TAND Tối cao đã nhận được đơn khiếu nại của ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu Lộc - chồng cũ của ca sĩ Nhật Kim Anh (tên thật Đỗ Thị Kim Huê), liên quan đến quyết định giám đốc thẩm chấp nhận giao con chung (cháu Ngô Bửu Long) cho Nhật Kim Anh nuôi dưỡng.
Vào tháng 7/2019, Nhật Kim Anh khởi kiện, yêu cầu thay đổi quyền nuôi con từ ông Bửu Lộc sang cho mình. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của Nhật Kim Anh, cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại do vi phạm nghiêm trọng tố tụng.
Sau đó, theo yêu cầu của nguyên đơn, ngày 18/1/2021, TAND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm, quyết định hủy bản án phúc thẩm, thi hành án sơ thẩm của TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ).
Kháng nghị không có căn cứ?
Trao đổi với Zing, ông Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) nhận định Quyết định kháng nghị số 03/2021/KN-HNGD ngày 18/1/2021 của Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM (Quyết định kháng nghị 03) đối với bản án phúc thẩm số 18/2020/HNGD-PT ngày 28/8/2020 của TAND TP Cần Thơ (Bán án phúc thẩm 18) không có căn cứ pháp luật.
Ông Ngô Nguyễn Phúc Bửu Lộc và Nhật Kim Anh tại tòa phúc thẩm tháng 8/2020. Ảnh: Minh Anh. |
Ông Hùng viện dẫn khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, quy định: Bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong 3 căn cứ.
Thứ nhất, kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Thứ hai, có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm đến lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của bên thứ ba.
Song, theo ông Hùng, Quyết định kháng nghị 03 không viện dẫn căn cứ để kháng nghị theo quy định tại Điều 326 nêu trên để quyết định kháng nghị Bản án phúc thẩm 18 của TAND TP Cần Thơ. Điều này là không đúng quy định của pháp luật.
Quyết định giám đốc thẩm số 18/2021/HNGĐ-GĐT của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM cũng không nhận định, phân tích các căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo quy định tại Điều 326 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, nhưng vẫn chấp nhận kháng nghị để hủy bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 18/2020/HNGD-PT ngày 28/8/2020 của TAND TP Cần Thơ nên cũng không đúng luật.
Bên cạnh đó, căn cứ vào khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân gia đình 2014, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được thực hiện khi có một trong các căn cứ: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Theo nguyên Thẩm phán TAND Tối cao, trong vụ việc của vợ chồng Nhật Kim Anh, hai người không thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con. Mặt khác, căn cứ vào chứng cứ chứng minh thu nhập, ông Bửu Lộc có điều kiện tốt để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu Bửu Long.
Do đó, việc tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp giám đốc thẩm quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi cháu Long từ ông Lộc sang cho Nhật Kim Anh là chưa đúng pháp luật.
Tòa sơ thẩm xét xử vắng mặt bị đơn
Theo hồ sơ vụ án, TAND quận Ninh Kiều đã có tổng cộng 5 lần đưa vụ tranh chấp của vợ chồng Nhật Kim Anh ra xét xử, trong đó có 3 lần hoãn phiên tòa và một lần không mở phiên tòa.
Cụ thể, vào ngày 18/11/2019, tòa án mở và hoãn vì cả nguyên đơn và bị đơn đều có yêu cầu thu thập chứng cứ. Ngày 16/12/2019, phiên tòa sơ thẩm tiếp tục bị hoãn do bị đơn là ông Bửu Lộc có đơn, luật sư của ông vắng mặt và để chờ kết quả trả lời của Chánh án về việc thay đổi thẩm phán. Đến ngày 17/1/2020, tòa tiếp tục hoãn vì chờ kết quả trả lời về việc thay đổi thẩm phán.
Ngày 14/2/2020, thẩm phán vốn được phân công thụ lý vụ án đã từ chối tiến hành tố tụng. Do đó, đến ngày 5/3/2020, TAND quận Ninh Kiều ra quyết định đưa vụ án ra xét xử lại từ đầu. Tại quyết định này, ngày xử sơ thẩm được ấn định vào 20/3/2020.
Trước ngày xét xử, ông Bửu Lộc cùng luật sư đều có đơn xin hoãn phiên tòa, kiến nghị dời phiên xét xử vào ngày khác, cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, HĐXX TAND quận Ninh Kiều vẫn xét xử vắng mặt bị đơn.
“Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng ông Lộc vắng mặt nhiều lần, điều này thể hiện ông tự từ bỏ quyền lợi của mình”, nhận định của tòa trong bản án sơ thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, giao con chung cho Nhật Kim Anh nuôi dưỡng. Ảnh: Bá Ngọc. |
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, nếu một trong hai bên đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì HĐXX phải hoãn phiên tòa (trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).
"Việc xét xử vắng mặt ông Bửu Lộc của TAND quận Ninh Kiều là vi phạm trình tự thủ tục tố tụng. Bởi lẽ, trong trường hợp thay đổi thẩm phán, phiên tòa được mở sau đó sẽ được tính là lần đầu tiên. Do đó, ngày 20/3/2020, dù cho ông Bửu Lộc không có đơn xin hoãn thì theo luật, tòa án cũng bắt buộc phải hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền lợi cho đương sự", luật sư Dũng nói.
TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm đã chỉ ra vi phạm tố tụng và cho rằng tòa sơ thẩm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Bửu Lộc. Song, quyết định giám đốc thẩm đã bác hoàn toàn những nhận định này, cho rằng việc xét xử vắng mặt bị đơn là đúng pháp luật.