Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cổ vũ phụ nữ phát triển bản thân

Dù đã ở thế kỷ 21, nhưng thực tế vẫn còn những suy nghĩ khi đã lập gia đình, phụ nữ nên lùi về phía sau làm hậu phương.

Vì vậy, rất cần cổ xúy những phụ nữ dù có gia đình vẫn tiếp tục con đường học vấn, phát triển bản thân, theo đuổi ước mơ...

Và dĩ nhiên, họ khó thể thành công nếu thiếu sự cổ vũ của người chồng. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúng tôi trò chuyện với chị Nguyễn Anh Thư (1984) và anh Vũ Quốc Hoàng (1980), đôi vợ chồng trẻ cùng là tiến sĩ, giảng viên khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) về chủ đề cổ vũ phụ nữ phát triển bản thân.

- Hai bạn nghĩ thế nào về suy nghĩ phụ nữ nên lùi về phía sau, làm “hậu phương” cho chồng, quẩn quanh với con và chuyện gia đình?

- Quốc Hoàng: Người phụ nữ có lùi về sau hay không là do người đàn ông. Không phải phụ nữ nào cũng muốn làm “hậu phương” đơn thuần, họ cũng có những khát khao, ước mơ mà đôi khi không dám nói ra. Chính vì thế, đàn ông phải nhạy cảm hơn và cổ vũ vợ mình thực hiện những mơ ước.

Thấy bà xã hơi có ý định gì đó là mình sẽ cố gắng động viên ngay. Nhiều khi bà xã nói làm bây nhiêu đủ rồi, nhưng mình hiểu ngay và tiếp thêm nguồn động viên.

Mình ủng hộ để cả hai cùng phát triển độc lập, hỗ trợ nhau tiến về phía trước. Mình cực kỳ khâm phục bà xã vì đã nỗ lực hết mình trong học tập và nhiều công việc khác nữa. Mình thấy bà xã có cơ hội phát triển tốt nên sẵn sàng tạo điều kiện để “đẩy” bà xã vươn xa hơn.

May mắn và cơ hội đến với vợ hoặc bất kỳ người nào trong gia đình, mình phải ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình. Nhiều khi bà xã có suy nghĩ “thoái lui”, sợ kiếm ra tiền nhiều hơn chồng sẽ làm người đàn ông trong nhà tự ái hoặc tự ti. Mình hiểu và chia sẻ để bà xã yên tâm.

Sự khác biệt giữa con gái xưa và nay

Phái đẹp xưa và nay luôn có những điểm khác biệt. Mặc dù vậy, vào ngày 8/3, họ đều muốn được quan tâm, nhận nhiều quà, trở thành nhân vật đặc biệt.

- Anh Thư: Bình thường nhiều người cũng suy nghĩ “nữ nhi thường tình”, học xong thạc sĩ là đủ rồi. Chính vì thế, lúc biết mình có thai khi bắt đầu học tiến sĩ tại Thái Lan, gia đình hai bên đều khuyên bỏ cuộc vì “nhiều người không có thạc sĩ, tiến sĩ vẫn sống có sao đâu”. Lúc đó anh Hoàng là người động viên, cổ vũ để mình tiếp tục con đường học tập.

Thời điểm cùng học và chăm con nhỏ là giai đoạn chật vật nhất của gia đình mình nhưng cả hai đều động viên nhau cùng vượt qua.

Có những lúc mình bận nghiên cứu, anh là người chủ động nhào vô chăm sóc con. Cũng có lúc cả hai học căng quá phải nhờ bà nội qua Thái Lan phụ chăm cháu. Nhưng tất cả anh đều tính giúp mình một cách ổn thỏa để mình thoải mái tinh thần cho việc học.

Gia đình nhỏ của chị Nguyễn Anh Thư và anh Vũ Quốc Hoàng, cả hai cùng là tiến sĩ, giảng viên khoa Xây dựng, Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM). Ảnh: Tuổi Trẻ.

- Các bạn có nghĩ khi người phụ nữ có địa vị trong xã hội thì sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?

- Quốc Hoàng: Gia đình là nơi đem đến cho mỗi thành viên sự ấm áp và hạnh phúc, chính vì thế, người phụ nữ không nên mang quyền uy của công việc về nhà.

Tuy nhiên, vẫn cần một cách nhìn về vấn đề này. Nếu để vợ ra ngoài xã hội đầu tắt mặt tối mà còn ôm đồm việc nhà thì rất khó. Bản thân mình có sa cơ lỡ vận, mình sẽ cho người giúp việc nghỉ làm và đảm nhiệm tất cả việc trong nhà, không có gì là hổ thẹn.

Không có người phụ nữ nào lại không nhận ra sự hết lòng vì gia đình của đàn ông. Quan trọng là người đàn ông đó chứng minh được bản thân đã nỗ lực hết mình.

- Anh Thư: Dù có là gì thì mình vẫn là người vợ, người mẹ trong gia đình. Không ai có thể thay đổi vị trí của nhau trong gia đình được. Có chăng đó là sự hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển. Trong nhà mình ông xã luôn là vai trò trụ cột, là người luôn ủng hộ và động viên mình trong hầu hết mọi việc.

- Vậy công việc gia đình hai vợ chồng phân chia thế nào?

Cả hai cùng làm (hai vợ chồng cùng cười trả lời).

- Quốc Hoàng: Mình nghĩ đã gọi là gia đình thì tất cả đều chung, việc nhà cũng là việc chung. Bà xã là người giỏi việc xã hội, có nhiều triển vọng phát triển, cũng là người vợ chu toàn mọi thứ từ miếng ăn, giấc ngủ đến thuốc thang chồng con.

Nhiều lần mình khuyên vợ là xã hội phân công lao động rõ ràng, mình làm tốt việc nào thì chú tâm vào việc nấy, nên có người giúp việc để tập trung chuyên môn hơn. Thư cũng đồng ý nhưng từ ngày sinh con tới giờ, chưa bao giờ giao con cho ai chăm sóc, chưa một lần nhờ ai đón con giúp.

Tất nhiên, chúng mình cũng có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ. Nhưng cả hai phải cùng đồng điệu mới hiểu một nửa kia cần gì và mình nên làm gì.

- Anh Thư: Thời điểm chuẩn bị cưới là anh đã quán xuyến giúp mình mọi thứ vì lúc đó mình đang học ở Thái, chỉ được nghỉ năm ngày về làm đám cưới thôi. Sau này là vợ chồng rồi anh cũng chủ động trong mọi việc từ việc chăm con, cho con ăn đêm, chơi với con mỗi ngày rồi nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc nhà cửa anh đều làm hết. Tất nhiên, mình cũng thay nhau làm chứ không nề hà chuyện này phải là của ai.

"Không có người phụ nữ nào lại không nhận ra sự hết lòng vì gia đình của đàn ông. Quan trọng là người đàn ông đó chứng minh được bản thân đã nỗ lực hết mình" - Tiến sĩ Vũ Quốc Hoàng.

"Dù có là gì thì không ai có thể thay đổi vị trí của nhau trong gia đình được. Có chăng đó là sự hỗ trợ lẫn nhau để cùng nhau phát triển" - Tiến sĩ Nguyễn Anh Thư

Đôi khi thấy mình may mắn và xót xa cho rất nhiều phụ nữ khác phải sống cam chịu. Đừng nói là bình đẳng, chỉ mong muốn được yên thân, không bị chồng hành hạ cũng đã khó.

- Các bạn có nghĩ sự bình đẳng không chỉ được “mở cửa” bởi đàn ông mà chính phụ nữ cũng phải “giải thoát” chính mình?

- Tất nhiên. Cả hai vợ chồng lại cùng thốt lên.

- Anh Thư: Mình sinh ra và lớn lên ở quê, không ít lần chứng kiến sự run rẩy, sợ hãi của người phụ nữ mỗi khi thấy chồng trở về nhà trong cơn say, nhiều phen họ bị đánh đập mà không biết mình bị đánh vì lý do gì. Trong khi việc đồng áng, kiếm tiền cực nhọc, nhà cửa, chăm con... họ đều phải quán xuyến hết mọi thứ.

Những đứa con bị ảnh hưởng từ môi trường gia đình như vậy. Con trai được “đào tạo” trở nên gia trưởng. Con gái phải sống cảnh cam chịu, chịu đựng như mẹ mình.

- Quốc Hoàng: Họ coi đó là số phận, sinh ra làm phụ nữ thì đều phải vậy. Không có chuẩn mực nào quy định rằng phụ nữ phải như vậy cả. Đàn ông phải bản lĩnh để xứng đáng làm trụ cột trong gia đình. Vợ phát triển là niềm tự hào chứ không phải tạo nên sự tự ti để kìm hãm.

Gia đình tiến sĩ

Cả hai vợ chồng lần lượt được nhận học bổng của Chính phủ Nhật cho chương trình tiến sĩ (vừa học tại Thái Lan và Nhật Bản). Quốc Hoàng hoàn thành chương trình tiến sĩ khi anh ở tuổi 32, còn Anh Thư hoàn thành chương trình tiến sĩ lúc tròn 30 tuổi.

“Đời người chỉ dành vài năm cho việc nỗ lực theo đuổi ước mơ học tập, đó không phải là dài, do vậy mình luôn động viên bà xã hãy dành thời gian học liên tục, càng về sau càng khó học hơn. Có lúc cả hai vợ chồng phải bỏ ngoài tai lời khuyên của gia đình hai bên. Nhờ thế mới có ngày hôm nay” - Quốc Hoàng chia sẻ.


http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20160308/co-vu-phu-nu-phat-trien-ban-than/1063450.html

Theo Kim Anh - Diệu Nguyễn/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm