Thấy có người lạ, cụ Xê hấp háy mắt bên phải còn thấy đường dòm rồi cố dùng hai tay và chân phải gượng nhỏm đầu dậy. Chân trái từ ngày bị tai nạn, bánh chè chèn cứng đờ, thẳng đuột như khúc tre làm cụ Xê càng thêm khó cử động, xoay trở.
Cụ Xê sống nương tựa vào bà con lối xóm. |
Con mèo mà cụ Xê gọi là bé miu thấy có khách dường như cũng mừng, chạy qua rồi leo lại trên bụng cụ, kêu meo... meo... Nhướng bên mắt trái mờ đục thủy tinh thể, đưa tay quờ ôm con mèo vào lòng, cụ Xê dỗ dành: “Ngoan nào bé miu. Có con mèo này làm bạn tui cũng đỡ buồn cậu à”.
Đã bốn năm nay, ngày này qua ngày khác cụ Xê chỉ có thể lết trên giường, lâu lâu có người giúp thì cụ mới bò xuống nền nhà cho khuây khỏa. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc giường cáu bẩn. Cuối giường là nồi cơm, đĩa cá kho, hai cái bát một mẻ một lành và đôi đũa tre đen nhẻm. Khoảng giữa của giường được lót một tấm lịch cứng làm nơi cụ ngồi rồi đến mảnh chiếu cũ sờn. Căn nhà lâu không được quét dọn nên cũng cáu bẩn, ẩm thấp, mùi ẩm mốc bốc lên như đã lâu không có ai ở.
Sự cơ cực dường như đã vận vào người cụ Xê từ lúc còn nhỏ. Bố chết từ ngay trận càn đầu tiên của giặc vào năm Mậu Thân 1968, cụ Xê côi cút sống với mẹ đi qua suốt cuộc chiến tranh xưa bằng nghề làm nông, kiếm củi. Thế rồi vì mẹ bệnh tật cần tiền chạy chữa, đất cát bán dần rồi cũng hết. Khi mẹ mất, cụ Xê trở thành người không đất, không nhà, không còn người thân thích. Thương tình, người chủ mua đất của gia đình cho cụ Xê cất một căn chòi nơi góc vườn để tá túc. “Ngày trước tui đi bán nhang, mỗi bó lời khoảng 5.000 đồng, ngày cũng kiếm được 15.000-20.000 đồng, sống nhín tạm qua ngày” - đưa tay quệt dòng nước ứa ra từ nơi khóe mắt mờ đục, cụ Xê kể.
Năm 27 tuổi, như bao người con gái khác, cô Xê lập gia đình. Sống với nhau hai năm, chưa được mụn con nào thì người chồng bị bệnh qua đời. Để tang chồng hết ba năm, cô Xê đi thêm bước nữa với một người đàn ông trong làng.
Thế nhưng ở với nhau chưa lâu, người chồng thứ hai lại chết sau một lần bị trúng gió.
Chị Trần Thị Ánh Tuyết, cán bộ phụ trách công tác thương binh xã hội xã An Sơn, cho biết hiện nay mỗi tháng cụ Xê được xã chu cấp 680.000 đồng theo chế độ chăm sóc người già. “Giá mà tui còn đi bán nhang được cũng đỡ khổ” - tì hai khuỷu tay đã chai sần xuống giường, ngóc đầu vừa như nằm vừa như ngồi, cụ Xê thủ thỉ.
Ba năm trước, nghề bán nhang - nguồn kiếm sống cuối cùng của cụ Xê - cũng phụt tắt sau một lần đi bán bị xe đụng. Người tông xe không đưa cụ Xê đến bệnh viện mà chở luôn về căn chòi của cụ, để lại 500.000 đồng rồi đi mất biệt.
Cụ Xê chỉ còn biết trông chờ vào người bạn già hàng xóm năm nay đã bước sang tuổi 71 - bà Huỳnh Thị Tỏ. Cụ Tỏ cho biết do mình cũng đang phải chăm chồng bị bại liệt nên đến trưa mới sang đặt nồi cơm rồi tắm rửa giúp cụ Xê. “Tui với bả là hàng xóm mấy chục năm nay nên bạn bè giúp nhau lúc hoạn nạn” - cụ Tỏ vuốt mái tóc bạc trắng, cười móm mém nói.