Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Cò' về buôn dụ trẻ em bỏ học đi làm

Năm 2014, hơn 20 đối tượng là người dân tộc ít người của huyện Cư Kuin, Đắk Lắk, được một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê về các buôn tuyển lao động trẻ em.

Theo Sở Lao động - Thương binh Xã hội Đắk Lắk, năm 2014, có 206 học sinh tiểu học, THCS ở các huyện Krông Bông, Lắk, Cư Kuin, Krông Pắc... bỏ học đi làm tại TP HCM và các tỉnh lân cận. Trong bốn tháng đầu năm, 71 học sinh bỏ học đi làm xa nhà.

Những học sinh này được “cò” (do doanh nghiệp thuê) về buôn làng dụ dỗ đi làm. Cứ chiêu dụ được một em “cò” được trả công 1-1,5 triệu đồng.

Bỗng dưng bỏ học

Đầu tháng 5, đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh Xã hội Đắk Lắk đi thực tế tìm hiểu sự việc. Tiếp xúc đoàn, ông Hai (buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) kể, mấy tháng nay, vợ chồng ông mất ăn mất ngủ khi con trai A Yua Ngên (12 tuổi) bỏ học theo bạn đi làm tại TP HCM.

Trong căn nhà được Nhà nước xây cho hộ nghèo, ông Hai chỉ cho chúng tôi mấy tấm giấy khen thành tích học tập của con trai treo trên tường.

Vẻ mặt buồn rầu, ông kể: “Vợ chồng tôi đặt hy vọng nhiều nhất vào con, vì cháu học giỏi. Đang học lớp 6, không hiểu sao cháu lại bỏ học đi theo bạn đến TP HCM. Được một thời gian, cháu điện về nói làm việc vất vả lắm, mỗi ngày ông chủ bắt làm từ 13 - 14 tiếng.

Không chịu được, cháu xin nghỉ để về nhà. Ông chủ không cho, đe dọa đã ký hợp đồng làm việc tròn một năm, phải làm hết năm mới được về. Không chỉ buôn chúng tôi mà năm buôn khác trong xã cũng có rất nhiều trẻ em bỏ học đi làm xa nhà”.

Thầy Phan Xuân Hạnh - hiệu trưởng trường THCS xã Ea Yiêng - thông tin: “Năm học 2014-2015, trường có hơn 20 học sinh đồng bào dân tộc tại chỗ bỗng dưng bỏ học. Ban giám hiệu cử giáo viên đến từng nhà nắm bắt tình hình, động viên các em trở lại trường, khi đến mới biết các em đã rủ nhau đi làm xa nhà gần hết. Nhà trường báo cáo sự việc cho chính quyền, tăng cường tuyên truyền cho các em thông qua giờ chào cờ. Nhưng đầu năm 2015, 25 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 tiếp tục bỏ học để đi làm”.

Ông Hai kể lại với cán bộ Sở Lao động - Thương binh Xã hội  Đắk Lắk sự việc con trai bỏ học đi làm. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ông Trần Văn Long - trưởng Công an xã Ea Yiêng - cho biết: “Sau khi có tình trạng nhiều trẻ em bỏ học đi làm xa nhà, chúng tôi đã tiến hành xác minh. Nguyên nhân là hầu hết gia đình quá khó khăn, một số cháu thấy các anh chị, bạn bè đi làm xa, tết về có tiền, mua sắm tư trang cá nhân và một số vật dụng cho gia đình nên háo hức đi theo”.

Dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội

Sau chuyến đi thực tế, bà Từ Thị Khanh - trưởng phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em Sở Lao động - Thương binh Xã hội Đắk Lắk - nhận định: “Các cháu hầu hết từ 13 - 15 tuổi, lại sống ở vùng sâu, xa nên còn rất khờ dại. 

Các cháu đi làm xa nhà tại những đô thị lớn, dễ bị kẻ xấu lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy hoặc bị dụ vào đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em, dễ bị xâm hại tình dục, nhất là với những trẻ em gái. 

Bên cạnh đó, các cháu cũng dễ bị một số phần tử xấu lợi dụng và ép buộc lao động cưỡng bức, hoặc lao động nặng nhọc, độc hại nguy hiểm”.

Theo lãnh đạo xã Ea Yiêng, từ đầu năm 2015 đến nay, xã có 33 học sinh tiểu học và THCS bỏ học đi làm tại các tỉnh phía Nam.

“Sẽ đến TP HCM nắm bắt tình hình”

Năm 2014, sau khi phát hiện hàng chục trẻ bỏ học đi làm tại TP HCM, các cơ quan chức năng của Đắk Lắk vào cuộc điều tra.

Cơ quan chức năng phát hiện hơn 20 đối tượng là người đồng bào dân tộc ít người tại chỗ của huyện Cư Kuin được một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thuê về các buôn để tuyển lao động trẻ em. 

Những người này thường nhắm vào các em nữ học kém, ngại học tập, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, tuổi 13 - 16 để lôi kéo đi làm.

Do đa số “cò” cũng là người dân tộc ít người nên thuận lợi xâm nhập các buôn. Khi đồng ý bỏ học đi làm, “cò” sẽ đưa các em đến tận nơi làm việc tại TP HCM hoặc một số tỉnh khác ở phía Nam. Tuyển được một lao động, “cò” được chủ trả 1 - 1,5 triệu đồng.

Ông Y Sa Phôn Niê Krơng, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh Xã hội Đắk Lắk, cho biết, qua kiểm tra, xác minh ở một số huyện cho thấy, việc tuyển dụng trẻ em đi lao động xa nhà xảy ra trên địa bàn tỉnh đều vi phạm pháp luật.

Các hợp đồng lao động mà chủ sử dụng lao động ký với trẻ em cũng có nhiều vi phạm như: Không có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ, không nêu rõ thời gian làm việc, điều kiện làm việc, công việc làm, bảo hiểm xã hội...

Về tiền lương, các em không được trả hằng tháng như quy định. Từ đầu, chủ ra điều kiện các em phải làm đủ 1 - 2 năm mới thanh toán, mức lương chủ yếu 9 triệu đồng/năm.

Cũng theo ông Y Sa Phôn Niê Krơng, hiện sở đang chỉ đạo các phòng Lao động - Thương binh Xã hội cùng hơn 2.000 cộng tác viên bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở thôn, buôn phối hợp các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh để kiểm tra, rà soát, tổng hợp số trẻ em bỏ học đi lao động xa nhà.

Sau khi nắm rõ địa chỉ nơi các em làm việc, sở sẽ kết hợp các ngành chức năng của tỉnh bạn để bảo vệ lao động trẻ em.

“Trong tháng 5 này, sở sẽ cử đoàn công tác đến TP HCM nắm bắt tình hình đời sống, điều kiện ăn ở, việc làm của các cháu. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phối hợp sở Lao động - Thương binh Xã hội tại chỗ triển khai các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ các em” - ông Y Sa Phôn Niê Krơng nói. 

Mất tích sau khi bỏ học đi làm

Đầu năm 2014, Nguyễn Thị Huệ (15 tuổi, thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría, huyện Lắk, Đắk Lắk) bỏ học đi làm tại Bình Dương cùng người chị họ trong xã. Tháng 8/2014, gia đình không thể liên lạc được với Huệ.

Sự việc được chính quyền xã, huyện báo cáo Sở Lao động -Thương binh Xã hội Đắk Lắk. Mặc dù cơ quan chức năng ba tỉnh Đắk Lắk, Bình Dương và Tây Ninh vào cuộc, gia đình Huệ cũng nhiều lần đi tìm con gái, nhưng đến nay vẫn không biết cháu Huệ ở đâu.

Thông tin duy nhất cơ quan chức năng và gia đình hiện có chỉ là lời kể lại của chị Nguyễn Thị Nhung ở cùng nhà trọ với Huệ trước khi em mất tích. 

Theo chị Nhung, Huệ làm việc tại một công ty chuyên sản xuất nến ở phường Thuận Giao (thị xã Thuận An, Bình Dương).

Làm được khoảng một tháng, Huệ nói với Nhung là có người đến gặp và đặt vấn đề đưa Huệ đi Tây Ninh xin việc với mức lương cao hơn, công việc nhàn hơn. Nhung khuyên Huệ không nên đi.

Ngày hôm sau, Nhung đi làm về chờ mãi không thấy Huệ, điện thoại không liên lạc được. 

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150515/co-ve-buon-du-hoc-sinh-bo-hoc-di-lam/747225.html

Theo Hoàng Dưỡng/Báo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm