Theo The Balance Money, đám cưới vốn là sự kiện tốn kém bởi tính chất đặc biệt của nó, được xem là dấu mốc quan trọng trong đời. Chúng cũng đòi hỏi chi phí, thời gian lên kế hoạch từ trước với nhiều hạng mục và nhân sự.
Theo The Knot, một đám cưới trung bình ở Mỹ tiêu tốn 30.000 USD vào năm 2022, chưa tính kỳ trăng mật. Tại Hàn Quốc, chi phí tổ chức tối thiểu vào năm 2019 là 230 triệu won (tức 196.000 USD), theo kết quả nghiên cứu của công ty tư vấn hôn nhân DUO Info Corporation.
Ở Trung Quốc, tiền làm đám cưới dao động 85.000-100.000 tệ tùy từng vùng, theo bài đăng trên tạp chí học thuật của Đại học Phụ nữ Sơn Đông. Các con số kể trên đều được coi là đáng kể ở các nước. Cô dâu, chú rể phải tích cóp trong khoảng thời gian nhất định.
Tại Việt Nam, dù chi phí trung bình cho một đám cưới chưa được thống kê cụ thể, đa phần các đôi đã cưới cho biết khoản tiền cần bỏ ra đều ở mức vài trăm triệu đồng trở lên. Zing trò chuyện với 4 cặp vợ chồng mới cưới để nghe họ chia sẻ về cách tính toán, sắp xếp cho ngày trọng đại.
Vay tiền bố mẹ làm đám cưới
Bích Hân - Hùng Phúc (sinh năm 1997, TP.HCM)
Tổng chi phí: 800 triệu đồng.
Số tiền tự chi: 250 triệu đồng.
Số tiền vay bố mẹ: 550 triệu đồng.
Sau 1,5 năm yêu nhau, chồng cầu hôn tôi. Chúng tôi có 6 tháng chuẩn bị. Sau khi dự tính các hạng mục, chúng tôi vay thêm bố mẹ 550 triệu đồng và sẽ lấy tiền mừng để gửi lại.
Cả hai đều đã đi làm, có thu nhập nên chỉ xác định vay chứ không để bố mẹ phải lo. Hơn nữa, khi tự chi trả cho đám cưới, chúng tôi thấy ý nghĩa hơn nhiều.
Chúng tôi muốn một đám cưới thân mật, mong muốn những người thương của mình có mặt nhưng vẫn phải đáp ứng đủ khách mời của bố mẹ. Vì vậy, hai đứa khá đau đầu để lên kế hoạch và chi phí.
Chúng tôi đi khảo sát giá của nhiều bên cung cấp dịch vụ, dự trù con số, từ đó tìm ra nơi phù hợp với nhu cầu và các tiêu chí.
Hơn nữa, đám cưới diễn ra ở 2 nơi, tiệc nhà gái vào tháng 3 ở TP.HCM, nhà trai là tháng 5 ở Tây Ninh, vì thế, một số chi phí như váy cưới, make-up, chụp ảnh sẽ bị đội lên.
Các khoản chi tiêu chính trong đám cưới của chúng tôi có thể kể đến như: tiệc cưới (500 triệu đồng), váy cưới (15 triệu đồng), trang trí (70 triệu đồng), wedding planner (20 triệu đồng), nhẫn cưới (10 triệu đồng), quay chụp cưới (45 triệu đồng).
Ngoài ra, một số chi phí khác như make-up, vest chú rể,...Tổng chi phí cho đám cưới khoảng 800 triệu đồng. Bố mẹ cũng tặng một số món và tự chuẩn bị vài thứ để hai đứa không quá "nặng gánh".
Những ngày chuẩn bị cưới, hai đứa cũng có những mâu thuẫn nhưng không quá lớn. Chồng tôi làm IT khá bận rộn, đôi khi không sát sao với đám cưới được như vợ. Thay vào đó, chồng để tôi tự do chi tiêu cho đám cưới.
Với hai vợ chồng, số tiền chi cho đám cưới là hợp lý, khó có thể rút bớt khoản nào. Sau đám cưới ở nhà gái, một số chi phí bị phát sinh. Tuy nhiên, chúng tôi đặt tiêu chí vui vẻ, thoải mái cho khách mời nên không đặt nặng vấn đề kinh tế.
Bỏ heo tiết kiệm trong 1 năm
Đại Bích - Hoàng Thức (sinh năm 1998, Vĩnh Phúc)
Tổng chi phí: 450 triệu đồng.
Số tiền tự chi: 90 triệu đồng.
Số tiền bố mẹ hỗ trợ: 360 triệu đồng.
Sau 5 năm yêu nhau và 1,5 năm chuẩn bị cho đám cưới, cuối năm 2022, chúng tôi chính thức về chung một nhà.
Vì mới đi làm, tiền tích lũy chưa được nhiều nên chúng tôi chủ động tiết kiệm bằng cách bỏ heo 2 triệu đồng/người/tháng.
Sau 1 năm, tính cả một phần tích lũy từ trước, chúng tôi có 60 triệu đồng. Số tiền này đủ để mua nhẫn, chụp ảnh cưới, thuê váy cũng như make-up. Ngoài ra, chồng tôi phụ thêm bố mẹ khoảng 30 triệu đồng.
Tổng chi phí đám cưới khoảng 450 triệu đồng. Bố mẹ hai bên hỗ trợ phần lớn. Dù số tiền tự chi chỉ chiếm 1/5 so với tổng chi phí nhưng với thu nhập của hai đứa, đó là số tiền lớn. Việc cùng nhau tiết kiệm để chuẩn bị cho cột mốc lớn trong đời khiến cả hai gắn bó hơn.
Chúng tôi tổ chức đám cưới ở quê nên chi phí cũng rẻ hơn so với thành phố. Riêng phần tiệc cưới - khoản tốn kém nhất, chúng tôi được họ hàng, làng xóm giúp đỡ nấu nướng nên chỉ tốn tiền nguyên liệu.
Trước đây, chồng tôi thường không biết tiết kiệm, kiếm được bao nhiêu sẽ tiêu hết. Sau thời gian chuẩn bị cho đám cưới, anh biết lo nghĩ hơn, mỗi tháng nhận lương sẽ trích luôn một khoản tiết kiệm, một khoản đưa cho vợ để chi tiêu, còn lại giữ một ít.
Đám cưới giúp chúng tôi trưởng thành hơn, biết cân đo đong đếm mọi thứ sao cho hợp lý, là bước đệm để hai đứa chính thức bước vào cuộc sống hôn nhân sau này.
Tự chi trả đám cưới private
Duy Tùng - Mỹ Hạnh (sinh năm 1996, Hà Nội)
Tổng chi phí: 700 triệu đồng.
Số tiền tự chi: 200 triệu đồng cho đám cưới private.
Số tiền bố mẹ hỗ trợ: 500 triệu đồng cho tiệc cưới truyền thống.
Khi lên kế hoạch cưới, hai vợ chồng tôi đã tính toán khá kỹ phần tài chính từ trước 6 tháng đến một năm. Mục đích là để chủ động nguồn tiền, phân bổ các khoản cần chuẩn bị.
Nhờ lên plan từ trước, gia đình tôi không gặp cảnh "choáng" trước các kinh phí cần thiết. Chi phí phát sinh cũng không lệch nhiều với con số dự trù.
Ngoài ra, cả hai còn làm thêm một tiệc private và after party (tiệc hậu lễ cưới) với khách mời là bố mẹ 2 bên cùng bạn bè thân thiết. Lý do là tôi muốn có những khoảnh khắc thực sự tận hưởng ngày trọng đại của mình, thay vì cả nhà đều bận rộn đón khách khứa tới dự.
Ở sự kiện này, tôi và chồng lo liệu từ A đến Z. Hạng mục tốn kém nhất là thuê địa điểm, khoảng 20 triệu đồng cho 2 ngày 1 đêm. Tôi chọn một khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô thành phố vừa đáp ứng được không gian, vừa đủ phòng cho khách mời ngủ lại.
Nhận thấy việc tìm kiếm các đơn vị riêng lẻ như trang trí, catering, âm thanh và ánh sáng tốn nhiều công sức và thời gian, tôi chọn lựa thuê một đơn vị tổ chức tiệc chuyên nghiệp (wedding planner) làm đầu mối đứng ra lo các khâu.
Nếu không, riêng vận chuyển vật dụng cần thiết và nhân sự set up đến nơi xa là tôi đã thấy mình khó mà xử lí ổn thoả, thậm chí còn tốn kém hơn.
Các khoản chiếm đáng kể là đầu bếp riêng, với 1 triệu đồng/khách cho khoảng 50 khách. Hoa trang trí tùy độ cầu kỳ và quy mô, tốn ít nhất 20 triệu đồng. Chi phí cho đội ngũ chụp ảnh, quay phim và hậu kỳ cũng hết tương tự. Tiền thuê DJ khuấy động bữa tiệc là 3-5 triệu đồng. Khoản dự phòng đặt ra là 10-20 triệu đồng.
Lời khuyên cá nhân dành cho các cặp muốn làm đám cưới thân mật là xác định rõ ngân sách và nguyện vọng; sau đó là tìm đơn vị planner uy tín, có trách nhiệm và gu thẩm mỹ hợp với mình. Khi đó, với đề bài đưa ra, chi phí có thể tối ưu rất nhiều. Planner có khả năng điều chỉnh các hạng mục để phù hợp với kinh phí của khách hàng nên mọi người đừng ngần ngại đưa ra yêu cầu cá nhân.
Chi trả toàn bộ
Minh Hoàng - Bảo Anh (sinh năm 1994, TP.HCM)
Tổng chi phí tự chi: 500 triệu đồng.
Vì tự bỏ tiền cho hôn lễ, tôi dành nhiều ngày tìm đọc các bài share kinh nghiệm trên mạng từ những cặp đã cưới. Số tiền tổ chức do cả hai tích cóp trong 2,5 năm.
Ngoài các hạng mục cho đám cưới, vợ chồng tôi còn dành một khoản đáng kể cho việc thuê nhà ở riêng, sắm sửa đồ nội thất mới.
Do đó, mọi chi phí đều cần tính toán kỹ càng, không tránh khỏi những lúc thấy căng thẳng, đau đầu “co kéo” sao cho hợp lý.
Về địa điểm, tôi chọn khách sạn ở gần khu vực trung tâm, phù hợp với ngân sách và sức chứa 300 khách. Tuy nhiên, các đồ trang trí được cung cấp sẵn như cổng chào, biển tên, bàn đặt hòm của hai nhà, hoa đặt dọc lối đi khá ít và cũ, không đẹp.
Do đó, tôi phải chi thêm 30 triệu đồng thuê đội trang trí riêng. Về ý tưởng trang trí, tôi vốn thích phong cách tối giản nên không cần không gian quá lộng lẫy, cầu kỳ. Dịch vụ hoa tươi dành riêng cho đám cưới vốn rất đắt, lựa chọn hoa khô sẽ đỡ tốn kém hơn mà vẫn có tính thẩm mỹ.
Một điều lưu ý là bạn cần thương lượng rõ, trong trường hợp của tôi, vì thuê trang trí ngoài, phía khách sạn tính thêm một khoản phí tháo, dỡ. Con số ban đầu đưa ra tôi thấy không hợp lý, hai bên mất thời gian bàn bạc lại khá lâu.
Ban đầu, chúng tôi không có ý định chụp ảnh cưới, mà dùng hình có sẵn của hai đứa. Tuy vậy, vì cần ảnh mặc lễ phục treo ở sảnh chính, cả hai chi thêm 15 triệu đồng chụp trong studio để nhanh gọn, đỡ vất vả.
Việc quản lý tốt đồ uống trong đám cưới cũng giúp tiết kiệm một khoản. Tôi chọn tự mua rượu ở ngoài, trả phí dịch vụ và thấy rẻ hơn đáng kể so với đặt sẵn của khách sạn.
"Nhẹ hết cả người" là cảm giác của tôi sau khi kết thúc. Vừa đi làm, vừa bận tổ chức đám cưới trong 3-4 tháng liên tục, tôi luôn trong trạng thái tất bật và hay lo nghĩ. Cuối cùng, mọi thứ cũng xong.
Từng chia sẻ với Zing, chuyên gia tài chính cá nhân Mina Chung cho hay tổ chức tiệc cưới là việc "mỗi nhà mỗi kiểu". Do đó, cả hai cần ngồi lại với nhau, đặt mục tiêu tài chính và kế hoạch đạt được.
Sau khi ước lượng số tiền, bạn và nửa kia có thể cam kết chuyển 30% lương mỗi người vào quỹ đám cưới trong một thời gian nhất định.
30% đến từ phương pháp phân bổ tiền 50/30/20, trong đó, bạn dành ra 30% thu nhập tháng cho tiêu dùng cá nhân. Khi quyết định kết hôn, bạn có thể giảm chi phí giải trí, mua sắm để dành dụm cho đám cưới.
Nếu một trong hai gia đình quyết định trả giúp chi phí, hoặc bạn và bạn đời chỉ cần một bữa tiệc thân mật, thì thời gian chờ đợi sẽ được rút ngắn.
Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.