áp lực vì phải đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn. Công việc không có chỗ cho người thiếu kỷ luật. Bước lên máy bay với 200 người, trọng trách của phi hành đoàn rất lớn.
Đây cũng là nghề có sự đào thải cao. “Chúng mình phải làm một bài thi kiểm tra kiến thức và khả năng 6 tháng một lần, trong đó có cả thực hành xử lý các tình huống khẩn cấp. Mục đích là đảm bảo trong trường hợp bất thường xảy ra, phi công hoàn toàn kiểm soát được tình huống”, Đạt chia sẻ.
Khám tuyển sức khỏe định kỳ với phi công dưới 40 tuổi một lần mỗi năm, trên 40 tuổi là hai lần một năm.
Công việc nhiều áp lực, nhưng nhiều lúc những phi công trẻ "nội" không nhận được thiện cảm của hành khách. Nhiều người nghĩ cơ trưởng của các hãng hàng không phải là người nước ngoài, người Việt chỉ phụ lái. Không ít hành khách nói cơ trưởng người nước ngoài lái giỏi hơn, máy bay êm hơn.
"Là người chỉ huy của máy bay khi mới 25 tuổi, chắc chắn mình không tránh được những ánh mắt dò xét và sự thiếu tin tưởng. Nhưng mỗi lần bước lên máy bay, mình đều nghiêm túc và cố gắng hết sức, kể cả khi làm việc cùng cơ phó người nước ngoài lớn tuổi", cơ trưởng 9X tâm sự.
Tiêu chuẩn học viên phi công cơ bản:
Trình độ: Tốt nghiệp THPT trở lên.
Trình độ tiếng Anh: IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 71 trở lên;
Tuổi đời: từ 18 đến 35;
Chiều cao: 1m65 trở lên đối với nam, 1m60 trở lên đối với nữ;
Cân nặng: 54 kg trở lên đối với nam, 48 kg trở lên đối với nữ;
Ngoại hình cân đối, không khuyết tật, ưa nhìn;
Giao tiếp tốt, mạnh dạn, tự tin, nói và viết tiếng Việt lưu loát; không nói ngọng, nói lắp;
Đạt tiêu chuẩn sức khỏe đối với phi công dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam (theo kết quả khám sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền);
Lý lịch bản thân, gia đình rõ ràng, không có tiền án, tiền sự.
Phi công được chia thành 2 loại:
Phi công dân sự (dân dụng) lái máy bay cho các hãng vận tải và các hãng hàng không.
Phi công quân sự phục vụ trong lực lượng quốc phòng, có nhiệm vụ chiến đấu, hỗ trợ, vận chuyển.