Trước khi nhận hồ sơ của các giáo viên (GV) muốn chạy công chức, "cò" Ánh cảnh cáo: "Các cô phải xác định, mọi năm đề dễ bao nhiêu, thì năm nay khó bấy nhiêu. Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vừa cắt hợp đồng của gần 200 GV ngoài biên chế nên đang bị "soi" dữ lắm.
Những cô giáo ấy làm đơn kiện tận thành phố, kêu rằng họ đã mất nhiều tiền xin việc mà giờ lại bị đuổi. Thêm cả chuyện kỳ thi viên chức năm ngoái ở huyện này cũng ẩm ĩ, những đứa thi cùng tố nhau là không làm được bài vẫn đỗ... càng khó thì giá càng cao, giá cao gấp đôi năm ngoái nhé, khoảng 180 triệu đến 200 triệu".
Ước mơ phải mua bằng tiền
Khi những GV mầm non vừa bị đuổi việc ở huyện Sóc Sơn loay hoay tìm việc làm thì có người tìm cách liên hệ với họ, mời mọc chung chi “mua” một suất vào biên chế.
Nhiều GV kiên quyết không tiếp tay cho tiêu cực. Có cô giáo đã khóc khi nói với chúng tôi về ước mơ được làm việc trong một môi trường đúng là giáo dục chứ không sặc mùi tiền.
"Cò" Ánh. Ảnh: Phụ Nữ TP HCM. |
Hầu hết các cô đều cho biết: “Cái giá để có được một chỗ đứng chân tạm thời trong ngành giáo dục ở huyện này là khoảng 50-60 triệu. Dạy được vài năm, muốn ở lâu hơn trong ngành, lại phải thi vào biên chế, nếu không sẽ bị cắt hợp đồng. Mỗi suất biên chế lại phải thông qua "cò", tiếp tục chi từ 150 đến 250 triệu, nếu không chi thì làm bài giỏi đến mấy vẫn có thể trượt”.
Những điều tưởng như đơn giản nhất, bình thường nhất là được sống sao cho tử tế trong ngành giáo dục, nay đã trở thành một việc vô cùng khó. Ước muốn được làm cô giáo, được cống hiến cho sự nghiệp trồng người lại phải mua bằng tiền. Những đồng tiền bạc bẽo cứ bào mòn dần ước mơ của những người muốn tận lực với nghề…
Cuối tháng 8/2015, cô Nguyễn Thị L., GV Trường mầm non Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn kết nối chúng tôi với “cò” Ánh để nộp hồ sơ và trao đổi giá tiền. Theo lời cô L. thì: “Anh Ánh là cán bộ, có quan hệ rất khủng, GV đã qua tay anh ta là vào biên chế hết. Anh Ánh đã nhận tiền là đỗ, chưa phải trả lại trường hợp nào”.
Chúng tôi một mực đòi cho gặp Ánh mới thực hiện giao dịch. Cô L. bảo, phải chờ để cô hỏi xem Ánh có đồng ý gặp không. “Thông thường người ta không gặp trực tiếp người cần chạy, phải qua nhiều cầu để xóa dấu vết. Tin thì chạy, không tin thì thôi, mình cần họ chứ họ không cần mình” - L. nói.
Trong khi chờ, L. hỏi tên người cần chạy. Phóng viên bịa đại ra một cái tên. Không lâu sau, L. gọi lại, bực dọc nói: “Làm gì có cái tên như thế trong ngành giáo dục huyện Sóc Sơn? Định đùa à?”.
Chúng tôi buộc phải nói đó là tên ở nhà, rồi cung cấp một cái tên có thật. Sau khi kiểm tra bằng cách nào đó, thấy khớp, L. bèn “lệnh” cho tôi gặp “cò” Ánh vào ngày 30/8/2015, tại nhà riêng ở xã Trung Dã, huyện Sóc Sơn.
Đến xóm hỏi nhà “cò” Ánh thì ai cũng biết chúng tôi đi xin việc. Người đàn ông bán hàng ở giữa xóm vừa chỉ đường, vừa nói với chúng tôi: “Lại đến xin việc hay chạy công chức? Cứ thấy nhà nào to nhất, đẹp nhất, mới nhất, rộng nhất xóm Cộc thì đấy là nhà ông Ánh”.
Bắt đầu cuộc nói chuyện, “cò” Ánh dặn dò mấy nguyên tắc: “Thứ nhất, đây là sự nghiệp của anh và nhiều người khác, các em không nên tò mò hỏi anh chạy qua ai. Anh chạy qua ai thì chạy, miễn được việc cho các em là xong.
Thứ hai, sau khi anh nhận tiền có nghĩa là trên kia họ đã ok, cứ yên tâm là đỗ. Trong trường hợp trên kia không nhận có nghĩa là bị đầy rồi, muốn làm được phải chồng cao hơn người khác, nhưng anh không muốn làm vậy, mang tiếng lắm.
Qua cửa anh, đòi hỏi phải chuẩn, không thiếu tiền, không kiện cáo, không đỗ thì chỉ hai ngày là hoàn lại toàn bộ tiền, không thiếu một xu. Mà anh không viết giấy biên nhận tiền hay giấy vay nợ, chấp nhận thì làm, không chấp nhận thì về.
Chỗ anh làm việc uy tín xưa nay, không ai thắc mắc điều gì. Thuận mua vừa bán”. L. bồi thêm: “Anh Ánh đã giúp em làm nhiều trường hợp thành công rồi, không ai phải lăn tăn nửa lời đâu”.