Nếu 'chạy' được vào ĐH, xin trả trăm triệu đồng/suất
TS. Lê Văn Vũ cho biết cách đây một năm cũng đã có trường hợp thí sinh đến nhập học trường anh làm việc. Ngay sau đó, nhà trường phát hiện giấy báo gọi nhập học của thí sinh này là giả.
Đến hẹn lại lên, các đối tượng lừa đảo lại tung chiêu rao bán các suất trúng tuyển đại học để trục lợi, khiến nhiều thí sinh bị mất tiền oan.
Theo TS.Phạm Tuấn, ĐHQG TP.HCM, các chiêu lừa kiểu như rao bán các suất trúng tuyển đại học đã xuất hiện cách đây nhiều năm. Mới đầu khi các đối tượng lừa đảo tung ra chiêu lừa trên đã đưa rất nhiều thí sinh thi rớt đại học vào “tròng” và họ thu lợi số tiền lên đến cả trăm triệu đồng.
Nhiều thí sinh sau thời gian chờ đợi không có giấy báo trúng tuyển mới biết mình bị lừa nên tá hỏa đi tố cáo cơ quan công an. Tuy nhiên, đến lúc này các đối tượng lừa đảo đã “cao chạy xa bay”. Các thí sinh, phụ huynh lỡ bỏ tiền triệu ra để mua đành phải “nuốt hận” vì dại dột.
Ảnh minh họa |
Đem việc bán suất trúng tuyển đại học trao đổi với TS.Lê Văn Vũ, quản lý tuyển sinh một trường đại học tại TP.HCM, TS. Vũ cho biết: “Khoảng 5 năm trở lại đây, năm nào chúng tôi cũng nhận được thông tin thí sinh đang săn lùng mua các suất trúng tuyển đại học do một số đối tượng trên địa bàn TP.HCM rao bán. Tôi dám khẳng định, nếu ai có khả năng chạy được vào trường đại học, tôi xin trả cả trăm triệu đồng/suất chứ đừng nói là 30-40 triệu đồng. Đây chỉ là lời quảng cáo nhằm “đánh” vào tâm lý thí sinh, phụ huynh để lừa tiền chứ làm sao có khả năng chạy chọt. Thí sinh đừng nên tin vào các lời quảng cáo trên mạng để bị mắc lừa, mất tiền và mất cả tương lai”.
Theo TS. Lê Văn Vũ, cách đây một năm cũng đã có trường hợp thí sinh đến nhập học trường anh làm việc. Ngay sau đó, nhà trường phát hiện giấy báo gọi nhập học của thí sinh này là giả. Tên của thí sinh này cũng không có trong danh sách thí sinh dự thi, trúng tuyển vào trường. Nhà trường sau đó đã chuyển trường hợp này qua cơ quan công an để điều tra. Sau đó, thí sinh khai nhận đã bỏ ra gần 45 triệu đồng để mua suất trúng tuyển đại học này từ một người đàn ông thường trú tại TP.HCM.
Thạc sỹ Phạm Duy Phúc, giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, trước đây cũng từng có một số trường hợp nhận chạy suất trúng tuyển đại học với giá vài chục triệu đồng. Theo đó, phụ huynh thí sinh này đã đặt cọc trước cho “cò 20 triệu đồng, chờ chính thức nhập học mới chồng nốt 20 triệu còn lại.
Tuy nhiên, đến sát ngày nhập học, “cò” mới đến thông báo: “Đường dây chúng tôi chỉ có thể lo được 6 suất, mà con của gia đình anh chị lại nằm ở suất thứ 7 nên chúng tôi không lo được. Nếu anh chị gặp chúng tôi sớm hơn thì con anh chị đã vào được đại học rồi. Hẹn anh chị sang năm sau nhé”.
Gia đình đòi lại tiền thì “cò” nói để năm sau sẽ trừ qua. Nếu làm căng quá, một số “cò” sẽ tung chiêu bài: “Tiền bạc thì tôi cũng trà nước, phong bì cho người ta hết rồi. Nếu cần tiền thì gia đình cầm lại 5 triệu đi. Năm sau, chúng tôi sẽ giúp lại cho anh chị”. Thạc sỹ Phạm Duy Phúc cho rằng: “Đến nước này thì “cò” đưa bao nhiêu, gia đình sẽ nhận lại bấy nhiêu. Vì nước đã đổ, hốt lại được bao nhiêu thì hốt thôi. Chỉ có gia đình mất tiền, còn “cò” thì ngồi không cũng được vài chục triệu đồng”.
GS.TSKH Bùi Văn Ga, thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Việc tuyển sinh đang được thực hiện hết sức công khai, minh bạch về điểm sàn, điểm chuẩn. Không hề có sự bao che, bí mật trong công tác tuyển sinh ở tất cả các trường ĐH, CĐ. Vì thế, thí sinh không nên nghe theo lời quảng cáo, tin đồn để rồi bị thiệt thòi. Thí sinh thi được bao nhiêu điểm, điểm trúng tuyển vào trường là bao nhiêu đều được công khai. Vì thế, thí sinh nên theo dõi thông tin để có bước đi phù hợp. Nếu thí sinh trượt nguyện vọng 1 thì còn hàng ngàn suất học ở nguyện vọng 2, 3. Đừng dại dột nghe theo quảng cáo vô lý để chịu cảnh tiền mất mà suất học thì chẳng thấy đâu”..
Theo Người Đưa Tin